Cải thiện đời sống công nhân ở các Khu Công nghiệp tỉnh (kỳ I)

09:03, 30/03/2011

Kết quả điều tra mới đây của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp (KCN) tỉnh về đời sống, công việc của người lao động tại các KCN cho thấy: Về đời sống, 65% công nhân thu nhập ở mức “tạm đủ ăn”, trong đó 34% còn ở mức thiếu thốn; chỉ có 1% công nhân tiết kiệm được trên 1 triệu đồng/tháng. Về trình độ nghề, 83,6% công nhân có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo nghề, chỉ có 11,9% lao động đạt trình độ trung cấp... Qua đó cho thấy vấn đề đời sống, tay nghề người lao động là bài toán cần sớm có lời giải để hướng đến mục tiêu phát triển hiệu quả bền vững của các KCN tỉnh.

 

Nhà ở của công nhân KCN Hòa Xá tại làng Vị Dương, xã Mỹ Xá (TP Nam Định).  Ảnh: Xuân Thu
Nhà ở của công nhân KCN Hòa Xá tại làng Vị Dương, xã Mỹ Xá (TP Nam Định).
Ảnh: Xuân Thu

Thu nhập thấp vì trình độ, tay nghề yếu (!)

Tại tỉnh ta, trong số 11 KCN đã được Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư đã có 3 KCN đi vào hoạt động, gồm KCN Hoà Xá, KCN Mỹ Trung (TP Nam Định), và KCN đóng tàu Vinashin (Xuân Trường, Hải Hậu). Đến nay, tại 3 KCN này đã có 150 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 11.232 tỷ đồng và 150,3 triệu USD; tổng số lao động đăng ký là 5,7 vạn người; đến năm 2010, có tổng số 95 dự án đi vào sản xuất. Từ năm 2006 đến nay, giá trị sản xuất tại các KCN tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng khoảng 25%/năm, cao hơn mức tăng trưởng của ngành công nghiệp tỉnh. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp tại các KCN tỉnh đạt 1.904 tỷ đồng (giá cố định 1994), bằng 138% kế hoạch tỉnh giao, doanh thu đạt 5.040 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 107,75 triệu USD, nộp ngân sách 50,19 tỷ đồng. Bên cạnh giá trị sản xuất công nghiệp, các KCN đã đóng vai trò tích cực trong công tác giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho hàng vạn lao động, đặc biệt là lao động nông thôn ở các huyện, vùng giáp ranh KCN, lao động trẻ. Đến quý I-2011, tổng số lao động làm việc tại các KCN là trên 2 vạn người, trong đó lao động làm việc tại KCN Hoà Xá là 18.807 người. Ngoài ra, hoạt động sản xuất tại các KCN còn gián tiếp tạo việc làm cho hàng vạn lao động ở các địa phương trong tỉnh. Đơn cử như Cty cổ phần Dệt may Sơn Nam có vệ tinh trên 10 làng nghề và hàng chục doanh nghiệp địa phương, Cty cổ phần may Sông Hồng thành lập xưởng may tại các huyện Xuân Trường và Hải Hậu với số lượng trên 2.000 lao động...

Thu nhập chính là thước đo mức sống của người lao động. Năm 2008, sau khi tiến hành tổng điều tra, Viện Công nhân và Công đoàn đã có đánh giá: “Hầu hết công nhân phải làm việc vất vả, cường độ cao, thời giam làm việc kéo dài, song tiền công, tiền lương của họ rất thấp so với  mức sống, mức chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày...”. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong các năm qua mức lương bình quân của công nhân tại các KCN đều tăng. Năm 2008 tăng bình quân 28% so với năm 2007, năm 2009 tăng bình quân 12%, đạt 1,410 triệu đồng/người/tháng. Năm 2009, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiến hành điều tra chi tiêu thực tế của công nhân. Kết quả cho thấy, mức chi phí bình quân của công nhân là 1,173 triệu đồng/người/tháng. Trong đó chi phí cho ăn uống là 657 nghìn đồng, chiếm tỷ lệ 52%, chi phí đi lại khoảng 120 nghìn đồng (11%), chi thuê nhà ở 54 nghìn đồng (5%), thông tin liên lạc và các chi phí khác 342 nghìn đồng (32%). Tính ra, chi phí bình quân 1 ngày/người của công nhân xấp xỉ 39 nghìn đồng, trong đó chi cho ăn uống gần 22 nghìn đồng. Đây là mức chi tiêu rất tiết kiệm. Các chi phí khác phục vụ đời sống như mua sắm, du lịch, liên hoan, thể thao, văn hoá… hầu như bị cắt bỏ. Qua điều tra tại 235 phòng trọ của công nhân ở các xã Mỹ Xá, Lộc Hoà, Mỹ Trung, hầu hết các phòng trọ có diện tích khoảng 10m2 nhưng mỗi phòng trọ đều có từ 2 đến 3, thậm chí 4 người ở để tiết kiệm tiền trọ; chỉ có 40 phòng trọ có ti vi, 1 phòng trọ có rađio, còn lại 194 phòng trọ không có phương tiện nghe nhìn. Trong các phòng trọ, hầu hết chỉ có 1 chiếc giường, 1 tủ vải đựng quần áo.

