Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hoá các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước được xem là bước đột phá trong cải cách hành chính. Tại tỉnh ta, với kết quả đơn giản hoá thủ tục hành chính đạt 63% đã tạo thêm cơ hội phát triển, giàu mạnh và tâm lý phấn khởi trong nhân dân, từ nền móng của một chính quyền không ngừng củng cố theo tiêu chí "vì dân".
I - ĐỘT PHÁ
Để tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH, Chính phủ đã có chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010. Trong đó, Đề án 30 (Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 1-10-2007 về đơn giản hoá các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước) được xác định là bước đột phá trong chương trình. Với mục tiêu thống kê, rà soát, đơn giản hoá ít nhất 30% các thủ tục hành chính hiện hành, thành lập bộ thủ tục hành chính thống nhất, duy nhất để công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, Đề án 30 đáp ứng cùng lúc hai yêu cầu đang rất bức xúc hiện nay là tiết kiệm thời gian, chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời hạn chế tối đa hiện tượng tiêu cực, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục, hình thành cơ sở để nhân dân giám sát, thẩm tra trách nhiệm, năng lực của cán bộ, công chức của bộ máy chính quyền. Theo tính toán, trung bình mỗi doanh nghiệp hiện nay mất 30% thời gian tại bộ phận hành chính để giải quyết, thực hiện các thủ tục hành chính. Nếu hoàn thành Đề án 30, thời gian đó chỉ còn trên 10%. Theo tính toán của Tổ công tác 30 Chính phủ, chỉ cần giảm ở mức tối thiểu 30% thủ tục thì mỗi năm sẽ giảm được 30 nghìn tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Chỉ tính riêng về thuế, việc cải cách theo hướng cho phép doanh nghiệp được tự in hoá đơn đã tiết kiệm được gần 400 tỷ đồng/năm, giảm thủ tục, tần suất về kê khai thuế, nộp thuế GTGT cũng tiết kiệm trên 600 tỷ đồng/năm. Riêng Bộ Tài nguyên - Môi trường là lĩnh vực người dân thường xuyên phải tiếp xúc đã đơn giản hoá thủ tục hành chính với ước tính cắt giảm chi phí được trên 1 nghìn tỷ đồng/năm...
Cán bộ Sở Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kê khai thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Chưa có tính toán cụ thể về chi phí tiết kiệm được trong áp dụng hiệu quả Đề án 30 tại tỉnh ta nhưng hiệu quả cụ thể đối với mỗi người khi giải quyết thủ tục hành chính từ sau khi có Bộ thủ tục hành chính 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã được xác nhận. Chị Phạm Thị Thu, xã Giao Thiện (Giao Thuỷ) sau khi giải quyết thủ tục về xác định thân nhân hưởng trợ cấp tuất liệt sỹ cho biết: "Tôi nhờ người lên mạng Internet xem phải chuẩn bị những giấy tờ gì rồi đem đi nộp là xong. Đấy là ở đây còn chưa có máy in để tự in mẫu đơn, tờ khai nên phải đi lên huyện để mua. Những lần trước, ít nhất cũng phải bốn lần lên huyện mới đủ thủ tục, chưa kể vòng đi, vòng về vì thiếu xác nhận của đơn vị này, tổ chức kia". Ông Nguyễn Đình Bình, tổ trưởng tổ dân phố số 3, phường Trường Thi (TP Nam Định) phấn khởi: "Làm tổ trưởng, dân cứ có thủ tục gì cũng đến hỏi, không trả lời không được, nên lần nào tôi cũng phải lên phường, lên thành phố hỏi. Bây giờ thì cứ vào mạng, tìm trang "NamDinh.gov.vn" là thủ tục gì cũng có để giúp bà con".
Đề án 30 còn là công cụ giám sát hữu hiệu của người dân về thái độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Ông Vũ Mạnh Hà, phường Bà Triệu (TP Nam Định) cho biết: "Tôi đã gặp không ít lần thủ tục chồng chéo, cứ cơ quan này giới thiệu đến cơ quan khác để giải quyết. Có khi chỉ thiếu một xác nhận mà có giấy tờ khác chứng minh hoặc có giá trị tương đương nhưng cán bộ thụ lý kiên quyết không tiếp nhận hồ sơ. Bây giờ các thủ tục được tối giảm theo Đề án 30 và công khai cho dân chúng, tôi sẽ phản ánh ngay với cơ quan chức năng nếu thủ tục không được giải quyết". Cũng theo ông Hà, nhờ Đề án 30 mà mới đây ông đã làm xong thủ tục xin cấp phép kinh doanh rất thuận lợi. Qua các cuộc kiểm tra cho thấy, không chỉ ở trung tâm giao dịch "Một cửa" mà đội ngũ cán bộ, công chức ở hầu hết các cơ quan, công sở các cấp đều đã chuyển biến tích cực về thái độ và trách nhiệm khi tiếp và thụ lý giải quyết thủ tục thuộc chức năng.
