“Cú hích” để nuôi trồng thuỷ sản phát triển (kỳ II)

09:01, 28/01/2011

[links()]

II - Hiệu quả huyết phục

Hiệu quả từ các dự án chuyển đổi NTTS và cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản trong những năm qua không chỉ làm tăng diện tích các loại hình mặt nước và sản lượng NTTS mà tiềm năng đất đai, mặt nước được khai thác hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Từ chuyển đổi trong NTTS của tỉnh ta đang tạo ra bước đột phá mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15.739ha mặt nước được đưa vào NTTS, tăng 3.471ha so với trước khi chưa có dự án chuyển đổi. Hiện tại, cả tỉnh có gần 32 nghìn hộ tham gia NTTS với 40 nghìn lao động; trong đó có hơn 5.000 lao động tham gia NTTS ở các vùng dự án chuyển đổi. Sản lượng NTTS năm 2010 đạt 49.305 tấn, tăng 29.216 tấn so với trước khi triển khai các dự án NTTS. Tốc độ tăng về sản lượng cao hơn nhiều so với tăng diện tích, đây chính là công nghệ NTTS, phương thức NTTS từ các dự án đã tác động lớn đến các vùng nuôi, hộ nuôi. Riêng về sản lượng NTTS của các dự án chuyển đổi năm 2010 đạt 5.727 tấn, năng suất bình quân đạt 2,9 tấn/ha/năm. Giá trị canh tác sau khi chuyển đổi sang NTTS đạt 157 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,7 lần so với trồng lúa, làm muối; hiệu quả vùng chuyển đổi riêng trong 2 năm 2009-2010 đạt 70 triệu đồng/ha/năm, gấp 4 lần cấy lúa, trồng cói và làm muối.

Ảnh minh hoa (nguồn: Internet).
Ảnh minh hoa (nguồn: Internet).

Trong 14 dự án chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ đi vào hoạt động với diện tích 1.312ha, chiếm 76,5% diện tích chuyển đổi, năm 2010 sản lượng nuôi vùng này đạt 2.230 tấn, năng suất bình quân đạt gần 2tấn/ha/năm. Giá trị canh tác sau chuyển đổi trung bình đạt 160 triệu đồng/ha/năm, gấp gần 3 lần so với trước khi chuyển đổi và hiệu quả kinh tế năm 2010 bình quân đạt 71,5 triệu đồng/ha/năm, gấp gần 4 lần so với trước khi chuyển đổi. Trong đó chỉ có 1 dự án có lãi 40 triệu đồng/ha/năm là thấp nhất; 2 dự án có lãi 41-60 triệu đồng/ha/năm là 50ha chuyển đổi của xã Hải Xuân lãi 55 triệu đồng/ha và 82ha của xã Hải Lý (Hải Hậu) có lãi đạt 60 triệu đồng/ha/năm; 7 dự án đạt lãi 61-80 triệu đồng/ha/năm như 145ha của 2 xã Bạch Long và Giao Phong (Giao Thuỷ) lãi 61 triệu đồng/ha/năm; 53ha của xã Giao Long lãi 80 triệu đồng/ha/năm gấp 4 lần so với trước khi chuyển đổi...; 2 dự án chuyển đổi đạt lãi 81-100 triệu đồng/ha đó là 548ha Đông Nam Điền và 210ha xã Nam Điền (Nghĩa Hưng). Đặc biệt 2 dự án có lãi trên 100 triệu đồng/ha/năm là 53ha của xã Hải Hoà (Hải Hậu) lãi 110 triệu đồng/ha/năm, gấp 5,5 lần so với trước khi chuyển đổi; 63ha của xã Hải Đông - Hải Lộc (Hải Hậu) đạt lãi 114 triệu đồng/ha/năm, gấp 5,7 lần so với trước khi chuyển đổi. Các dự án chuyển đổi sang NTTS mặn lợ, thời gian 3 năm đầu (2001-2003) do mới chuyển đổi, môi trường nuôi còn tốt, các dự án này đều nuôi tôm sú và cho hiệu quả cao. Trong 3 năm tiếp theo (2004-2006) do người nuôi và quản lý của cơ sở không tốt, dẫn đến môi trường bị suy giảm và vẫn giữ con tôm sú là đối tượng nuôi chính nhưng mẫn cảm với môi trường nên năng suất và hiệu quả thấp. Từ năm 2007 đến nay đối tượng nuôi được đa dạng hoá, phương thức nuôi và công nghệ nuôi được cải tiến theo hướng thân thiện với môi trường nên hầu hết các vùng đều đạt hiệu quả kinh tế cao, khá bền vững.

