Từ những thập niên cuối thế kỷ 20, thực hiện đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phát triển rất mạnh. Trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng, những khó khăn đã dần được tháo gỡ. Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) chỉ rõ mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một trong những biện pháp lớn để thực hiện mục tiêu đó là xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tức là phát triển mạnh văn hóa từ cơ sở. Các nghị quyết của các Đại hội IX và X đều khẳng định tiếp tục mục tiêu đó.
Làng Văn hóa thôn Trung, xã Yên Dương (Ý Yên).
Ảnh:
Xuân Thu
|
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật liên quan việc chỉ đạo hướng dẫn tổ chức hoạt động văn hóa cơ sở thuộc các lĩnh vực quản lý như lễ hội, quảng cáo, tuyên truyền cổ động, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, quản lý văn học - nghệ thuật quần chúng đồng thời phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa... Trước hết là xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở như: Nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ, sân vận động... theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy được nguồn lực mạnh mẽ của toàn xã hội. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã thu hút được sự tham gia của các mạnh thường quân, các tổ chức, doanh nghiệp, tập thể và các cá nhân. Nhiều địa phương như: Hưng Yên, Lào Cai, Thanh Hóa... khi quy hoạch đất đai, khu dân cư đều quan tâm đến việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở.
Một hệ thống thiết chế đang từng bước được xây dựng từ tỉnh đến xã. Hiện nay, cả nước có 72 Trung tâm Văn hóa - Thông tin cấp tỉnh, 697 Phòng văn hóa cấp quận, huyện; 549 Trung tâm văn hóa cấp huyện; 4.197 nhà văn hóa xã; 41.676 nhà văn hóa làng (thôn, ấp, bản). Đặc biệt vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở với nhiều nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, hấp dẫn thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. 41.086 đội văn nghệ quần chúng, 684 đội thông tin lưu động trong cả nước trở thành nòng cốt trong hoạt động của các thiết chế văn hóa. Khắp vùng, miền đều có phong trào văn nghệ quần chúng, khai thác và phát huy vốn nghệ thuật dân gian của 54 dân tộc anh em thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng với việc kiện toàn hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phong trào quần chúng xây dựng đời sống văn hóa ở mọi lĩnh vực được đẩy mạnh. Phong trào toàn dân xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, khu phố văn hóa phát triển sâu rộng khắp các vùng, miền trong cả nước. Đã có gần 12 nghìn hương ước, quy ước văn hóa được xây dựng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, trong đó có nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Kết quả nổi bật của phong trào này là đã phát huy tinh thần đoàn kết ở khu dân cư, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức tự quản cộng đồng, huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, tạo sự chuyển biến tiến bộ thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội, duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Có lẽ lĩnh vực tổ chức lễ hội truyền thống của các dân tộc mang tính xã hội rõ nét nhất. Nước ta có tới hàng nghìn lễ hội lớn, nhỏ trong đó phần lớn là lễ hội dân gian. Hầu như làng, bản nào cũng có lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân. Những lễ hội lớn thường thu hút hàng chục nghìn người. Các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số được khôi phục và phát triển mạnh, không những thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc góp phần làm cho văn hóa Việt Nam đa dạng trong sự thống nhất mà còn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Tổ chức tốt các lễ hội đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân đồng thời góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa dân tộc.
Có thể nói những năm qua, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có sức cuốn hút mạnh mẽ, thấm sâu đến từng cơ sở thật sự trở thành phong trào quần chúng rộng lớn. Tiếp tục thực hiện đẩy mạnh hoạt động của phong trào này trong thời gian tới, ngành văn hóa cơ sở mong muốn Nhà nước có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để hệ thống văn hóa cơ sở được hoàn thiện đồng bộ trở thành nhân tố thúc đẩy hoạt động xã hội văn hóa. Lãnh đạo địa phương quan tâm phong trào, coi đó là nhiệm vụ chính trị nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ văn hóa cơ sở và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để họ yên tâm công tác. Phong trào phát triển sâu rộng nhưng đã đến lúc phải đi vào chiều sâu có hiệu quả thiết thực, tránh bệnh hình thức nhất là ở khâu công nhận các danh hiệu văn hóa./.
Trương Công Thấm
(Cục Văn hóa cơ sở)