Ấm tình làng nghĩa xóm

09:11, 22/11/2010

Đã thành truyền thống, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập  Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam hàng năm (18-11), các khu dân cư  trong tỉnh lại tưng bừng tổ chức Ngày hội  đại đoàn kết toàn dân. Đây là dịp  mỗi người dân trong cộng đồng, cùng nhìn lại những việc đã và chưa làm được, tiếp tục cố gắng, chung sức xây dựng cuộc sống ở khu dân cư để mọi người, mọi nhà đều ấm no hạnh phúc...

Niềm vui từ những xóm, thôn…

Xóm làng, khu phố ngày một đổi mới, phát triển, cuộc sống của đa số các hộ dân đã đầy đủ hơn, sung túc hơn là niềm vui lớn được người dân trong tỉnh, dù ở nông thôn hay thành thị nhắc đến nhiều nhất trong Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư. Nằm sát đê biển, xóm 19, xã Giao Long (Giao Thuỷ) được xây dựng theo quy hoạch hình "bàn cờ". Nhà ở được xây dựng tập trung theo cụm, các hộ đều có diện tích đất thổ cư bằng nhau, tương đương với hai sào Bắc bộ (720m2). Nhà nào trong xóm cũng được thiết kế theo mô hình nhà ở, sân, vườn cây, ao cá. Các cụm dân trong xóm được nối liền với nhau bằng những con đường bê tông ngang, dọc thẳng tắp. Trong ngày hội đại đoàn kết của khu dân cư, trước toàn thể nhân dân, đồng chí Nguyễn Hồng Vân, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư  vui mừng thông báo, nhờ thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, thời gian qua nhân dân trong xóm đã đóng góp tổng số tiền hơn 300 triệu đồng để "bê tông hoá" toàn bộ 2km đường dong ngõ xóm, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, xây dựng hệ thống rãnh thoát nước, mở 18 bến bốc xếp, xây dựng cổng làng… Sở dĩ nhân dân có điều kiện đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi là do những năm qua các hộ dân trong xóm thực hiện khá hiệu quả nhiều hoạt động phát triển kinh tế. Xóm có 131 hộ dân, đến nay đã có 21 hộ mua sắm được phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có 9 hộ có tàu đánh bắt cá xa bờ; 14 hộ phát triển chăn nuôi lợn, cá sấu theo quy mô trang trại nhỏ và vừa; 10 hộ phát triển sản xuất theo quy mô trang trại tổng hợp… Cần cù, năng động trong làm ăn, hầu hết các hộ dân trong xóm đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay tại đồng đất quê hương; có điều kiện nuôi dạy con cái. Nhiều năm liền xóm không có người mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, giữ vững danh hiệu "Làng văn hoá"… Ở khu dân cư xóm 3, xã Hải Lộc (Hải Hậu), chuyện đoàn kết, thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi sản xuất, đưa vào trồng rau màu vụ đông trên đất hai vụ lúa được các hộ dân trong xóm bàn luận sôi nổi trong ngày hội. Trước đây, đời sống của nhân dân trong xóm gặp nhiều khó khăn do quanh năm chỉ trông vào hai vụ lúa. Lúc nông nhàn, nhiều lao động trong xóm phải ra thành phố tìm việc làm thêm. Nhưng chuyện đã khác kể từ khi người dân trong xóm đoàn kết, tiến hành chủ trương chuyển đổi sản xuất của huyện. Những năm qua, bà con trong xóm mạnh dạn đưa rau màu vào sản xuất cả ba vụ trong năm, trong đó mô hình 2 vụ dưa hấu, một vụ đậu tương đang cho thu nhập từ 5-6 triệu đồng/sào/năm, tương đương 130-150 triệu đồng/ha/năm, vượt xa mục tiêu xây dựng "cánh đồng 50 triệu"… Cùng với việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nhân dân trong xóm đẩy mạnh chăn nuôi, trong đó mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại vừa và nhỏ đang rất phổ biến, một số hộ còn mạnh dạn đầu tư nuôi hươu, cá sấu cho thu nhập cao. Từ khi thực hiện chuyển đổi sản xuất, phát triển chăn nuôi, hầu hết các hộ dân trong xóm đã thoát nghèo, có điều kiện đóng góp, xây dựng, kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng của xóm. Hải Lộc là xã được huyện Hải Hậu chọn thực hiện thí điểm Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá sẽ là tiền đề để cán bộ, nhân dân xóm 3 cùng với các khu dân cư khác của xã bắt tay thực hiện, hiện thực hoá mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Làng Văn hóa Hành Thiện, Xã Xuân Hồng (Xuân Trường)
Làng Văn hóa Hành Thiện, Xã Xuân Hồng (Xuân Trường)

