Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc trồng cây gây rừng. Mùa xuân năm 1960, Người đã phát động phong trào trồng cây “Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Từ đó, cứ vào những ngày đầu xuân, Bác lại cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ trồng cây và phát động phong trào trồng cây tới các địa phương. Đi đến đâu, về địa phương nào Bác cũng tổ chức trồng cây lưu niệm. Noi gương Bác Hồ, mùa xuân nào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương trong cả nước đều tổ chức Tết trồng cây và phát động toàn dân trồng cây gây rừng.
Rừng phòng hộ ven biển xã Giao Xuân (Giao Thủy).
Ảnh:
PV
|
Ở tỉnh ta, hằng năm vào ngày từ mùng 4 đến mùng 6 Tết Nguyên đán, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các đoàn thể của tỉnh đều tổ chức trồng cây và phát động phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Trước đó, ngay từ cuối tháng 12 (đầu tháng 11 âm lịch), UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức Tết trồng cây và phát động phong trào trồng cây gây rừng. Năm nay, ngay từ ngày 31-12-2010, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Tân Mão năm 2011. UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức trồng cây và phát động phong trào trồng cây gây rừng; yêu cầu các địa phương tổ chức Tết trồng cây và tiến hành lễ phát động phong trào trồng cây ngay trong những ngày đầu xuân để cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, cơ quan ban ngành và đông đảo nhân dân tham gia; tổ chức tốt Tết trồng cây nhớ ơn Bác, đồng thời kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể. Đặc biệt đối với các huyện ven biển, UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ bảo vệ đê biển, chắn sóng lấn biển ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ sản xuất. Với các địa phương khác đẩy mạnh trồng cây phân tán trên các khu đất trống, bờ kênh mương, ven đường giao thông, bờ vùng, bờ thửa và trồng cây ăn quả để cải tạo vườn tạp tại các hộ gia đình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cò trắng về Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Ảnh:
Trần Hưng
|
Được các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân quan tâm nên phong trào trồng cây của tỉnh ta luôn giữ vững và phát triển. Chỉ tính riêng 5 năm qua, toàn tỉnh đã trồng 1.014ha rừng tập trung và hàng chục triệu cây phân tán các loại. Trong năm 2005, cả tỉnh đã trồng 303ha rừng tập trung, vượt 21,2% so với kế hoạch, trồng 5 triệu cây phân tán các loại... Các trận bão cuối năm và triều cường đã làm một số diện tích phi lao ngoài đê biển và nhiều cây môi trường, cảnh quan bị chết, bị gãy, đổ... Ban quản lý dự án trồng rừng phòng hộ đã chủ động lập kế hoạch, chuẩn bị mọi điều kiện để ngay trong vụ xuân 2006 tổ chức cho các địa phương trồng sớm, ra quân đồng loạt. Chỉ trong 3 tháng mùa xuân toàn tỉnh đã trồng trên 3 triệu cây phân tán các loại, đạt 70% kế hoạch cả năm, riêng số cây trồng thuộc dự án 661 của tỉnh đã đạt 78% kế hoạch cả năm và trồng 29,5ha rừng phòng hộ tập trung tại bãi biển huyện Nghĩa Hưng. Kết quả đó đã đưa tổng số cây trồng phân tán trong năm 2006 lên gần 5 triệu cây; trồng 356ha rừng phòng hộ, đạt 127% kế hoạch; chăm sóc 1.000ha và bảo vệ 3.200ha rừng đã trồng trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2010 mặc dù vụ xuân hạn hán kéo dài gây khó khăn trong việc trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán nhưng sau khi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các đoàn thể tổ chức Tết trồng cây, phát động phong trào trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường, cảnh quan... các địa phương đã đồng loạt ra quân khắc phục khó khăn, tổ chức trồng cây và bảo vệ tốt cây đã trồng. Trong năm 2010 toàn tỉnh đã trồng 338ha rừng tập trung, đạt 250% kế hoạch; chăm sóc tốt rừng mới trồng và bảo vệ 1.065ha rừng phòng hộ ven biển. Trong năm, các địa phương trong tỉnh đã trồng và chăm sóc tốt 2 triệu cây phân tán các loại. Nhiều xã, thị trấn đã làm tốt phong trào trồng cây và bảo vệ tốt số cây đã trồng là: xã Hải Hoà, xã Hải