[links()]
II - Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
Nói về vụ lúa mùa năm 2010, đồng chí Lê Xuân Thuỷ, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định: "Đây là vụ mùa bội thu. Các địa phương, ngành NN-PTNT đang tập trung đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm để chỉ đạo và tổ chức sản xuất cho các vụ sau...".
Xã viên HTX Hoành Sơn (Giao Thuỷ) thu hoạch lúa mùa, năng suất đạt 170-190 kg/sào.
Ảnh:
Dương Đức
|
Vụ lúa mùa năm nay tuy thời tiết có "nghịch" nhưng cũng có yếu tố “thuận”. Khi lúa bén rễ hồi xanh thì gặp lúc thời tiết thuận lợi cho cây lúa đẻ nhánh, phát triển. Khi lúa làm đòng, trổ bông, phơi hoa... thời tiết lý tưởng: Ban ngày nắng nhẹ, đêm lắc rắc mưa nhỏ, kéo dài cho đến lúc trà mùa sớm chín, tạo cho lúa phơi hoa, chắc hạt với độ mẩy cao. Đây là nguyên nhân để lúa tạo ra năng suất cao. Hơn nữa trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, thời tiết hanh khô thuận cho thu hoạch lúa và bảo quản sau thu hoạch. Nếu thời tiết cứ diễn biến như hiện nay cho đến trung tuần tháng 11 thì các trà đặc sản cũng bội thu không kém các trà mùa sớm, mùa trung. Việc chủ động khắc phục khó khăn về thời tiết, khí hậu, dịch hại trong vụ mùa 2010 của nông dân, các địa phương, ngành NN-PTNT và sự chỉ đạo của tỉnh, sự phối kết hợp của các ngành là điều đáng ghi nhận. Thiếu điện, thiếu nước, úng lụt, sâu bệnh... kể cả thiếu cơ cấu giống, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt ngay từ khi chuẩn bị giống, vật tư, làm đất... đến khi lúa chín. Giai đoạn làm đất, hệ thống thuỷ nông tích cực bơm tát, nên nhiều địa phương làm đất chỉ trong vòng 20 ngày đã xong, đất nhuyễn để nông dân dồn sức cấy tập trung. Khi bị úng lụt do cơn bão số 1 gây ra, hệ thống thuỷ lợi lại "nghiêng đồng đổ nước ra sông" nên 39 nghìn ha lúa mới cấy bị ngập úng được cứu, chỉ có 1070 ha, bằng 2,74% diện tích lúa ngập úng của toàn tỉnh và 3000 ha phải cấy dặm. Tuy ít mưa, nguồn nước thiếu nhưng các Cty TNHH một thành viên KTCTTL của tỉnh đã lo đủ nước trong ruộng để lúa sinh trưởng phát triển, đẻ nhánh tập trung. Khi lúa đủ số dảnh hữu hiệu lại tháo kiệt nước để lộ ruộng từ 15-20 ngày (đối với các diện tích chủ động nước) để hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, cứng cây... chống chịu sâu bệnh. Công tác chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh được đặt ra ngay từ đầu vụ. Đặc biệt, đối với bệnh lùn sọc đen (LSĐ) được các cấp và ngành NN-PTNT chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từng giai đoạn: xử lý hạt giống trước khi gieo, phun "tiễn mạ" trước khi nhổ mạ để cấy, phun diệt rầy di trú và các lứa rầy... Lực lượng bảo vệ thực vật liên tục bám ruộng lội đồng vận động các hộ nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, phát hiện rầy và lúa nghi có biểu hiện của bệnh LSĐ... để phun trừ rầy và nhổ vùi ngay tại chỗ cây bị bệnh. Chính vì vậy, diện tích nhiễm bệnh LSĐ trong vụ mùa 2010 ít, tỷ lệ nhiễm chỉ 1-2%, gần như không ảnh hưởng đến năng suất lúa cấy. Sâu cuốn lá lứa 5, lứa 6 gấp 5-7 lần so với trung bình nhiều năm. Công tác chỉ đạo đã tập trung từ khâu lên lịch định rõ ngày phun, thuốc phun, tỷ lệ thuốc phun, diện tích nào phải phun kép 2 lần, tổ chức đồng loạt phun, kiểm tra sau khi phun trừ... đã khống chế được sâu, không làm hại bộ lá và bộ lá đòng để nuôi bông, nuôi hạt, tạo năng suất cao. Vụ mùa này huyện Xuân Trường chỉ đạo và có chính sách hỗ trợ một phần cho các giống lúa lai ngắn ngày cấy trà mùa sớm tập trung làm vụ đông với chủ lực là giống lúa lai 2 dòng Vân Quang 14 đã đưa diện tích cấy trà mùa sớm chiếm tới 23,1% tổng diện tích