Chăm lo, tạo điều kiện cho con em được học hành là mối quan tâm lớn nhất của các gia đình hiện nay. Vậy nên, những tiến bộ vượt bậc trong học hành của con em thời gian qua là một trong những niềm vui lớn được nhiều người dân xóm Nghị Bắc, xã Trực Phú (Trực Ninh) chia sẻ trong ngày hội. Xóm Nghị Bắc có 114 hộ dân, 90% số dân theo đạo Thiên chúa. Do nhiều nguyên nhân, một thời gian dài chuyện học hành của con em ít được người dân trong xóm coi trọng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chung của xã hội, đa số người dân trong xóm đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phải chăm lo đến việc học hành của con em. Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, các gia đình trong xóm luôn dành những điều kiện tốt nhất để con em được học hành. Ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể phối hợp với ban hành giáo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ khuyến học. Con em trong xóm đạt được thành tích cao trong học tập đều nhận được phần thưởng, tuyên dương, khích lệ của cộng đồng xóm. Đến nay, xóm có 450 khẩu nhưng đã có tới 20 người tốt nghiệp đại học, hơn 20 em đang theo học các trường cao đẳng, đại học. Trong ngày hội đại đoàn kết, các gia đình ông Ngọc, ông Kỷ, ông Lý, ông Thiển, ông Khôi, ông Thái, ông Lợi, ông Đắc, ông Nhì, ông Đức… có con em học hành thành đạt được cộng đồng xóm biểu dương, lấy làm gương sáng để các hộ dân trong xóm học tập…

Vẫn còn những trăn trở

Bên cạnh những niềm vui, trong Ngày hội đại đoàn kết, người dân ở nhiều khu dân cư trong tỉnh cũng bày tỏ không ít những băn khoăn, lo lắng. Trong đó, tình trạng lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn thiếu việc làm; giá cả vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao, giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ; tai, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… là những vấn đề nổi cộm, bức xúc được nhiều người dân ở các khu dân cư quan tâm, phản ánh. Thực tế cho thấy, ở nhiều làng quê, người nông dân loay hoay trên thửa ruộng, mảnh vườn của mình mà không đủ sống bởi thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu thông tin thị trường… Nhiều người phải bôn ba khắp nơi tìm kiếm việc làm thêm, dẫn đến không ít hệ luỵ phức tạp. Ngày càng có nhiều thanh niên, do thiếu hiểu biết, sa vào ma tuý và các loại tệ nạn xã hội, để lại hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội. Theo thống kê của Uỷ ban MTTQ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2518/3543 khu dân cư có người nghiện ma tuý. Hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có người nghiện. Phát biểu trong ngày hội đại đoàn kết, ông Trần Đăng Te, Chi hội Nông dân thôn Vị Dương, xã Mỹ Xá (thành phố Nam Định) cho biết từ ngày nhận tiền đền bù, trả lại đất nông nghiệp cho nhà nước xây dựng Khu công nghiệp Hoà Xá, hầu hết nông dân địa phương chưa tìm ra phương thức mới để làm ăn sinh sống ổn định. Ngoài một số ít lao động trẻ được các doanh nghiệp nhận vào làm việc, số ít dùng tiền đền bù để kinh doanh dịch vụ nhà trọ, còn lại phần lớn lao động địa phương phải làm các nghề tự do, cuộc sống rất bấp bênh…

Trong ngày hội, nhân dân ở các khu dân cư trong tỉnh đều bày tỏ  quyết tâm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả hơn nữa các phong trào, các cuộc vận động ở khu dân cư như Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", phong trào xây dựng "Khu dân cư 5 không"… Qua đó, tăng cường tình đoàn kết, đẩy mạnh các hoạt động giúp nhau xoá nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng nếp sống văn hoá, đấu tranh bài trừ các loại tệ nạn, hủ tục, giữ gìn an ninh trật tự; chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài, chung sức xây dựng cuộc sống ở khu dân cư mọi người, mọi nhà đều ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề hiện đang vượt quá khả năng giải quyết của cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, trong ngày hội này, người dân ở các khu dân cư trong tỉnh bày tỏ mong muốn các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, có các giải pháp tổng thể, hữu hiệu nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề nổi cộm, bức xúc hiện nay ở địa bàn khu dân cư !

Bài và ảnh: Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com