Đông, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), xã Nghĩa Phúc, xã Nam Điền, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), xã Giao An, thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ), thị trấn Gôi (Vụ Bản)... Tiêu biểu như thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) trong năm qua đã trồng trên 30 nghìn cây phi lao, phủ kín các bãi phía trước và sau đê biển. Ở xã Giao An (Giao Thuỷ) ngoài tổ chức trồng rừng, xã còn là địa phương tiêu biểu cho phong trào bảo vệ, chăm sóc rừng ngập mặn, không để hiện tượng chặt phá rừng, với khẩu hiệu “Toàn dân chăm sóc và bảo vệ rừng”. Nếu ở thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân tổ chức trồng mới hàng chục nghìn cây phòng hộ trong và ngoài đê sông Đáy, dọc các tuyến đường liên thôn, đường trục chính, đường ra khu xử lý môi trường... thì ở Khu đô thị mới Hoà Vượng, Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định) cũng đã trồng hàng vạn cây mới các loại như sấu, bàng, bằng lăng, keo… ngoài ra còn đưa các loại cây mới như sao đen, lát hoa, trò… về trồng dọc theo các trục đường và được bảo vệ tốt…
Một động lực không nhỏ cho phong trào trồng cây ở tỉnh ta là UBND tỉnh đã có chỉ thị về việc đẩy mạnh phong trào sinh vật cảnh, tạo thành một ngành kinh tế của tỉnh. Đến năm 2010, toàn tỉnh có 2.000ha chuyển dịch từ các vùng nuôi trồng các cây con kém hiệu quả sang sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh với quy mô hợp lý. Sự kết hợp có hiệu quả giữa Sở NN-PTNT và Hội Sinh vật cảnh tỉnh cùng các địa phương “vào cuộc” nên phong trào sinh vật cảnh phát triển khá toàn diện ở các địa phương. Huyện nào cũng có điển hình, như Yên Nhân (Ý Yên), Kim Thái (Vụ Bản), Giao Hà (Giao Thuỷ), Hải Minh (Hải Hậu)… từng bước đã hình thành các vùng trồng cây phôi, cây nguyên liệu như Hải Hậu, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng… Chính cây cảnh, cây thế từ phong trào sinh vật cảnh đã “xanh hoá” các công trình công cộng như trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, các khu sản xuất, khuôn viên trong gia đình… góp phần thanh lọc không khí, tạo cảnh quan môi trường. Hầu hết các mô hình kinh tế trang trại, làng nghề ở các địa phương trong tỉnh nghề trồng cây cảnh, cây thế được phát triển gắn với chăn nuôi và làm nghề. Phong trào trồng cây cũng có sự đóng góp không nhỏ của các trạm giống cây trồng các huyện, thành phố như trạm giống cây trồng Nghĩa Hưng, vườn ươm xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng), vườn ươm xã Hải Hoà (Hải Hậu), trạm giống cây lâm nghiệp Đền Trần… và đang được xã hội hoá ở các địa phương.
Việc trồng rừng ngập mặn, rừng đặc dụng ven biển ở 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đạt được những kết quả đáng mừng, đã phủ kín các vùng bãi ngoài, bãi trong. Nếu ở bãi ngoài là cây sú, vẹt, bần (bãi thấp), phi lao (bãi cao) thì trong đồng, ven đê cây phi lao chắn gió cũng được nhân rộng theo hằng năm. Không những các địa phương trồng tốt mà còn tập trung chăm sóc, bảo vệ, thậm chí trồng đi trồng lại nhiều lần. Nhiều cá nhân chủ động trồng hàng héc-ta cây sú, vẹt như ở xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) để bảo vệ bãi bồi vùng triều… Trong năm 2010, tỉnh ta đã hoàn thành quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, hoàn thành dự án rừng phòng hộ ven biển giai đoạn 2011-2015… Các chỉ tiêu trong năm 2011 đã được xác định: Toàn tỉnh giữ vững 3.545ha rừng để phòng hộ đê biển, phòng hộ môi trường, nghiên cứu khoa học (Vườn quốc gia Xuân Thuỷ); trồng mới 200ha rừng phòng hộ tập trung ở các vùng bãi bồi và phía trong đê biển, nhất là vùng bãi bồi của huyện Nghĩa Hưng; chăm sóc 600ha rừng phòng hộ mới trồng, bảo vệ 2.000ha rừng phòng hộ khu vực xung yếu; trồng 500 nghìn cây phân tán các loại… với nhiều giải pháp đặt ra. Song nếu các địa phương có kế hoạch và những biện pháp trồng và bảo vệ cây ven đường tốt hơn dù là quốc lộ, tỉnh lộ, liên xóm, liên thôn, đường ra đồng các mương, máng… thì số lượng cây trồng phân tán trên địa bàn tỉnh phải tính tới hàng chục triệu cây chứ không phải chỉ là 500 nghìn cây như kế hoạch./.