Bước chuyển mới trong sản xuất vụ lúa xuân 2011

09:02, 28/02/2011

Khác với mọi năm vụ xuân này, bà con nông dân các địa phương đang tiếp tục mở rộng diện tích gieo sạ. Đến ngày 21-2-2011, diện tích gieo sạ trong toàn tỉnh đã đạt 3.176ha, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, khả năng diện tích sẽ đạt trên 4.000ha, gấp 3,5 lần so với vụ xuân năm 2010.

I - Hiệu quả thuyết phục

Gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng tại xã Vĩnh Hào (Vụ Bản).
Gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng tại xã Vĩnh Hào (Vụ Bản).
Gieo sạ, gieo sạ hàng là một tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa. Phương pháp này đã được xây dựng qua nhiều mô hình và được khuyến khích mở rộng suốt trong 3 năm qua bởi có nhiều lợi thế: Về hiệu quả kinh tế, qua đánh giá của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trung tâm giống cây trồng tỉnh và các địa phương đã áp dụng kỹ thuật này đều khẳng định chi phí giảm 40-50% về giống. Trong khi gieo mạ, cấy lúa theo phương pháp truyền thống lượng giống cần 2-2,5kg/sào, thì gieo sạ chỉ cần 0,9-1,1kg/sào. Thời gian sinh trưởng ngắn hơn phương pháp cấy truyền thống 5-7 ngày, lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh tập trung. Năng suất khi thu hoạch tăng 10-14% so với lúa cấy truyền thống và hiệu quả cao hơn cấy truyền thống trên dưới 3 triệu đồng mỗi ha (năm 2010). Nếu tính giá lúa hiện tại thì hiệu quả gieo sạ còn cao hơn nhiều. Theo cán bộ Trung tâm giống cây trồng tỉnh thì sử dụng phương pháp gieo sạ lúa không bị nghẹt rễ. Với các giống BT7, NĐ1 là giống mẫn cảm có năm tỷ lệ bệnh bạc lá do vi khuẩn lên tới 80-90%, nhưng gieo sạ gần như không xuất hiện bệnh này. Về phân công lao động gieo sạ hàng, giảm 60% công lao động nặng nhọc so với cách làm truyền thống. Chỉ tính riêng khâu nhổ mạ và cấy, 1 ngày 1 người lao động khoẻ mới cấy được 1 sào, nhưng 1 lao động kéo ống gieo sạ 1 ngày có thể gieo được hàng mẫu ruộng. Đây là thế mạnh trong khi lao động ở nông thôn và ở một số nơi hiện nay đang thiếu, nhất là các địa phương có nghề. Theo bác Vũ Văn Hoạt, Bí thư chi bộ đội sản xuất số 5, HTX Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) thì để cấy 1 sào ruộng nông dân Nghĩa Đồng phải chi tới 145 nghìn đồng, gồm 35 nghìn đồng tiền lấy bùn, 90 nghìn đồng công thuê cấy và 20 nghìn đồng tiền giống lúa... nhưng gieo sạ do đội sản xuất tổ chức làm dịch vụ thu của xã viên chỉ là 35 nghìn đồng (trong đó có cả tiền giống lúa, tiền thuốc trừ cỏ, tiền công gieo sạ). Như vậy, chỉ riêng cấy được cây lúa xuống đồng theo phương pháp truyền thống chi phí gấp trên 4 lần so với gieo sạ. Từ hiệu quả kinh tế cao, vụ xuân năm 2010 xã viên đội sản xuất số 5 HTX Nghĩa Đồng vẫn tổ chức gieo sạ tập trung. Không chỉ có đội sản xuất số 5 của xã Nghĩa Đồng mà các xã Yên Trung, Yên Tân (Ý Yên), Nam Mỹ (Nam Trực)... nhiều vụ vẫn tổ chức gieo sạ trong vụ xuân, thậm chí cả vụ mùa năm 2009, 2010.