cấy lúa vụ mùa nên năng suất trà lúa mùa sớm của Xuân Trường đạt cao nhất tỉnh: 61 tạ/ha và diện tích đậu tương đông đã mở rộng gấp trên 5 lần so với vụ đông năm 2009. Huyện Giao Thuỷ chỉ đạo đẩy sớm thời vụ lên trên dưới 10 ngày, nên cấy xong trước toàn tỉnh. Đồng chí Phùng Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thuỷ cho biết: Đến nay, tỷ lệ thu hoạch lúa mùa của huyện Giao Thuỷ ở tốp dẫn đầu toàn tỉnh và năng suất cũng đang ở tốp dẫn đầu: 56 tạ/ha. Các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc đưa mạnh giống lúa BC15 vào cấy thay thế một phần diện tích lúa BT7; Hải Hậu đưa thêm giống Nàng Xuân... Toàn tỉnh đã giảm hẳn diện tích cấy các giống lúa dài ngày để thay bằng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 120 ngày) ít nhiễm sâu bệnh, có năng suất, chất lượng cao như: Khang Dân 18, Việt Hương Chiếm, Nam Định 1, BC15, TBR1 (lúa thuần); N.ưu 69, Phú ưu số 1, Phú ưu số 4, HYT 100, Thiên ưu 1025 (lúa lai). Riêng giống lúa lai Bắc ưu 903 kháng bạc lá chỉ cấy ở vùng úng, trũng. Các giống lúa đặc sản: Tám, nếp, dự, các địa phương khoanh vùng cấy tập trung. Cơ cấu giống lúa đặc sản, lúa thời gian sinh trưởng dài (Bắc ưu 903 kháng bạc lá) chỉ còn 6025ha, bằng 7% diện tích cấy lúa, giảm nhiều so với vụ mùa năm 2009. Chỉ đạo đẩy mạnh và tập trung khâu làm đất đẩy sớm thời vụ dịch chuyển sang cấy trà mùa sớm, mùa trung sớm nên trà mùa sớm và mùa trung sớm đạt 39021ha, chiếm 48% diện tích, tăng 7% so với vụ mùa năm 2009. Trong đó, diện tích trà mùa sớm là 9021ha (chiếm 11%), trà lúa mùa trung sớm 30000ha (chiếm 37%). Cùng với đẩy sớm thời vụ và cấy các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn để thu hoạch sớm, tạo điều kiện cho phát triển mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, trên đất cấy 2 vụ lúa còn giảm thiểu mức độ gây hại của sâu bệnh, né tránh thiên tai cuối vụ. Thực tế trà lúa mùa sớm, mùa trung sớm đã thu hoạch trước khi rầy lứa 6 xuất hiện, tránh được tác hại của sâu đục thân cuối vụ nhưng 39021 ha của trà mùa sớm và mùa trung sớm cho năng suất bình quân đạt 53-54 tạ/ha, trong khi đó trà lúa mùa trung chỉ cho năng suất trên 52 tạ/ha (!).
Thu hoạch lúa đặc sản ở xã Xuân Đài (Xuân Trường).
Ảnh:
Đức Hoa
|
Vụ lúa mùa năm 2010 thắng lợi toàn diện cả về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, cả về chỉ đạo điều hành cũng như tạo sự chuyển đổi mạnh cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ. Tuy nhiên, thắng lợi của vụ lúa mùa 2010 chưa đồng đều ở các địa phương. Quy trình thâm canh, liều lượng phân bón sao cho cân đối, thời gian bón... được Sở NN-PTNT hướng dẫn cụ thể, nhưng nhiều nơi, nhiều hộ nông dân chưa tuân thủ đúng, còn lạm dụng phân đạm, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh và lây lan. Một số địa phương còn lơ là nên phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 không triệt để, ảnh hưởng tới năng suất lúa khi thu hoạch. Rầy cuối vụ với mật độ cao đối với trà mùa trung và trà muộn tuy đã được cảnh báo sớm và chỉ đạo của tỉnh, của Sở NN-PTNT nhưng nhiều hộ nông dân vẫn lơ là, thậm chí không phun trừ dẫn đến cháy rầy cục bộ. Băn khoăn của nông dân và cán bộ hiện nay là phương pháp phòng ngừa bệnh LSĐ sao cho hiệu quả mà ít tốn kém nhất. Chỉ riêng phòng ngừa bệnh LSĐ trong 1 vụ cũng 4-5 lần dùng thuốc: ngâm ủ, phun tiễn mạ, đánh rầy di trú, đánh rầy theo lứa... cộng với phun trừ bọ trĩ, phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5, lứa 6..., một vụ lúa người nông dân đã phải dùng số lượng lớn thuốc BVTV. Đây là bài toán đặt ra cho các nhà khoa học nông nghiệp quan tâm giải quyết./.
Tất Thắc