Trở lại vùng ngao

09:10, 22/10/2010

Đến bãi biển Giao Xuân (Giao Thuỷ) chúng tôi lội xuống vùng triền cạn bùn ngập lưng ống chân, sau mới gặp khu đầm của anh Trịnh Quốc Oai người xã Giao Xuân đang thu hoạch ngao thương phẩm. Hơn chục người đang vận chuyển những bao ngao lên thuyền, tiếng cười, nói vui vẻ vì ngao nuôi năm nay được mùa, được giá. Hôm qua, gia đình anh Oai cũng vừa thu hoạch 2,4 ha đầm nuôi được 158 tấn ngao thương phẩm. Giá nhập tại địa phương đang là 20 nghìn đồng mỗi kg, anh đã thu 3 tỷ 160 triệu đồng. Trừ phần đầu tư (giống, dụng cụ, công trông coi, thu hoạch...) 1 tỷ 300 triệu đồng, anh lãi 1 tỷ 860 triệu đồng. Anh vui vẻ cho biết: "Gọi là nuôi nhưng chúng tôi không phải đầu tư thức ăn, nước biển nuôi ngao cho chúng tôi đấy...". Anh hạ thấp giọng: "Nhưng "kiện tướng" nuôi ngao phải là ông Phạm Văn Thực cũng ở xã tôi. Năng suất những năm gần đây ông Thực đạt tới 110 tấn trên 1 ha nuôi..." 110 tấn cho 1 ha nuôi, tức là 2 tỷ 200 triệu đồng/ha?!!; trừ chi phí, ông Thực có lãi gần 1 tỷ 400 triệu đồng/ha/năm. Anh Oai đưa chúng tôi vào ngay vây bên cạnh cũng là của gia đình anh vừa thu, lại thả tiếp cho năm sau. Đang lội chỗ bùn ngập lưng ống chân, bước vào vây, tôi thấy nhẹ tênh vì đi trên cát chỉ có 1 lớp bùn mỏng không dính chân. Lại gần vũng nước, anh xúc một ít cát cho vào vợt lắc cho hết cát để hiện ra cả dúm ngao dắt trắng ngần. Hoá ra ngay dưới bước chân chúng tôi là "kho bạc" vì mỗi mét vuông có 350 con ngao đang sinh sống và lớn lên hàng ngày theo thuỷ triều lên xuống.

Vùng nuôi ngao xã Giao Xuân (Giao Thuỷ). Bài, ảnh: Tất Thắc
Vùng nuôi ngao xã Giao Xuân (Giao Thuỷ).

Chúng tôi lại bám sát hàng cọc vây nuôi ra ngoài cồn cát đông vui những người thu ngao, san ngao, khai thác ngao và con móng tay tự nhiên. Sau hơn 1 tiếng lội đầm, chúng tôi mới lại gần được vùng cồn cát - nơi tiếp quản giữa vùng đầm nuôi và biển. Vùng này cao hơn vùng nuôi, sát biển, khí hậu ôn hoà hơn nên được ưu tiên cho việc ương ngao giống. Mỗi ô đầm có cả vài chục người đang mải miết, mỗi người một việc. Người xúc cát cho vào lưới, người cuộn 2 mép lưới lại..., đi sau là 5-6 người giữ chặt mép lưới cho 2-3 chiếc vòi xối nước lọc cát để giữ lại những con ngao giống. Từ ngao cám (60 vạn con/kg) sau 30 ngày lên ngao tấm, 60 ngày lên ngao dắt... rồi lên ngao cúc 4-9 nghìn con/kg mới đưa ra nuôi thương phẩm. Mỗi "cặp" ngao lại phải san ra cho mật độ thoả đáng ngao mới phát triển bình thường, không bị thất thoát và lớn nhanh. Trước kia người nuôi ngao thả 1 lần từ lúc khai thác được ngoài tự nhiên thì sau 18 tháng mới thu hoạch. Bây giờ có quy trình, san ngao vất vả nhưng năng suất và độ thất thoát giảm hẳn. Khi đã là ngao cúc thả nuôi thương phẩm, chỉ 9 tháng là thu hoạch được.