18 dự án chuyển đổi sang NTTS vùng nước ngọt với diện tích 645,5ha. Năm 2010, sản lượng thủy sản nuôi vùng này đạt 3.497 tấn, năng suất bình quân đạt 5,4 tấn/ha/năm. Giá trị canh tác sau chuyển đổi đạt 150 triệu đồng/ha/năm, gấp 2-3 lần cấy lúa trước đây. Hiệu quả kinh tế năm 2010 trung bình đạt 68 triệu đồng/ha, gấp gần 4 lần cấy lúa trước khi chuyển đổi. 6 dự án nuôi tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, cá chép V1 kết hợp với nuôi cá truyền thống như của xã Tam Thanh (Vụ Bản), Yên Trung (Ý Yên), Xuân Tân (Xuân Trường)... cho lãi 30-40 triệu đồng/ha/năm. Dự án nuôi cá lóc bông ở Nghĩa Châu, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) cho lãi trên dưới 160 triệu đồng/ha/năm, gấp 8 lần so với trước khi chuyển đổi. Dự án nuôi cá diêu hồng, cá lóc bông ở Hải Châu (Hải Hậu) cho lãi trên dưới 140 triệu đồng/ha/năm, gấp 7 lần cấy lúa. Dự án hoạt động theo hướng chuyên sản xuất cá giống với 28ha ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) cho lãi 120-140 triệu đồng/ha/năm, gấp 6,3 lần so với cấy lúa trước khi chuyển đổi... Điều đáng nói là hầu hết các diện tích chuyển đổi sang NTTS ở vùng nước ngọt đều xây dựng trên vùng đất trũng, chua phèn, thậm chí có nơi cấy lúa 2 vụ bấp bênh... thực sự mang tính thuyết phục cao đối với nông dân vùng chuyển đổi và càng về sau hiệu quả càng cao. Trong 18 dự án chuyển đổi sang NTTS vùng nước ngọt có 6 dự án đạt hiệu quả 30-40 triệu đồng/ha/năm, chiếm 33,3%; 5 dự án đạt hiệu quả 41-60 triệu đồng/ha/năm, chiếm 27,8%; 2 dự án đạt hiệu quả 61-80 triệu đồng/ha/năm, 2 dự án đạt hiệu quả 83-85 triệu đồng/ha/năm, 3 dự án đạt hiệu quả trên 100 triệu đồng/ha/năm. Trong 5 dự án đạt hiệu quả cao nuôi vùng này gồm 2 dự án chủ yếu sản xuất cá giống, 2 dự án nuôi các đối tượng nuôi mới (đặc sản và rô phi đơn tính đực), 1 dự án xây dựng trang trại tổng hợp.

Với sự hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng của nhà nước, sản xuất giống thuỷ sản ở tỉnh ta phát triển nhanh, đặc biệt là khu vực sản xuất giống thuỷ sản nuôi vùng mặn lợ. Từ chỗ phải nhập giống ở nơi khác về nuôi, tỉnh ta đã và đang từng bước chủ động được giống, chủ động được thời vụ nuôi vùng mặn lợ như tôm sú, cua biển, ngao, hàu, tu hài, cá song, cá vược, cá bống bớp… Trong 28 cơ sở sản xuất giống thuỷ sản được hỗ trợ đầu tư, đã có 10 cơ sở đạt hiệu quả tốt, 18 cơ sở đạt hiệu quả khá. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất giống thuỷ sản tập trung ở các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (sản xuất giống nuôi vùng mặn lợ), Mỹ Lộc (sản xuất giống nước ngọt)…, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất thuỷ sản theo hướng hàng hoá tập trung. Năm 2010, các cơ sở sản xuất giống đã sản xuất gần 3 tỷ con giống các loại; trong đó có trên 1 tỷ con giống nhuyễn thể, 180 triệu con tôm sú P15, 18 triệu con cua C1, 17 triệu con cá bống bớp, 1 triệu con cá song… trên 1 tỷ con cá truyền thống các loại, tăng gấp trên 2 lần so với năm 2009 và 6 lần so với năm 2001. Ở vùng nước ngọt, tỉnh ta đã chủ động hoàn toàn về giống thuỷ sản, ngoài ra còn cung cấp cho các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam… Đặc biệt nhiều giống thủy sản mới ở tỉnh ta đã đưa vào sản xuất nhân tạo với số lượng lớn như cá bống tượng, cá chim trắng, cá tra, cá lăng chấm, cá rô đồng, cua đồng…, làm tăng tính đa dạng và quần thể đàn nuôi thuỷ sản, được Bộ NN-PTNT xác định là một trong những vùng sản xuất giống thuỷ sản tốt của khu vực miền Bắc.

40 dự án chuyển đổi từ cấy lúa, trồng cói, làm muối kém hiệu quả sang NTTS tập trung, về 4 dự án cải tạo nâng cấp cơ sở sản xuất giống thuỷ sản ở tỉnh ta đã tạo ra hiệu quả thuyết phục. Tuy nhiên việc xây dựng và triển khai các dự án NTTS còn chậm. Một số địa phương chưa thực hiện tốt việc khảo sát, lập dự toán kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường… nên vẫn còn để thiếu nguồn nước cấp, chưa có hệ thống tưới tiêu riêng biệt dẫn đến môi trường bị ô nhiễm. Hiệu quả kinh tế của các dự án chưa đồng đều, ổn định; một số dự án năng suất và hiệu quả thấp. Ý thức phòng trừ dịch bệnh của người nuôi chưa mang tính cộng đồng. Công tác quản lý dự án còn nhiều lúng túng, một số dự án sau khi xây dựng xong đưa vào hoạt động chưa có chủ thể điều hành cụ thể, thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát… dẫn đến còn tình trạng người nuôi tự phát, tuỳ tiện chọn đối tượng và phương thức nuôi. Việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, chưa chủ động được thị trường tiêu thụ… Đây là những hạn chế và cũng là kinh nghiệm cho công tác phát triển NTTS trong những năm tới để từng bước tỉnh ta đưa sản xuất thuỷ sản thành ngành chính trong phát triển nông nghiệp hàng hoá./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com