Những doanh nhân trẻ và con đường lập thân, lập nghiệp

08:03, 21/03/2011

 "Cái khó nhất không phải là bắt đầu mà là phải dám bắt đầu làm lại từ đầu!”. Hai trong số những doanh nhân trẻ được đánh giá là thành đạt mà tôi gặp trong dịp trung tuần Tháng Thanh niên năm nay đều có chung một câu nói ấy. Họ là những người dám theo đuổi ước mơ, dám đứng dậy sau vấp ngã, lao vào gian khó để theo đuổi khát vọng của mình. Họ là tấm gương về nghị lực dám nghĩ, dám làm và cũng là minh chứng sống động cho khát vọng không ngừng vươn lên của tuổi trẻ hôm nay.

I. Bỏ “kỹ sư tin học” để… trở thành “nông dân”

Một người bạn học THPT của Trần Kiều kể rằng: Năm 1995, khi Trường THPT Xuân Trường B được trang bị 10 chiếc máy vi tính đầu tiên, cậu học sinh ở làng nghề cơ khí truyền thống Xuân Tiến (Xuân Trường) ấy đã tỏ ra quan tâm đặc biệt và dù mới học lớp 11 đã chắc nịch tuyên bố với bạn bè “sau này sẽ theo nghề tin học!”. Theo đuổi ước mơ đầu đời ấy, Trần Kiều đỗ vào Khoa Công nghệ Thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2002, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã đứng ra thành lập Trung tâm tin học Fly chuyên đào tạo phổ cập, giới thiệu sản phẩm, thiết bị tin học và viết, cung cấp phần mềm. Giáo viên, học sinh, cán bộ công chức của 4 huyện phía nam tỉnh lúc đó hầu hết đều biết Trần Kiều vì Fly là trung tâm tin học đầu tiên xuất hiện ở khu vực này. Ngoài văn phòng chính đặt tại Thị trấn Xuân Trường, Fly còn có 3 văn phòng đại diện đặt tại trung tâm các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Trực Ninh. 

Mặc dù đã được tìm hiểu trước nhưng tôi không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy người thanh niên trước mặt lấm lem dầu mỡ, mặc áo cộc tay giữa tiết trời chưa đến 200C! Như đoán được sự ngạc nhiên của tôi, Bí thư Huyện Đoàn Xuân Trường Lưu Quang Huy cười: Đây là Trần Kiều giám đốc Cty TNHH Tân Thiên Phú chuyên sản xuất máy, thiết bị nông nghiệp.