Chi tiêu đã tối giảm, nhưng người lao động tại KCN tích luỹ được rất ít, thậm chí không có. Nếu tính theo thu nhập bình quân thì một người sẽ tiết kiệm được 277.000 đồng (bằng 19% thu nhập) nhưng điều tra thực tế cho thấy có 65% công nhân có thu nhập chỉ vừa đủ chi tiêu, trong đó 34% thậm chí chưa đủ, còn thiếu thốn. Nhóm này có thu nhập từ bằng mức lương bình quân của KCN trở xuống. Có 31% công nhân có tiết kiệm ở mức vài trăm nghìn đồng/tháng và chỉ có 1% tổng số công nhân tiết kiệm được ở mức từ 1 triệu đồng/tháng trở lên.

Đến năm 2010 và đầu năm 2011, mức lương bình quân tại các KCN tăng, đạt 1,82 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức sống của người lao động lại có xu hướng giảm vì giá cả sinh hoạt tăng. Chị Lê Thị Thuý, công nhân tại KCN Hoà Xá đang thuê trọ tại Mỹ Trọng, Mỹ Xá (TP Nam Định) cho biết: Bây giờ giá phòng trọ ít nhất cũng phải 300 nghìn đồng trở lên, chủ nhà cũng không cho ở 4 người/phòng như trước. Rau, thịt, gạo, xăng, điện… đều lên giá. Lương tăng 300-400 nghìn đồng một tháng mà chẳng bỏ thêm ra được đồng nào(!). Anh Lê Tuấn Tú cho biết: Vợ chồng tôi cùng làm công nhân ở KCN Hoà Xá, tổng thu nhập của hai vợ chồng vừa tròn 4 triệu đồng, nhà chưa có, phải đi thuê trọ. Dù cố gắng tằn tiện nhưng nửa năm nay không bỏ ra được đồng nào. Bố mẹ hai bên ở quê giục sinh con nhưng cứ phải khất lần vì không biết lấy tiền đâu ra để nuôi con.

Đồng chí Vũ Quang Tùng, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp (Ban Quản lý các KCN tỉnh) cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến thu nhập thấp là do công nhân ở các KCN tỉnh hiện nay còn đang rất yếu về tay nghề, trình độ; điều đó ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo số liệu điều tra, số công nhân ở các KCN có trình độ đại học, cao đẳng hiện nay chỉ có 4,5%, trình độ trung cấp nghề 11,9%, lao động được đào tạo sơ cấp là 46% và lao động chưa qua đào tạo nghề lên tới 37,6%. Cũng theo đồng chí Vũ Quang Tùng, ngoài đặc thù chung của các KCN thường thu hút, tập trung lao động ở các vùng nông thôn, chủ yếu là thanh niên, nông dân tìm việc nên tay nghề thấp thì thực trạng lao động thiếu chuyên môn của các KCN tỉnh ta còn xuất phát từ chính quan điểm của các chủ doanh nghiệp. Thiếu tích cực trong tìm nguồn lao động có chuyên môn tại hệ thống các trường nghề trong tỉnh, thiếu năng động trong liên kết đào tạo nghề khi sử dụng lao động, các doanh nghiệp thường chỉ thông báo, niêm yết chờ người lao động đến xin việc. Đây cũng là điểm yếu chung của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp địa phương, thậm chí đến nay tại các KCN tỉnh chưa có doanh nghiệp nào được hưởng cơ chế hỗ trợ về đào tạo lao động vì doanh nghiệp không tha thiết. Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh rất quan tâm muốn vận dụng trong đào tạo nghề trong doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn hoạt động ngoài các KCN. Bên cạnh đó, vì thu nhập thấp, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của học nghề, nâng cao tay nghề nên người lao động tại các KCN chưa có điều kiện và chưa tha thiết với vấn đề đào tạo nghề.

Thực trạng thiếu, yếu về chuyên môn, tay nghề của lao động tại các KCN tỉnh không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp vào mức sống, thu nhập của bản thân người lao động. Tay nghề yếu có hệ quả là không ổn định về công việc, nơi làm việc, dễ bị thiệt thòi về quyền lợi và đặc biệt sẽ không có cơ hội vươn lên thoát khỏi khó khăn, mức sống thấp…

(Còn nữa)
Hoàng Long


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com