II - Bước chuyển mới

Hiệu quả của phương pháp gieo sạ hàng đã rõ, mặc dù tỉnh, ngành NN-PTNT đều khuyến cáo nông dân các địa phương mở rộng diện tích gieo sạ hàng đối với các chân ruộng, chủ động nước nhất là ở vụ xuân. Nhưng trong 3 năm qua, với 6 vụ lúa, diện tích gieo sạ hàng chưa được mở rộng. Diện tích cao nhất là vụ xuân năm 2010, toàn tỉnh mới có 1.140ha áp dụng phương pháp gieo sạ hàng, chỉ chiếm 1,46% tổng diện tích lúa. Nhiều nhất là huyện Nam Trực được 350ha, chiếm 4% diện tích, huyện Ý Yên được 315ha, chiếm 2,4% diện tích, còn lại các huyện khác chỉ đạt trên dưới 1% diện tích cấy lúa xuân của huyện. Thậm chí có huyện vẫn chưa áp dụng phương pháp gieo sạ. Để có sự chuyển biến mới trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo sạ ở vụ xuân 2011, ngay khi tổng kết công tác sản xuất vụ xuân năm 2010, triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ xuân năm 2011 (tháng 11-2010) UBND tỉnh và ngành NN-PTNT đã khuyến cáo và giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố trong việc tổ chức gieo sạ. Khuyến nông các cấp tăng cường tập huấn, trao đổi kinh nghiệm; các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, HTX, Ban nông nghiệp xã… “vào cuộc” đã làm chuyển biến nhận thức của nông dân. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo sát sao, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL lo đủ nguồn nước; công tác làm đất bảo đảm nhuyễn, sớm, tạo độ phẳng đồng đều… để áp dụng công nghệ gieo sạ. Huyện Vụ Bản đã chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch vùng gắn với củng cố hệ thống tưới tiêu và giao chỉ tiêu cho các địa phương phấn đấu 15-20% diện tích áp dụng phương pháp gieo sạ. Công tác tập huấn kỹ thuật ngâm ủ, gieo sạ đến từng nhóm hộ của các thôn, đội có đăng ký tổ chức gieo sạ. Xã Vĩnh Hào tổ chức tập huấn kỹ thuật gieo sạ thu hút nông dân đến rất đông. Nếu vụ xuân năm 2010 cả xã Vĩnh Hào chỉ có 10 mẫu áp dụng phương pháp gieo sạ thì vụ xuân này 700 mẫu được tổ chức gieo sạ, chiếm gần 60% diện tích lúa vụ xuân năm 2011 của xã. Đặc biệt thôn Tiên Hào gieo sạ 160mẫu/180mẫu, chiếm tới 89% diện tích. Huyện Ý Yên đã có chính sách hỗ trợ 50% tiền mua máy gieo sạ hàng cho các cá nhân, tổ chức mua máy mới, đồng thời hỗ trợ một phần thuốc trừ cỏ cho những diện tích gieo sạ khi nghiệm thu thực tế trên đồng ruộng. Cùng với sự vận động, tổ chức chỉ đạo nên phong trào gieo sạ trong vụ xuân 2011 huyện Ý Yên đạt cao nhất tỉnh, trên 800ha. Xã Yên Trung có diện tích gieo sạ vụ xuân này đạt 60% diện tích. Trong đó, thôn Tử Mạc 80% diện tích được tổ chức gieo sạ đúng kỹ thuật. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, đến ngày 21-2-2011, toàn tỉnh đã gieo cấy được 17.755ha lúa xuân; trong đó diện tích gieo sạ là 3.176ha thuộc các huyện Ý Yên 800ha, Hải Hậu 710ha, Nam Trực 700ha, Xuân Trường 400ha, Vụ Bản 350ha… Hiện tại, các địa phương vẫn đang mở rộng diện tích gieo sạ, phấn đấu vụ xuân này diện tích gieo sạ của toàn tỉnh đạt 4.000ha. Việc sản xuất lúa bằng phương pháp gieo sạ, ngoài việc cho năng suất, hiệu quả cao hơn cấy truyền thống; giảm sức lao động, giảm chi phí về giống, rút ngắn thời vụ gieo cấy… thì còn tạo điều kiện cho việc chăm sóc như lấy nước dưỡng, rút nước lộ ruộng, lấy nước khi lúa trỗ, rút nước khi lúa chuẩn bị chín, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hại lúa nhằm tạo ra vùng lúa đồng trà, rất thuận lợi cho việc đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch, thúc đẩy cơ giới hoá nông nghiệp nhanh hơn, phù hợp với sản xuất hàng hoá tập trung.

*     *
*

Nếu trong những ngày tới các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích đạt 5.000ha lúa vụ xuân sản xuất theo phương pháp gieo sạ sẽ là bước ngoặt để tỉnh ta tiếp tục đẩy nhanh việc áp dụng phương pháp này trong những vụ xuân tới. Song 4.000ha mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng số diện tích lúa vụ xuân năm 2011(!) Hơn nữa hiện tại, một số địa phương áp dụng công nghệ gieo sạ nhưng không dùng công cụ (gieo vãi) vừa tốn giống, vừa khó khăn cho việc chăm sóc, bảo vệ cũng như thu hoạch lúa sau này. Đây là những hạn chế cần khắc phục ngay, để công nghệ gieo sạ hàng trở thành phương pháp canh tác chủ đạo, cùng với đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch nhằm từng bước cơ giới hoá, hiện đại hoá nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com