Kiều tâm sự: “Đã có lúc tôi từng nghĩ cả cuộc đời mình sẽ gắn bó với chiếc máy tính. Nhưng khi bước vào kinh doanh, nhiều thứ không thể lập trình trước được! Phát triển nóng, chưa đủ kinh nghiệm quản lý nên năm 2004, Trung tâm tin học Fly phá sản. Tôi quay ngược về Hà Nội với hành lý là bài học cay đắng đầu đời!”. Được Hội Đông Nam Á tuyển dụng làm Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Kiều tiếp tục có thêm 3 năm gắn bó với chiếc máy vi tính, tuy nhiên giống như lần đầu có niềm say mê với vi tính, lần này trong anh lại xuất hiện mơ ước theo nghiệp kinh doanh mà anh vừa nếm trải thất bại. Đầu năm 2007, anh về quê với hy vọng lập nghiệp trên con đường mới. Sáu tháng đầu tiên, anh được nhận việc tại Cty TNHH Thanh Giang vừa làm, vừa tìm tòi con đường đi cho riêng mình. Hóa ra cơ hội không ở đâu xa mà ở ngay trước mắt. Làng nghề cơ khí Xuân Tiến đang bước vào thời kỳ phát đạt, bạn bè đồng lứa với anh nhiều người đã lập nghiệp, thành danh chính từ nghề truyền thống của quê hương. Bản thân anh vẫn thấm đẫm tiếng búa quai đe, sắc rực đỏ và sức nóng nung người của bễ lò rèn. Bố mẹ anh cũng là những người thợ cơ khí lành nghề. Cảm thông với cậu thanh niên có chí, giám đốc Cty TNHH Thanh Giang cũng hướng nghiệp cho anh nên theo nghề cha ông đã tận tình chỉ bảo hướng sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp vì vốn đầu tư nhỏ, thị trường rộng và nhanh thu hồi được vốn. Nghĩ là làm! Cuối năm 2007, Cty TNHH Tân Thiên Phú ra đời tại xóm 6, xã Xuân Tiến chuyên sản xuất các loại máy nông nghiệp. Hàng tháng trời, giám đốc Trần Kiều ngày lăn lộn ngoài đồng, dọ dẫm với chuồng trại; tối về là miệt mài suốt đêm với bản vẽ, máy vi tính để cho ra đời những chiếc máy thay thế hình thức lao động thủ công của người nông dân. Chưa hết, cứ nghe ở đâu hay thị trường có loại máy nông nghiệp nào mới xuất hiện là anh tìm đến xem bằng được để nghiên cứu, học hỏi rồi cải tiến, cho ra những chiếc máy có giá thành rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo công năng. Nhờ đó, đến nay Cty TNHH Tân Thiên Phú đã có khách hàng ở khắp các tỉnh trên cả nước; nhiều viện nghiên cứu, đơn vị nông nghiệp về đặt hàng. Nhưng để có được những đơn đặt hàng như vậy không hề đơn giản, thậm chí nhiều phen tưởng lại trắng tay, bắt đầu lại từ đầu. Năm 2008, khi vừa thành lập doanh nghiệp với số vốn chưa đầy 100 triệu đồng, anh nhận hợp đồng lắp máy sấy cho Cty Đại Lộc (Thanh Hóa), lắp xong thấy chỉ số nhiệt kế không đúng yêu cầu, Cty bắt phải làm lại. Trị giá một chiếc máy chỉ 25 triệu đồng nhưng anh đã phải thuê chuyên gia mất 50 triệu đồng để hoàn thành hợp đồng. Còn vô vàn những vấp ngã trên con đường lập nghiệp mới mà anh đã kể, lần nào cũng khắc nghiệt, nhưng đó lại là những bài học xương máu để anh bước tiếp. Đầu năm 2011, Cty TNHH Tân Thiên Phú đã có số vốn kinh doanh vài tỷ đồng, hệ thống máy móc hiện đại, hơn 20 lao động làm không hết việc. Đấy chính là minh chứng rõ ràng nhất cho một bản lĩnh, nghị lực trẻ không ngại vấp ngã, dám đứng dậy và vươn lên trên con đường lập nghiệp. 

Sản xuất máy nông nghiệp tại Cty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường). Ảnh: Thúy ngần
Sản xuất máy nông nghiệp tại Cty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường). Ảnh: Thúy Ngần

II. Thành quả của nghị lực!

“Mình thì có gì mà kể, chỉ là sự cố gắng thôi!”. Anh đã nói vậy nhiều lần khi tôi ngỏ ý muốn viết về anh. Và lần nào cũng vậy, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bao giờ cũng bắt đầu bằng những dự định mới mẻ, nhiều khi rất táo bạo của anh: mở khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, sân tennis, nhà tổ chức sự kiện... Sôi nổi, tâm huyết, người thanh niên trẻ có vóc dáng thư sinh ngồi đối diện đã cuốn tôi vào những vấn đề ấy một cách rất tự nhiên để cùng chia sẻ, lắng nghe và nhận ra một điều: Sự đam mê và nghị lực đã làm nên Vũ Văn Tuyền, giám đốc Cty TNHH quảng cáo dịch vụ thương mại Hoàng Mai hôm nay.