Ở cồn cát, hơn chục phụ nữ đang dùng cuốc bắt con móng tay giữa các con lạch. Mỗi người một chiếc cuốc nhỏ, lưỡi dài và một chiếc xô to. Xô nào cũng đầy ắp con móng tay lấm lem cát bùn. Chị Nguyễn Thị Nghĩa vừa nhanh tay nhặt những con móng tay sau những nhát cuốc vừa cho biết: "Chị em chúng tôi đều ở xã Giao Hải, không có đầm thì lội ra đây bắt ngao, don, móng tay... tự nhiên. Năm nay móng tay nhiều, to, chúng tôi đi bắt thế này cũng phấn khởi. Trung bình mỗi ngày cũng đạt 6-7 kg; có buổi có người bắt được cả chục kg... giá bán ngay tại đầm là 35-40 nghìn/kg, nhưng mỗi tháng cũng chỉ được mươi ngày đi bắt vì phải theo triều con nước...".

12 giờ trưa nước lên, các đầm cũng đã thu dọn, chúng tôi leo lên chòi để chờ thuyền ra đón. Trên chòi, những câu chuyện về kiện tướng nuôi ngao Phạm Văn Thực, "Vua ngao Nguyễn Trường Cửu", tổ hợp tác nuôi ngao bền vững, hội nuôi nhuyễn thể Giao Thuỷ... nổ như ngô rang. Từ nuôi ngao theo kinh nghiệm cá nhân, bây giờ người nuôi đã có sổ tay hướng dẫn kỹ thuật nuôi ngao giống, ngao thịt. Từ tận dụng tất cả diện tích để vây nuôi mà khoảng cách giữa các vây chỉ 30-40 cm, giữa các lạch dưới 4 m... bây giờ người nuôi đã biết nới khoảng cách giữa các vây 2 m, khoảng cách giữa các lạch 12-15 m và diện tích các vây lớn hơn 0,5 ha; khi nào ương ngao trong đầm, lúc nào đưa ngao ra bãi tính thời gian san ngao... để tỷ lệ thất thoát thấp nhất và hiệu quả ương, nuôi tốt nhất... Chuyện quy trình sinh sản ngao giống để chủ động giống, thời vụ cho các hộ nuôi; chuyện về thương hiệu "ngao Giao Thuỷ" đã đưa sản phẩm ngao từ 14 nghìn đồng/kg lên 20-21 nghìn đồng/kg; chuyện về ngao Giao Thuỷ được tặng thưởng Huy chương Vàng và danh hiệu Thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khoẻ cộng đồng... vẫn còn dư âm khi thuyền máy đón chúng tôi đậu ngay dưới chòi canh.

