Tỉnh ta có 94 làng nghề, trong đó có 18 làng nghề truyền thống. Làng nghề phát triển, đã và đang thu hút ngày càng nhiều lao động ở các vùng nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH. Thực tế ở những địa phương có ngành nghề phát triển, các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, đời sống của người dân được cải thiện, mô hình nông thôn mới từng bước được hình thành.
I - Làng nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động
Cty TNHH chế tạo điện cơ AZUXU (Xuân Trường) tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở nông thôn. |
Những năm qua, các làng nghề trong tỉnh phát triển đã đóng góp to lớn trong giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng vạn lao động và hàng nghìn lao động thời vụ, tạo thu nhập ổn định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động ở từng địa phương. Hiện nay có nhiều làng nghề đã được mở rộng như nghề mây tre đan sơn mài ở huyện Ý Yên, làng nghề dệt ở huyện Nam Trực, làng nghề cơ khí huyện Xuân Trường, huyện Nam Trực... Từ năm 2006 đến nay đã có thêm nhiều nghề mới được du nhập như nghề sản xuất các sản phẩm từ bèo tây, bẹ chuối phát triển ở các huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Vụ Bản... Sự phát triển làng nghề đã hình thành xã nghề như Xuân Tiến (Xuân Trường), Yên Xá, Yên Ninh, Yên Tiến, Yên Trị (Ý Yên), Nam Hồng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Xã Yên Ninh có 2 làng nghề truyền thống là La Xuyên và Ninh Xá. Giai đoạn năm 2005-2010, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ của xã chiếm trên 60%. Làng nghề La Xuyên có 900 hộ thì có tới 90% số hộ có nghề, doanh thu của làng nghề năm sau cao hơn năm trước. Làng Ninh Xá có 700 hộ có tới 70-80% số hộ có nghề. Toàn xã có 1.500-1.600 hộ sản xuất CN-TTCN tạo việc làm ổn định cho 2.500-2.600 lao động. Năm 2009, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 110 tỷ đồng, năm 2010 giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 120-130 tỷ đồng. Hàng năm, lượng lao động được đào tạo nghề ở Yên Ninh khoảng 200-300 người. Kết quả trên là do có sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc quan tâm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Để giúp các hộ, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, ngay từ năm 2004, xã đã xây dựng CCN rộng 6,2 ha. Trong những năm 2005, 2006 số doanh nghiệp đăng ký vào CCN đạt 100% diện tích, tạo ra giá trị 40-50 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2008, CCN thứ 2 của xã được xây dựng rộng 10ha đã có 5 Cty thuê đất, trong đó có 2 Cty đi vào hoạt động, 3 Cty đang xây dựng cơ sở vật chất. Trên địa bàn làng nghề Yên Xá có 68 Cty, tăng 14 Cty so với năm 2005. Các doanh nghiệp cơ bản sản xuất ổn định, giá trị sản xuất CN-TTCN có nhịp độ tăng trưởng khá cao, từ 120 tỷ đồng năm 2005, năm 2010 phấn đấu đạt gần 330 tỷ đồng. Xã Yên Xá có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2005-2010) trên 21%, giá trị sản xuất CN-TTCN-XD đạt 80%, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 5%. Làng nghề đã giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động thường xuyên và nhiều lao động nông nhàn ở địa phương và các xã lân cận. Xã Xuân Tiến (Xuân Trường), có nghề cơ khí truyền thống. Để ngành nghề phát triển, xã quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, mặt bằng; các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất đầu tư cải tiến kỹ thuật, đa dạng mẫu mã do đó sản phẩm đã tiêu thụ ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, một phần xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, ở các xã có làng nghề phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Tại các xã Yên Tiến, Yên Ninh, Yên Xá (Ý Yên); Xuân Tiến (Xuân Trường) số lao động CN-TTCN đã chiếm trên 70% (đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới về lao động). Số hộ nghèo của các xã theo tiêu chí mới cũng giảm hàng năm. Năm 2009 số hộ nghèo của Xuân Tiến là 6,5%; số hộ nghèo của Yên Xá còn 5%. Sự phát triển của làng nghề kéo theo sự phát triển của kinh tế đã tạo điều kiện để các xã thu hút các nguồn lực đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình phúc lợi công cộng, các phòng học, phát triển giao thông nông thôn. Trong 5 năm, xã Yên Xá đã đầu tư vào đường giao thông nông thôn, sửa chữa nâng cấp các phòng học, xây dựng đường điện cao áp... với tổng kinh phí trên 7,7 tỷ đồng. Xã Xuân Tiến số tiền đầu tư cho các công trình phục vụ đời sống dân sinh, học tập của học sinh lên đến gần chục tỷ đồng.
Sự phát triển của làng nghề kéo theo số hộ sản xuất CN-TTCN, số lao động tăng theo. Huyện Ý Yên có số lao động sản xuất CN-TTCN cao nhất tỉnh với gần 18 nghìn lao động, chiếm khoảng 15% số lao động. Huyện Trực Ninh số lao động CN-TTCN chiếm khoảng 17%. Nghề chế biến gỗ có số hộ và số lao động tham gia sản xuất cao nhất; tiếp đến là các nghề cơ khí, dệt may, sản xuất VLXD... Số lao động có thu nhập ổn định và cao là nghề cơ khí, sản xuất đồ gỗ, dệt may. Theo số liệu của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp I (Cục CN địa phương - Bộ Công Thương) thời điểm năm 2008, tỉnh ta có 7 làng nghề đạt giá trị sản xuất trên 40 tỷ đồng, 15 làng nghề đạt giá trị 10-40 tỷ đồng, số còn lại dưới 10 tỷ đồng.
Tại đại hội đảng bộ các huyện nhiệm kỳ 2010-2015, việc phát triển làng nghề, sản xuất CN-TTCN, du nhập nghề mới đều được xác định là mũi kinh tế quan trọng và từng huyện đều có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Các huyện: Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên là những địa phương có ngành nghề phát triển đều đặt mức tăng giá trị sản xuất CN-TTCN 19-24%, trong đó tập trung vào việc xây dựng một số doanh nghiệp mạnh làm động lực thúc đẩy phát triển làng nghề và coi trọng công tác dạy nghề, truyền nghề để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ổn định, bền vững./.
Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết