Qua 5 năm triển khai đề án "Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư" của Uỷ ban MTTQ tỉnh đã phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Phát huy vai trò của "nhóm nòng cốt"
Địa bàn xã Tân Thịnh (Nam Trực) có 2km quốc lộ 21 chạy qua. Khi Nhà nước triển khai kế hoạch mở rộng, nâng cấp quốc lộ 21, toàn xã có 230 hộ sinh sống dọc theo quốc lộ thuộc diện phải di dời. Ban đầu, công tác GPMB tại khu vực này gặp khó khăn do nhiều hộ thuộc diện di dời không chấp nhận mức hỗ trợ, đền bù của Nhà nước, cố tình trì hoãn làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện. Trước tình hình đó, cùng với các biện pháp của chính quyền, nhóm nòng cốt tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật của xã Tân Thịnh gồm 21 thành viên, hầu hết là các cựu chiến binh, người có uy tín của địa phương đã phân công đến từng hộ, kiên trì giải thích chủ trương, chính sách, vận động, thuyết phục các hộ dân, đặc biệt là hơn 70 hộ dân sử dụng đất bất hợp pháp tự nguyện bàn giao. Việc vận động được thực hiện linh hoạt bằng tình cảm xóm giềng, kết hợp với việc phân tích lý lẽ, các quy định trong chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiên trì vận động, thuyết phục, các thành viên "nhóm nòng cốt" của địa phương đã giúp các hộ thuộc diện di dời nhận thức được quyền và nghĩa vụ của công dân, nghiêm chỉnh chấp hành bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.
Công an xã Nam Mỹ (Nam Trực) tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Trên đây là một trong nhiều hoạt động của "nhóm nòng cốt" tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật của xã Tân Thịnh từ khi được thành lập đến nay. Đồng chí Vũ Xuân Pha, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thịnh đồng thời là một trong những thành viên tích cực của "nhóm nòng cốt" cho biết: Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình ký kết phối hợp hành động hàng năm giữa MTTQ và các tổ chức thành viên xã Tân Thịnh. Triển khai thực hiện, MTTQ và các tổ chức thành viên xã Tân Thịnh luôn phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đoàn viên, hội viên, chú trọng tuyên truyền các nội dung có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân ở khu dân cư như Luật Đất đai, các quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, đấu tranh phòng chống các loại tệ nạn xã hội… Việc tuyên truyền, vận động được tiến hành lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể; gắn tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật với việc thực hiện tốt quy ước, hương ước và các nội dung của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Mới đây, nhóm nòng cốt đã tổ chức tuyên truyền về Luật An toàn giao thông, các quy định đảm bảo vệ sinh môi trường tại 4 trường học trong xã, thu hút hàng nghìn học sinh. Công tác tuyên truyền vận động của nhóm nòng cốt đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân địa phương, từ đó nâng cao ý thức chấp hành. Trong thời gian qua, xã Tân Thịnh không có tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp, những vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật giảm rõ rệt.
Theo đánh giá của Uỷ ban MTTQ tỉnh, đề án "xây dựng, tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật" đã được triển khai ở hầu hết các địa phương trong tỉnh; trong đó "nhóm nòng cốt" đã và đang thực sự phát huy hiệu quả. Từ 3 "nhóm nòng cốt" được thành lập hoạt động thí điểm từ năm 2007 ở xã Quang Trung (Vụ Bản), thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), phường Quang Trung (TP Nam Định) đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập được các "nhóm nòng cốt" với tổng số 1936 thành viên tham gia. Nhằm giúp cho các "nhóm nòng cốt" hoạt động hiệu quả, MTTQ các cấp trong tỉnh đã ban hành quy trình hướng dẫn hoạt động; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho các thành viên. Bám sát quy trình hướng dẫn, phát huy trách nhiệm, lòng nhiệt tình, các "nhóm nòng cốt" ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động, hình thức tuyên truyền, đưa thông tin pháp luật đến với người dân địa phương. Hướng trọng tâm vào thông tin các nội dung pháp luật liên quan đến đất đai, bảo vệ môi trường, pháp luật về dân số - KHHGĐ, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, các chế độ chính sách và quy chế dân chủ ở cơ sở… Hình thức tuyên truyền rất linh hoạt, sinh động như tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, toạ đàm, trao đổi, ký cam kết không vi phạm pháp luật giúp cho việc tiếp nhận, thực hiện của người dân trở nên dễ dàng. Cùng với đó, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo tăng cường hoạt động của 3573 tổ hoà giải cơ sở trong toàn tỉnh, gắn hoạt động của các tổ hoà giải cơ sở với công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật của nhân dân, mang lại những hiệu quả thiết thực. Kết quả trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở hầu hết các địa phương cũng như trên phạm vi toàn tỉnh. Giảm hẳn tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp. Nhiều địa phương trong những năm qua không để xảy ra tình trạng này. Hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ở các khu dân cư cơ bản được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 1760/3573 khu dân cư không có người sinh con thứ 3; 2547 khu dân cư làm tốt công tác vệ sinh môi trường, 3141 khu dân cư không có người khiếu kiện trái pháp luật, 2276 khu dân cư làm tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông, 1843 khu dân cư không có người mắc tệ nạn xã hội…
Thông tin pháp luật đến người dân: Còn nhiều khó khăn, bất cập
Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng nhìn chung công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng khu dân cư và mô hình "nhóm nòng cốt" tuyên truyền, vận động, chấp hành pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Ở một số địa phương, cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật. Hoạt động của Hội đồng giáo dục, phổ biến pháp luật còn nặng tính hình thức, hiệu quả phối hợp chưa cao. Ở nhiều địa phương việc lựa chọn thành viên "nhóm nòng cốt" đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ còn gặp khó khăn. Thành viên các nhóm nòng cốt không có phụ cấp, hoạt động chủ yếu dựa vào lòng nhiệt tình do vậy chưa có tác dụng động viên, khuyến khích. Việc tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên các "nhóm nòng cốt" chưa được chú trọng. Công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân ở địa bàn khu dân cư chưa được thực hiện. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong khu dân cư, trước hết cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác này. Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để đề án có điều kiện duy trì thực hiện. Đồng chí Lương Hùng Tiến, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh cho biết, cùng với việc kiến nghị Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đảm bảo việc triển khai thực hiện đề án đạt hiệu quả thiết thực, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh chú trọng kiện toàn, bổ sung, xây dựng các "nhóm nòng cốt" tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa bàn khu dân cư. Rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình "nhóm nòng cốt" ra tất cả các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, trong đó cùng với việc phát huy vai trò của các "nhóm nòng cốt" chú trọng hình thức tuyên truyền thông qua sinh hoạt của các câu lạc bộ, sân khấu hoá, tạo dư luận, lên án mạnh mẽ đối với những cá nhân, tập thể thiếu ý thức, có hành vi vi phạm pháp luật... Hướng tới mục tiêu đưa thông tin pháp luật đến với nhân dân ở địa bàn khu dân cư ngày một nhiều hơn, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện./.
Trần Duy Hưng