Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai; trong đó tại Thành phố Nam Định có 14 cơ sở, các huyện: Xuân Trường 9 cơ sở, Hải Hậu 8 cơ sở, Nghĩa Hưng 7 cơ sở…, còn lại ở các huyện Ý Yên, Nam Trực, Giao Thủy, Trực Ninh. Một số loại nước đóng chai của các cơ sở sản xuất trong tỉnh đã từng bước được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn như sản phẩm mang nhãn hiệu Opal của Chi nhánh Cty Việt Hà (TP Nam Định), Thiên Trường của Cty TNHH một thành viên kinh doanh nước sạch Nam Định… Các sản phẩm này không chỉ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh mà còn được bán rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Đồng chí Phạm Công Tiến, Phó Phòng đăng ký chứng nhận sản phẩm, Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) cho biết, đa số các Cty, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh đáp ứng các yêu cầu thiết yếu về diện tích nhà xưởng, trang thiết bị máy móc. Người trực tiếp sản xuất được tập huấn kiến thức về ATVSTP và được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc. Quy trình sản xuất tuân thủ các công đoạn cơ bản như xử lý thụ, xử lý tinh, bơm tạo áp bằng hệ thống máy RO, qua đèn cực tím… Sản phẩm nước tinh khiết cơ bản bảo đảm các tiêu chuẩn về màu sắc, độ trong, không có mùi vị lạ…
Một cửa hàng bán nước đóng chai trên đường Phù Nghĩa (TP Nam Định). |
Tuy nhiên vẫn còn có một số cơ sở sản xuất theo quy mô hộ gia đình, diện tích chật hẹp; một số cơ sở chưa thực hiện đúng quy định về kiểm nghiệm chất lượng nước theo định kỳ hoặc có tình trạng cơ sở mang mẫu nước đi xét nghiệm đạt các tiêu chuẩn về ATVSTP, các chỉ số lý hoá nhưng chất lượng nước đóng trong bình lưu thông trên thị trường lại không đúng như công bố. Đối với các cơ quan chức năng như Chi cục ATVSTP, Chi cục Quản lý thị trường, việc quản lý, kiểm soát cũng gặp khó khăn do lực lượng mỏng, thiếu các phương tiện kiểm tra nhanh. Tại một cơ sở sản xuất nước đóng chai ở huyện Nghĩa Hưng, chúng tôi tận mắt chứng kiến điều kiện sản xuất sơ sài, tạm bợ, diện tích sản xuất nhỏ, một vài thiết bị đã ngả sang màu vàng do bị oxy hoá và lâu ngày chưa được thay thế nhưng chủ cơ sở sản xuất vẫn khẳng định sản phẩm của mình “bảo đảm chất lượng, có uy tín, tốt cho sức khoẻ”. Xung quanh là nhiều chiếc vỏ bình được thu hồi để tái sử dụng đã cáu bẩn nằm ngổn ngang dưới sàn nhà, ngay chỗ đông người qua lại. Do chưa vào mùa nóng, nhu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng này còn hạn chế nên chỉ có hai công nhân làm việc nhưng đều không có các trang bị bảo hộ lao động tối thiểu như găng tay, khẩu trang, mũ…
Nhu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng nước uống đóng chai ngày càng tăng, nhất là khi mùa hè đang đến gần. Việc xuất hiện quá nhiều các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai sẵn ở tỉnh ta như hiện nay với giá rẻ mà sản xuất, kinh doanh vẫn có lãi thì liệu có “tinh khiết”, “tốt cho sức khỏe” như lời các nhà sản xuất ghi trên nhãn mác? Ngoài ra cũng có nhiều các loại nước uống được bắt đầu bằng chữ “Aqua”, màu sắc, hình thức gần tương tự như nhãn hiệu Aquafina, rất dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát chặt chẽ, xử lý, công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm về nhãn mác, điều kiện đăng ký kinh doanh, vi phạm quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm không đúng công bố… để giải đáp băn khoăn của người tiêu dùng cũng như bảo vệ quyền lợi cho các cơ sở sản xuất chân chính. Người tiêu dùng cũng không nên vì lợi ích trước mắt như giá rẻ, tiện lợi để mua các loại nước uống đóng chai không rõ nguồn gốc, kém chất lượng…, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe./.
Bài và ảnh: Thanh Thủy