Vũ Văn Tuyền, sinh năm 1981 tại xã Giao Châu (Giao Thuỷ), trong một gia đình có 5 anh em trai. Năm 2000, sau khi thi trượt đại học, bố mẹ định hướng cho anh đi học nghề đông y truyền thống của gia đình. Rồi như một cơ duyên trong thời gian đi học đông y, Tuyền lại dành hết niềm đam mê cho nhiếp ảnh. Bởi vậy, thay vì nghề làm “thầy” ở quê để có một cuộc sống ổn định và bình lặng thì anh lại quyết tâm lên Thành phố Nam Định theo đuổi niềm đam mê làm “thợ” của mình - với hành trang là chiếc balô và duy nhất một bộ quần áo. Những tháng ngày ấy thật sự đáng nhớ với Tuyền bởi đó là quá trình sống gian khổ nhất nhưng lại rèn rũa và chứng minh được nghị lực, ý chí vươn lên của Tuyền. Vẫn khao khát tìm cơ hội đến với nhiếp ảnh, nhưng trước mắt, để có tiền nuôi sống bản thân, hàng ngày anh không ngại nhận làm bất cứ công việc gì, từ trông xe, vác hàng đến đạp xích lô chở hàng thuê từ chợ Mỹ Tho ra bến xe… Rồi số phận run rủi khi anh được gặp và học nghề nhiếp ảnh từ nghệ sỹ nhiếp ảnh Đăng Thanh. Những bức ảnh đầu tiên của Tuyền được nghệ sỹ Đăng Thanh khen ngợi vì biết lấy góc máy và bức ảnh có hồn, và đặc biệt vì người nghệ sỹ cảm nhận được sự say mê, nhiệt huyết vô bờ trong cậu học trò mới... Sau rất nhiều nỗ lực, Tuyền đã có được những thành quả đầu tiên ấy. Năm 2001, từ một thợ chụp ảnh dạo ở bờ hồ, anh mở cửa hàng chụp ảnh với vẻn vẹn 500 nghìn đồng, số tiền anh cầm chiếc xe đạp, tài sản duy nhất của mình. Từ tiền mua tủ kính, máy ảnh đến tiền thuê nhà anh đều phải nợ. Vừa mở hiệu ảnh, anh vừa học và thi đỗ vào khoa Kế toán Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định. Với những mày mò học hỏi, anh thấy được mối liên hệ rất gần giữa nhiếp ảnh và quảng cáo - một nghề được xem là lĩnh vực tương đối mới lúc đó ở tỉnh ta. Đến cuối năm 2004, với số tiền tiết kiệm ít ỏi, Tuyền “táo gan” đi vay mượn bạn bè, người quen số tiền lên tới 200 triệu đồng để thành lập Cty TNHH quảng cáo dịch vụ thương mại Hoàng Mai. Ban đầu chỉ là những tấm thẻ học sinh, rồi đến những tấm biển quảng cáo nhỏ. Sau 2 năm "vật lộn" tìm chỗ đứng trên thị trường với không ít những lần vấp ngã rồi đứng lên…, Tuyền đã tạo dựng được các mối quan hệ, kinh nghiệm, uy tín cho Cty. Đến hết năm 2010 doanh thu của Cty ước đạt 16 tỷ đồng, với gần 30 lao động có mức thu nhập ổn định mỗi người hơn 3 triệu đồng/tháng. Hiện anh đang tiếp tục đầu tư mở rộng các loại hình dịch vụ, trong đó có thể kể đến 2 sân tennis trên đường Tô Hiệu, hàng năm đưa lại cho Cty hàng tỷ đồng. Nhìn lại quãng thời gian 10 năm đã qua, anh chia sẻ: "Muốn thành công thì hãy làm theo đam mê của mình. Đó là động lực để vượt qua khó khăn, vấp ngã và giúp ta dám bắt đầu lại ngay khi trắng tay(!)”.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều thanh niên tôi đã gặp, họ giống như những mầm cây nhỏ, luôn chất chứa trong mình sức sống mãnh liệt của niềm khát khao được vươn lên, khẳng định mình. Hiện nay, thanh niên được trao cho rất nhiều cơ hội cũng như luôn được hỗ trợ trong quá trình lập thân, lập nghiệp. Với sự định hướng, hỗ trợ ấy cùng nỗ lực, tâm huyết của những người trẻ tuổi trong toàn tỉnh đang xuất hiện ngày càng nhiều những người trẻ tuổi dám nghĩ, dám làm, góp phần vào sự nghiệp phát triển quê hương./.

Ngân Huyền

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com