Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" trong công cuộc xây dựng nông thôn mới

07:12, 03/12/2010

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 1869/CT-TTg về việc tăng cường phối hợp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" trong giai đoạn mới. Trong đó, gắn việc thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" với triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tiền đề xây dựng nông thôn mới

 

Làng quê xã Hồng Quang (Nam Trực) đổi mới.
Làng quê xã Hồng Quang (Nam Trực) đổi mới.
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" (TDĐKXDĐSVHƠKDC) do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động là một cuộc vận động lớn của thời kỳ đổi mới xây dựng và phát triển đất nước có nội dung toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh; có quy mô rộng lớn, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa bàn khu dân cư. Nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa to lớn của cuộc vận động, cùng với cả nước, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh luôn quan tâm  chỉ đạo, phối hợp tuyên truyền, phát động, hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân ở địa bàn khu dân cư triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện 6 nội dung chính của cuộc vận động. Được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, sau 15 năm triển khai thực hiện cuộc vận  động "TDĐKXDĐSVHƠKDC" trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng - an ninh của tỉnh. Thông qua cuộc vận động đã huy động được nguồn lực to lớn, gồm cả trí lực và vật lực trong các tầng lớp nhân dân cùng với Nhà nước từng bước giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, dân chủ, dân trí ở địa bàn khu dân cư. Cuộc vận động đã hướng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh vào nhiều phong trào cụ thể, thiết thực như thi đua phát triển kinh tế, "giảm nghèo", làm giàu chính đáng; xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông, công trình thuỷ lợi, trường học, trạm xá, các thiết chế văn hoá, thể thao; ủng hộ, giúp đỡ người nghèo xây dựng, kiên cố nhà ở. Cùng với đó là các phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, giữ gìn ANTT, đấu tranh bài trừ các loại hủ tục và phòng chống tệ nạn xã hội, chăm lo công tác khuyến học khuyến tài, các hoạt động nhân đạo, từ thiện; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh…; trong đó, phong trào thi đua phát triển kinh tế ở địa bàn nông thôn diễn ra khá phong phú, đa dạng. Ngoài duy trì sản xuất có hiệu quả hai vụ lúa/năm, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã đưa sản xuất rau màu vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. Nhiều địa phương, nhất là các huyện phía nam tỉnh tập trung phát triển nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản, trồng hoa, cây cảnh. Nhiều làng nghề truyền thống đã được khôi phục… Ngoài 94 làng nghề, toàn tỉnh đang xuất hiện ngày một nhiều các làng "có nghề", trong đó các làng nghề cơ khí, dệt, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, hàng thủ công, mỹ nghệ xuất khẩu… đang phát triển mạnh cả về quy mô, trình độ kỹ, mỹ thuật. Đến nay, tại các huyện, thành phố trong tỉnh đã xây dựng được các CCN làng nghề. Từ thực tiễn phát triển kinh tế, địa bàn nông thôn trong tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình, phương thức sản xuất, kinh doanh mới như mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi  theo quy mô trang trại, doanh nghiệp, tổ hợp… Hiệu quả của các hoạt động phát triển kinh tế đã tạo chuyển biến căn bản đời sống nhân dân nói chung, nhất là  ở khu vực nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, theo chuẩn hiện hành, hầu hết các xã trong tỉnh tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 8%, nhiều xã chỉ còn 3-4%, toàn tỉnh cơ bản đã xoá được nhà dột nát… Kinh tế phát triển, nhân dân có điều kiện đóng góp cùng với ngân sách nhà nước từng bước xây dựng, kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo sự chuyển biến toàn diện bộ mặt nông thôn theo hướng ngày một khang trang, văn minh, sạch đẹp hơn. Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay 70% số đường giao thông nông thôn trong toàn tỉnh đã được trải nhựa, bê tông hoá. Từ nguồn đóng góp của nhân dân, nhiều xã trong tỉnh đã trải nhựa, bê tông hoá được 100% hệ thống đường dong, ngõ xóm, đường liên thôn; liên xã, xây dựng được hệ thống nhà văn hoá xóm, sân chơi thể thao… Kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng với hiệu quả thực hiện cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHƠKDC" trên địa bàn tỉnh những năm qua là một trong những tiền đề quan trọng tạo thuận lợi cho các địa phương trong tỉnh khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua khảo sát, đối chiếu với 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 2 xã/209 xã, thị trấn đạt từ 15-16 tiêu chí, 29 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 98 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, các xã còn lại đều đã đạt được một số tiêu chí.

Để tiền đề trở thành động lực

Với phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ", Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hướng tới mục tiêu "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường". Đây là một chủ trương, kế hoạch lớn  của Đảng và Nhà nước nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực, cụ thể hoá mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.  Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai các bước cụ thể để thực hiện chủ trương lớn, quan trọng này. Bước đầu triển khai cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, Chương trình đang gặp không ít những khó khăn. Cụ thể, vẫn còn có sự nhận thức chưa đầy đủ về nội dung, phương thức thực hiện Chương trình. Ở nhiều địa phương, cấp uỷ, chính quyền, nhân dân nhận thức Chương trình Xây dựng nông thôn mới đơn thuần là chương trình xây dựng hạ tầng nông thôn của Nhà nước, do vậy có tâm lý trông chờ, ỷ lại, thiếu tính chủ động. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn kinh phí thực hiện các hạng mục, dự án. Theo Đề án của các xã thực hiện thí điểm Chương trình, chi phí thực hiện đều ở mức trên dưới 150 tỷ đồng/xã. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn lại dựa chủ yếu vào nguồn đóng góp của nhân dân và nguồn xã hội hoá. Điều đó cho thấy, cùng với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức  của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Chương trình chỉ đạt kết quả khi nhận được sự hưởng ứng tích cực, trở thành phong trào sâu rộng của nhân dân ở địa bàn khu dân cư khu vực nông thôn. Chính vì vậy, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, nhất là cấp cơ sở cần bám sát các chủ trương, kế hoạch chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền; tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, vận động để mỗi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người dân khi tham gia chương trình. Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHƠKDC"; tổ chức, hướng dẫn nhân dân ở địa bàn khu dân cư thực hiện lồng ghép các nội dung của cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHƠKDC" với Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thời gian tới, tại các địa phương sẽ có nhiều chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới được triển khai bằng nguồn đầu tư của Nhà nước hoặc đóng góp của nhân dân. MTTQ, các đoàn thể nhân dân ở cơ sở cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia giám sát, đảm bảo các công trình, dự án được thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả… Mới đây, về dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư xóm Lê Lợi, xã Hải Lý (Hải Hậu), trò chuyện với cán bộ, nhân dân địa phương, đồng chí Phạm Hồng Hà, Bí thư Tỉnh uỷ đã nhấn mạnh: "Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn, quá trình thực hiện lâu dài. Để chương trình đạt kết quả, mỗi khu dân cư hãy bắt đầu bằng những việc làm nhỏ nhưng thiết thực, phù hợp với nhu cầu, khả năng, điều kiện thực tế của địa phương. Nhiều việc nhỏ sẽ thành việc lớn. Song, một việc dù nhỏ cũng không đạt được kết quả nếu thiếu sự tham gia chủ động, tích cực của mỗi người dân trong cộng đồng". Trong điều kiện hiện nay, đây chính là vấn đề các địa phương trong tỉnh cần lưu tâm trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới!./.

Bài và ảnh: Trần Duy Hưng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com