Phát triển làng nghề bền vững (kỳ III)

09:12, 17/12/2010

[links()]

III. Để làng nghề phát triển bền vững

Cty cổ phần may Haprosimex Giao Thủy mở các lớp dạy nghề may và tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.
Cty cổ phần may Haprosimex Giao Thủy mở các lớp dạy nghề may và tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.
Cùng với các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề; thành lập các CCN tại các xã, thị trấn; chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Tại đại hội Đảng bộ các huyện nhiệm kỳ (2010-2015) đã xác định việc phát triển CN-TTCN, làng nghề là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế. Huyện Giao Thuỷ coi phát triển ngành nghề nông thôn là khâu đột phá trong phát triển CN-TTCN; khuyến khích mở rộng các nghề hiện có và phát triển thêm nghề mới. Huyện Nam Trực tập trung xây dựng một số doanh nghiệp mạnh làm động lực thúc đẩy phát triển CN-TTCN, làng nghề. Huyện Ý Yên khuyến khích, tạo điều kiện cho các xã, thị trấn quy hoạch xây dựng các điểm, CCN và kêu gọi thu hút đầu tư để phát triển làng nghề. Huyện Nghĩa Hưng tập trung vào các ngành, lĩnh vực có nhiều lợi thế, tiềm năng, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp với quy mô và bước đi thích hợp. Huyện Hải Hậu tạo hành lang pháp lý theo thẩm quyền để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút mọi nguồn vốn, trí tuệ của nhân dân và các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển làng nghề đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của từng địa phương. Các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của Nhà nước, của tỉnh cũng được tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để các doanh nghiệp, hộ sản xuất yên tâm đầu tư phát triển ngành nghề. Thực tế hiện nay, số doanh nghiệp trong một số làng nghề còn ít, năng lực còn hạn chế, nhất là trình độ quản lý và tổ chức sản xuất, thiếu vốn, thiếu thông tin, không có chiến lược phát triển lâu dài… Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các làng nghề phải chủ động khai thác nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, tăng cường liên doanh, liên kết hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Một yếu kém nữa là sản xuất tại các làng nghề còn manh mún sản phẩm đơn điệu, chậm đổi mới mẫu mã, nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu, tính cạnh tranh cao. Để xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các làng nghề cần phải đổi mới thiết bị, công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Các làng nghề cần xây dựng chương trình truyền nghề, nhân cấy nghề, hỗ trợ nâng cao tay nghề để người lao động có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu cần nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tại làng nghề cần được trang bị kỹ năng quản trị doanh

nghiệp về các lĩnh vực tài chính, lao động, maketting, chính sách pháp luật để tổ chức sản xuất  hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đồng thời cần được hỗ trợ kinh phí để tham gia hội chợ triển lãm nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường và có điều kiện trao đổi học hỏi để đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm cạnh tranh. Mặt khác, các làng nghề cần xây dựng hiệp hội làng nghề để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Trên địa bàn toàn tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh có trên 150 hội viên. Nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội đã tích cực đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh tạo ra việc làm cho nhiều lao động, góp phần duy trì và phát triển làng nghề. Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên có 47 thành viên. Các doanh nghiệp trong hiệp hội đã đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng thành công thương hiệu tập thể và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy phép cho các sản phẩm cơ khí của hiệp hội. Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên đã thực hiện thành công dự án “Ứng dụng công nghệ nấu luyện thép hợp kim” giúp cho làng nghề đúc Tống Xá phát triển. Hiệp hội doanh nghiệp trẻ làng nghề Đồng Côi (Nam Trực) đã có sự hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, chia sẻ các hợp đồng kinh tế, tích cực ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất ngoài việc bảo đảm việc làm cho doanh nghiệp còn giúp nhiều hộ trong làng nghề có việc làm qua việc nhận gia công sản phẩm tại gia đình.

Để các làng nghề trong tỉnh phát triển bền vững và tiếp tục được nhân rộng, cùng với các giải pháp kể trên, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó tỉnh ta là 1 trong 11 tỉnh, thành phố được triển khai thực hiện thí điểm./.

Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com