Không đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Mão nhưng giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã bắt đầu "rục rịch" tăng giá.
Theo quy luật hằng năm, nhu cầu tiêu dùng trong dịp này sẽ tăng từ 30 đến 40% so bình thường; hơn nữa lượng tiền được "bơm" ra lưu thông cũng nhiều hơn trong dịp Tết càng tạo sức ép tăng giá các hàng hóa, dịch vụ. Chưa kể tâm lý tăng giá theo kiểu "tát nước theo mưa", hiện tượng đầu cơ găm hàng đẩy giá lên cao nhằm trục lợi của một bộ phận kinh doanh.
Khách hàng chọn mua sản phẩm tại một đại lý trên đường Phù Nghĩa (TP Nam Định).
Ảnh:
THANH THỦY
|
Mặc dù các địa phương đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp bình ổn thị trường, kiềm chế tăng giá, trong đó tập trung kiểm tra việc tuân thủ các quy định về giá nhưng thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến hiệu quả của công tác quản lý và bình ổn giá chưa cao. Theo Bộ Tài chính, tại một số địa phương, việc lập danh sách các doanh nghiệp (DN) thực hiện đăng ký giá, kê khai giá còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, các địa phương, các lực lượng chức năng trên địa bàn. Mặt khác khi tiến hành kiểm tra các tổ chức, cá nhân về việc chấp hành pháp luật về giá, đoàn kiểm tra liên ngành còn gặp khó khăn do sổ sách, chứng từ không đầy đủ cho nên không xác định được giá thành sản xuất; chưa có quy định cụ thể hình thức niêm yết giá dẫn đến việc khó xử lý trong quá trình kiểm tra. Việc kiểm tra các yếu tố đầu vào hình thành giá; kiểm tra quy định của Nhà nước về quản lý giá, đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và kê khai thông tin về giá theo quy định của pháp luật phải được triển khai liên tục, thường xuyên. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, với lực lượng kiểm tra mỏng (chỉ có từ một đến hai cán bộ công chức) cho nên công tác này thường đứt quãng, không toàn diện.
Cùng với các biện pháp như bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, tăng cường quản lý thị trường, thì kiểm tra, kiểm soát giá cả được coi là một trong những biện pháp trọng tâm nhằm không để xảy ra tình trạng đột biến về giá tại các địa phương dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh tăng cường kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về giá, kết hợp với kiểm tra tuân thủ pháp luật về thuế, phí đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong đó chú trọng kiểm tra thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Trường hợp phát hiện vi phạm, cần kiên quyết xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở Tài chính các tỉnh, thành phố cần kiểm soát tốt việc đăng ký giá, kê khai giá đối với các mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá theo quy định; kiên quyết ngừng việc đăng ký tăng giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện đăng ký giá có mức tăng không hợp lý. Để công tác kiểm tra, thanh tra giá đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần tăng cường lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra; nhất là cán bộ nghiệp vụ để kiểm tra được các yếu tố đầu vào hình thành giá... Cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực giá, về nghiệp vụ thanh tra giá cho cán bộ làm công tác giá, thanh tra giá tại địa phương nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kịp thời thông tin phục vụ công tác. Ngoài ra, cần thống nhất về hệ thống văn bản pháp luật, tránh chồng chéo; có hướng dẫn cụ thể các quy định về niêm yết giá, mẫu niêm yết giá; quy định rõ ràng tiêu chí lựa chọn DN đăng ký, kê khai giá nhằm bảo đảm công tác quản lý về đăng ký, kê khai giá thuận lợi./.
HẢI THU