Quay về bằng thuyền nên chỉ khoảng 15 phút chúng tôi đã cập bến ngay trại giống của doanh nghiệp Cửu Dung. Trại mới xây dựng khoảng dăm năm mà càng ngày càng mở rộng cả quy mô, chủng loại và sản lượng giống. Năm 2008, sản xuất thành công cá bống bớp nhân tạo, chỉ 35 kg cá bố mẹ, trại đã sản xuất 70-80 vạn bống bớp bột, hương. Năm 2009, hoàn thành quy trình sản xuất nhân tạo ngao với vài trăm triệu con/năm, 8 tháng đầu năm 2010, trại đã sản xuất gần 2 tỷ con ngao giống, ngoài ra còn sản xuất nhiều giống tu hài, hàu cửa sông... cung cấp cho người nuôi. Anh Nguyễn Trường Cửu, chủ doanh nghiệp cho biết bây giờ ngao thu hoạch về kiểm tra ngao mẹ có trứng (qua kính hiển vi) là đưa vào vệ sinh rồi cho vào khay để sinh sản. Chỉ sau 2 tiếng ngao đẻ, trứng di chuyển trong bể đã sẵn tảo làm thức ăn để lớn lên, còn ngao mẹ lại trở thành ngao thương phẩm. Từ lúc trứng đến khi thành ngao cám chìm xuống đáy là 35 ngày được sục khí và tảo đủ cho ngao ăn. Từ ngao cám đưa ra ao ương tiếp thành ngao tấm, ngao dắt, ngao cúc... rồi đưa ra thả nuôi thương phẩm. Phòng thí nghiệm và phòng nuôi giữ tảo gốc được cách ly bảo đảm sạch sẽ. Phòng nuôi tảo gốc với nhiều dãy bình thuỷ tinh được máy sục khí chạy liên tục bảo đảm nhiệt độ giữ ổn định. Chỉ cần một ít tảo gốc đưa ra bể đẻ, ao ương... bằng công nghệ sinh học, chỉ sau vài giờ là hàng trăm, hàng nghìn m2 trong bể, trong ao đã chuyển sang màu lục với cơ man nào là tảo đủ cho ngao ăn và lớn lên. Người mặc blu trắng chỉ cho tôi xem từng loại tảo nuôi giữ trong bình và tác dụng của nó. Từ quy trình giữ tảo, nhân tảo, doanh nghiệp đã hoàn chỉnh công nghệ sinh sản nhân tạo ngao giống suốt trong nhiều năm. Nếu năm 2009 sản xuất mới chỉ đạt vài trăm triệu ngao giống thì 9 tháng đầu năm 2010 doanh nghiệp Cửu Dung đã sản xuất gần 2 tỷ con ngao giống và 5 cơ sở sản xuất giống hải sản khác trong khu vực cũng áp dụng công nghệ sản xuất đã sản xuất được gần 100 triệu con ngao giống. Nhưng theo anh Nguyễn Trường Cửu thì trên 2 tỷ con ngao giống mới đáp ứng được 20% lượng ngao giống nuôi ở vùng nuôi ngao Giao Thuỷ. Trong những năm tới, doanh nghiệp phải cho sinh sản nhân tạo ra 5-7 tỷ con ngao giống mới đủ đáp ứng nhu cầu, người nuôi không phải đi mua giống ở miền Trung, miền Nam ra vừa đỡ công vận chuyển, vừa đỡ thất thoát mà giá ngao giống giảm đi rất nhiều. Từ 30 đồng/con bây giờ ngao cám chỉ là 6 đồng/con (?).

Khu sơ chế ngao để đưa đi siêu thị thật nhộn nhịp. Ngao thu hoạch về được ngâm qua nước gia-ven để làm sạch vỏ và diệt các ký sinh trùng trên vỏ. Sau đó được rải ra nền nhà rộng vài trăm m2 bơm nước lộ dưới đầm ương liên tục chảy và ngao ngập sâu 15-20 cm trong thời gian 7 giờ để ngao nhả hết tạp chất, cát, sạn rồi tiếp tục được đưa vào các bể ngâm trong nước lợ, sục khí và có pha 3 phần nghìn ô xy già thời gian 1-2 giờ là đưa vào đóng gói, dán nhãn mác thương hiệu để đưa đi tiêu thụ tại các siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Đi trước một bước, từ năm 2005, UBND huyện Giao Thuỷ đã ủy quyền và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp Cửu Dung xây dựng thương hiệu ngao Giao Thuỷ. Đến năm 2008, con ngao nuôi ở Giao Thuỷ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Công thương) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, xuất xứ hàng hoá "ngao Giao Thuỷ" và tháng 6-2010, ngao Giao Thuỷ lại được tặng Huy chương Vàng và danh hiệu "Thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khoẻ cộng đồng". Ngao thương phẩm đang bán với giá 13-14 nghìn đồng/kg bây giờ giá tại vùng nuôi đã là 20-21 nghìn đồng/kg. Vùng ngao nuôi Giao Thuỷ được EU công nhận là vùng nuôi an toàn thực phẩm, đạt chất lượng xuất khẩu vào thị trường EU. Đây là hướng mở để tỉnh ta tổ chức xây dựng nhà máy chế biến ngao xuất khẩu sang thị trường châu Âu thì con ngao và 2 vùng nuôi ngao Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng còn phát triển bởi giá xuất khẩu tăng gấp đôi, gấp ba lần tiêu thụ nội địa.

Trong ánh nắng vàng chanh cuối chiều, những chiếc thuyền đầy ngao đang cập bến và những chiếc ô tô chuyên dụng lại xuất phát từ doanh nghiệp Cửu Dung đưa ngao đi tiêu thụ tại siêu thị ở các thành phố lớn./.

Bài, ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com