II - ĐỂ PHÁT HUY HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN 30
Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính một cửa, Văn phòng UBND tỉnh.
Ảnh:
Thu Hà
|
Giai đoạn 2 rà soát thủ tục hành chính tại tỉnh ta cũng đạt kết quả vượt mức chỉ tiêu đề ra. Thực hiện Công văn chỉ đạo số 319/UBND-VP8 ngày 2-10-2009 của UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đều triển khai rà soát thủ tục hành chính của đơn vị theo chỉ tiêu đơn giản hoá tối thiểu 30% thủ tục. Theo Tổ công tác 30 của tỉnh, các đơn vị không đảm bảo chỉ tiêu đơn giản hoá đến 30% thủ tục đều không được tiếp nhận kết quả. Cá biệt một số đơn vị đạt mức trên 30% nhưng phát hiện vẫn còn có thể đơn giản cũng bị trả kết quả, yêu cầu bổ sung. Đến cuối tháng 3-2010, các đơn vị trong tỉnh đã hoàn thành giai đoạn 2 về rà soát thủ tục hành chính. Ngày 19-4-2010, UBND tỉnh tổ chức giao ban trực tuyến với 12 điểm cầu truyền hình của tỉnh công bố kết quả rà soát thủ tục hành chính. Trong tổng số 1376 thủ tục của tỉnh, đã đơn giản hoá 866 thủ tục, đạt tỷ lệ 63%. Trong đó, các lĩnh vực thường xuyên giải quyết ở mật độ cao như kế hoạch - đầu tư, tài nguyên - môi trường, xây dựng, tài chính đều chiếm trên 50% các thủ tục được kiến nghị đơn giản hoá. Riêng UBND tỉnh thông qua phương án đơn giản hoá 82 thủ tục thuộc thẩm quyền.
Tỉnh ta đã hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 Đề án 30 với kết quả cao. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị áp dụng kết quả Đề án 30 thông qua việc rút ngắn thời hạn giải quyết cho tổ chức, công dân ở các thủ tục đã được kiến nghị rút ngắn, đơn giản; tăng cường công khai quy trình giải quyết, điều chỉnh liên thông giải quyết theo hướng thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân; đưa tiêu chí giải quyết thủ tục theo kết quả Đề án 30 thành nội dung thi đua, xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, cán bộ, công chức trong tỉnh. Hiện nay, đề án đợi Trung ương phê duyệt các kiến nghị để thành lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ, thống nhất về thủ tục hành chính. Theo quy định về tiến độ, thời gian không còn dài nhưng đây là khoảng thời gian quan trọng nhất để hoàn thiện và thực hiện hoá một nội dung mang tính đột phá về cải cách tổng thể nền hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Một số thủ tục hành chính ít xảy ra trong thực tế, một số đơn vị đặt thêm quy định nhằm bảo đảm an toàn cho cá nhân và cơ quan Nhà nước trong thực thi công vụ nên có thể bị bỏ sót chưa thống kê. Công tác rà soát thủ tục ở nhiều đơn vị còn mang tính hình thức, chưa mạnh dạn cắt bỏ những thủ tục đem lại lợi ích cục bộ cho cơ quan, đơn vị, chưa thực sự cắt giảm chi phí, thời gian tuân thủ thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Để có được một bộ thủ tục hành chính hoàn thiện, thể hiện rõ nét tinh thần "do dân, vì dân" của chính quyền thì trong thời gian giai đoạn 3 phải khắc phục bằng được những yếu kém, bất cập trên.
Vấn đề đặc biệt quan trọng trong thực hiện Đề án 30 là làm sao hiện thực hoá, áp dụng triệt để kết quả cải cách hành chính của Đề án 30 vào thực tế cuộc sống. Theo kiến nghị của Tổ công tác 30 của tỉnh, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định về kiểm soát hành chính, thành lập cơ quan chuyên môn, chuyên trách kiểm soát thủ tục từ Trung ương đến cấp tỉnh để giám sát việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính ngay từ khi ban hành đến quá trình tổ chức thực hiện. Bảo đảm các thủ tục hành chính khi đưa ra áp dụng đạt được yêu cầu rõ ràng, công khai minh bạch, đơn giản, thuận tiện và đúng pháp luật. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với việc thực hiện nội dung cải cách hành chính. Về dư luận của nhân dân trong tỉnh đều mong muốn tỉnh luôn cập nhật, thống kê các thủ tục hành chính mới được ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hết hiệu lực thi hành trong dữ liệu thủ tục của tỉnh để tiện lợi, tiết kiệm tối đa chi phí khi có thủ tục cần giải quyết. Với những địa phương nghèo, vùng xa, cần có phương án để người dân tiếp cận các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, để đồng bộ với hiệu quả cải cách hành chính thì bộ máy hành chính, trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức cũng cần không ngừng nâng cao về phẩm chất, trình độ chuyên môn./.
Hoàng Long