Đến cuối tháng 3-2010, cả 211 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều thành lập xong Ban nông nghiệp xã (BNNX). Sau gần một năm hoạt động, BNNX đã khẳng định tính ưu việt và đạt được kết quả bước đầu, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục.
I - Kết quả bước đầu
|
Lãnh đạo Ban Nông nghiệp xã Xuân Đài (Xuân Trường) kiểm tra, đánh giá kết quả khảo nghiệm giống lúa đặc sản của địa phương.
Ảnh:
DƯƠNG ĐỨC
|
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến ngày 31-3-2010, các huyện, thành phố đã hoàn thành việc thành lập BNNX ở 211 xã, phường, thị trấn có sản xuất nông nghiệp trong tỉnh. Riêng huyện Nam Trực, cuối tháng 1-2010, cả 20 xã đều đã thành lập BNNX. Ngay sau khi thành lập, các BNNX đã tập trung xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, công tác phối hợp hành động và nhanh chóng đi vào hoạt động. BNNX là một bộ phận chuyên môn giúp UBND xã quản lý, điều phối hoạt động về nông nghiệp trên địa bàn; tham mưu cho UBND xã, thị trấn thực hiện 10 nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn theo Thông tư liên tịch giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Nội vụ. BNNX đã xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp cho địa phương như bố trí cơ cấu, lịch thời vụ gieo cấy lúa, màu; kế hoạch tưới, tiêu; các biện pháp kỹ thuật thâm canh, bảo vệ cây trồng, vật nuôi của địa phương; giúp UBND xã, thị trấn chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp. Trong hoạt động, BNNX duy trì chế độ họp giao ban định kỳ, đột xuất để triển khai các nhiệm vụ từng thời kỳ và được triển khai đến HTXNN, các trưởng thôn, xóm và các hộ nông dân trên địa bàn. Chính vì vậy, các công tác bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, khuyến nông - khuyến ngư, giao thông thuỷ lợi… đều có những tiến bộ nhất định. Về công tác bảo vệ thực vật, BNNX đã theo dõi sát tình hình sâu bệnh. Căn cứ vào dự tính, dự báo và hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, chỉ đạo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, BNNX phối hợp với trưởng thôn, xóm thông báo cụ thể lịch phun, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh đến các xóm thôn và các hộ nông dân, đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Về chăn nuôi, thú y, BNNX nắm chắc tình hình chăn nuôi trên địa bàn cả về số lượng con nuôi, phương pháp nuôi, di biến động của đàn vật nuôi; kiểm tra, giám sát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch và trực tiếp tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Khi phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh, BNNX báo cáo với thú y huyện đồng thời tham mưu cho UBND xã bao vây, khống chế dập dịch và tổ chức phun thuốc, rắc vôi khử trùng tiêu độc không để dịch bệnh lây lan. Các địa phương phát hiện có dịch đã tổ chức tốt công tác dập dịch như dập dịch tai xanh trong tháng 5, 6 là 6 xã: Trực Đại, Trực Phú, Trực Thắng, Trực Hùng, Trực Thuận, Trực Mỹ (Trực Ninh) đã ngăn chặn không để dịch bùng phát ra diện rộng. Trong tháng 11-2010, ở các xã Yên Mỹ, Yên Hồng (Ý Yên) xuất hiện 2 ổ cúm gia cầm, ở 3 thôn Vân Bảng, Ngõ Trang, Hổ Sơn thuộc xã Liên Minh (Vụ Bản) có trâu bò bị bệnh lở mồm long móng, BNNX cùng với lực lượng thú y phát hiện sớm, tổ chức các biện pháp phòng, dập nên dịch bệnh được khống chế, không lây lan ra các hộ khác trong thôn. BNNX đã từng bước phối hợp với các trạm khuyến nông, trung tâm khuyến nông - khuyến ngư xây dựng lịch, tổ chức các lớp tập huấn các chuyên đề về khoa học, kỹ thuật, triển khai các mô hình trình diễn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất cả trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản cho các hộ nông dân. Đặc biệt là các mô hình trình diễn các giống lúa trong cả 2 vụ xuân, mùa; nuôi lợn nái ngoại sinh sản và 465 mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại 12 xã trên địa bàn toàn tỉnh, BNNX đã cùng với lực lượng khuyến nông - khuyến ngư tổ chức tốt, các mô hình đều thành công và đạt hiệu quả cao và có kế hoạch để nhân rộng các mô hình này. BNNX đã tham mưu cho UBND xã, thị trấn quản lý chặt hệ thống giao thông, thuỷ lợi; lên kế hoạch xây dựng, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, làm thuỷ lợi nội đồng, điều hành việc tưới tiêu nước phục vụ tốt sản xuất theo quy trình kỹ thuật thâm canh; kiểm tra việc thực hiện của các thôn, xóm… để UBND xã chỉ đạo, điều hành, chấn chỉnh… thực hiện theo kế hoạch và quy hoạch đã được lập xây dựng các vùng chuyên canh. Bên cạnh đó, BNNX đã tham mưu cho UBND xã, thị trấn xây dựng phương án phòng chống lụt bão, tổ chức diễn tập PCLB-TKCN. Với các xã có đê biển, đê sông BNNX trực tiếp quản lý để thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các sự cố, các vi phạm pháp luật về đê điều. Thực hiện công tác quản lý dịch vụ công, quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh vật tư nông, lâm, thuỷ sản trên địa bàn, BNNX cùng với lực lượng an ninh xã giúp cho UBND xã phối hợp với các cơ quan: công an, quản lý thị trường, các ngành chức năng của huyện, thành phố trao đổi, họp với các hộ kinh doanh đưa vào nền nếp, đồng thời tổ chức cho các hộ ký cam kết kinh doanh đúng mặt hàng, đúng chủng loại, không kinh doanh các mặt hàng ngoài luồng, kém chất lượng; không buôn bán các mặt hàng giả, hàng nhái…; tham mưu cho UBND xã tổ chức các đợt kiểm tra mọi hoạt động kinh doanh tại địa bàn như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giống, phân bón… góp phần bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất và làm lành mạnh thị trường nông thôn.
Sau khi thành lập BNNX, việc chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp của UBND xã đã có bước tiến mới, đã tách bạch rõ chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sản xuất nông nghiệp của UBND xã đồng thời thúc đẩy HTXNN hoạt động theo Luật HTX. Đến nay, 330 HTXNN, diêm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành đại hội xã viên nhiệm kỳ 2009-2014. Sau khi đại hội, bộ máy HTX được rút gọn; đặc biệt, đã bỏ các khoản thu đầu sào, HTX chỉ thu các dịch vụ thiết yếu. Chỉ tính riêng đơn giá thu dịch vụ theo đầu sào giảm bình quân 4.000 đồng/vụ và người nông dân đỡ phải đóng góp 9,5 tỷ đồng/vụ và năm 2010 giảm thu cho người nông dân 19 tỷ đồng (?). Các HTX đã từng bước chuyển sang tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Nhiều HTX như Nam An của xã Nghĩa An (Nghĩa Hưng), HTX Nam Mỹ (Nam Trực), HTX Nam Thịnh, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc)… đã mua máy cày để tổ chức dịch vụ làm đất cho xã viên và chủ động định giá làm đất trên địa bàn theo hướng có lợi cho nông dân. Hầu hết các HTX trong tỉnh đều trăn trở tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và tổ chức sản xuất một số cây, con mới…
Sau gần một năm, hoạt động của 211 BNNX trên địa bàn tỉnh, tuy còn nhiều bỡ ngỡ nhưng số BNNX hoạt động khá đạt gần 45%, 30% số BNNX đạt trung bình. Nhiều BNNX hoạt động tích cực, tham mưu và chỉ đạo điều hành tốt sản xuất như BNN các xã Mỹ Hà, Mỹ Thuận, Mỹ Thành (Mỹ Lộc); Nam Thái, Nam Tiến (Nam Trực); Minh Tân, Trung Thành (Vụ Bản); Hải Tân, Hải Tây, Hải Lộc (Hải Hậu); Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng); Yên Đồng, Yên Lợi, Yên Khang (Ý Yên)…
Hoạt động của BNNX đã khẳng định công tác quản lý Nhà nước của UBND xã, thị trấn đối với sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn được tăng cường. UBND xã, thị trấn đã quan tâm và có trách nhiệm hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp. Việc thành lập và đưa BNNX vào hoạt động là bước đổi mới về quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn./.
(Còn nữa)
Tuấn Anh