Từ hơn hai năm nay, dự án quốc lộ 21 (đoạn TP Nam Định - Thịnh Long) và tỉnh lộ 490C đang được triển khai thi công. Trên tuyến đường, nhiều đoạn mặt đường bị băm nát, "cày xới" đặc biệt là những đợt "ngâm" nước mưa dài ngày tạo thành nhiều "ổ trâu", "ổ voi". Những đoạn thi công đến phần mặt đường đá dăm, chưa thảm nhựa, ngày nắng mỗi lần có xe đi qua, bụi đất bốc lên mù mịt. Những hôm trời mưa, do mặt đường rải lớp đá dăm nhưng chưa được tưới lớp nhựa nên khi có nước mưa, đất bị trôi, lắng tạo thành vô số những vũng lớn, nhỏ liên tiếp. Phương tiện đi lại muốn "né" vũng nước nên đi vòng vèo, hết sang trái, lại sang phải, thường xuyên đi lấn đường xe ngược chiều. Mỗi khi có ô tô đi qua, gặp phải lái xe ẩu không giảm tốc độ, nước bẩn bắn toé sang hai bên, nhiều người đi xe đạp, xe máy không kịp tránh (!).
Tỉnh lộ 490C, đoạn qua thị trấn Nam Giang (Nam Trực) mặt đường bị hỏng nặng, nước đọng thành vũng lớn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông. |
Quốc lộ 21 và tỉnh lộ 490C là hai tuyến đường huyết mạch nối các huyện phía nam với thành phố Nam Định, đi các nơi nên mật độ giao thông lớn, đặc biệt là xe khách, xe tải, xe buýt. Gần đây, các doanh nghiệp vận tải khách đường dài Nam - Bắc đầu tư đổi mới phương tiện với xe khổ lớn Courty, Space..., trong khi đường thì chật. Đường xấu, xe không thể chạy nhanh, không thể bảo đảm đúng giờ, nhất là xe buýt, "vỡ" lịch, "nốt" liên tục. Cũng vì đường xấu nên chỉ một sự cố nhỏ phát sinh trên đường cũng có thể gây ách tắc. Nguy hiểm hơn là để "bù" lại thời gian phải đi chậm ở những đoạn đường khá hơn, nhiều lái xe phóng nhanh, vượt ẩu khiến người đi xe đạp, xe máy cứ nơm nớp, dạt ra tận mép đường. Nhiều chủ phương tiện than phiền: Hai năm nay, tốc độ khấu hao xe nhanh đến "chóng mặt", xe liên tục phải vào xưởng bảo dưỡng. Riêng xe buýt thì "long sòng sọc" trên đường, khách đi xe đều "ngán ngẩm" vì chất lượng phương tiện quá tồi, nhưng vẫn phải đi vì không có sự lựa chọn khác. Doanh nghiệp cũng không dám đầu tư phương tiện mới hoặc sửa chữa lớn vì chất lượng đường quá xấu… Người đi đường đã khổ, những nhà dân hai bên đường cũng chịu chung cảnh ngộ. Dù suốt ngày đóng cửa vẫn không tránh được lớp bụi dày đặc bám vào đồ đạc trong nhà. Nhiều trường hợp vừa ra khỏi nhà chuẩn bị đi làm, đi học, gặp phải lái xe ẩu phóng ào qua, té nước lên xe, lên người, vào nhà. Nhiều người ở các huyện xa như Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng có việc lên thành phố Nam Định nếu đi bằng xe máy phải mang dự phòng một bộ quần áo để thay (!).
Do đường xấu, phương tiện không thể chạy nhanh nên hai năm qua, số vụ tai nạn giao thông trên hai tuyến này không nhiều. Tuy nhiên, tình trạng va chạm giao thông hoặc tự ngã làm hư hỏng phương tiện, người thì bị thương nhẹ, sây sát thường xuyên xảy ra.
Dự án quốc lộ 21.2 (Lạc Quần - Thịnh Long) do liên danh nhà thầu Tổng Cty xây dựng Bạch Đằng và Cty TRICO trúng thầu; dự án quốc lộ 21.1 (Nam Định - Lạc Quần) do Tổng Cty Vinaconex trúng thầu xây dựng. Dự án tỉnh lộ 490C1, 490C2 do Cty cổ phần TASCO thi công, đoạn từ thành phố Nam Định - đường S2 do nhà thầu UDIC (Hà Nội) trúng thầu. Đây là những nhà thầu có uy tín trên thị trường xây dựng giao thông. Việc chấm, xét hồ sơ dự thầu đối với các dự án này cũng đòi hỏi cao; trong đó nội dung về trách nhiệm và công tác bảo đảm giao thông an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công là bắt buộc, tỷ lệ kinh phí dành cho nhiệm vụ chiếm tới 1% giá trị gói thầu. Trong hồ sơ dự thầu của các doanh nghiệp, nội dung này được viết chi tiết với đủ các cam kết thực hiện các biện pháp để đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện trách nhiệm này đang bị buông lỏng. Trong những lần đoàn công tác của Bộ GTVT do các đồng chí Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng và Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đi kiểm tra hiện trường dự án quốc lộ 21 đều nhắc nhở về trách nhiệm bảo đảm ATGT của các nhà thầu. Khi bị nhắc nhở nhiều thì nhà thầu chấp hành một cách đối phó. Lý giải vấn đề này, đại diện các nhà thầu cũng nêu khó khăn do không được bàn giao hết mặt bằng nên nhà thầu không thể thi công liên tục. Song thực tế nhà thầu thiếu trách nhiệm đảm bảo giao thông trong quá trình thi công, "tiết kiệm" chi phí bằng cách bỏ qua hoặc thực hiện chiếu lệ các biện pháp kỹ thuật. Chẳng hạn việc tưới nước, hoặc tưới lớp nhựa bám dính sau khi rải lớp đá dăm nhiều khi đơn vị thi công "quên"… Một nguyên nhân nữa là trên tuyến tổ chức nhiều mũi thi công do nhiều đội sản xuất thực hiện nhưng nhiều khi không tiến hành đồng thời. Xe chở vật liệu (đều là tải trọng lớn) hoạt động liên tục khiến đường đã xấu, còn nhanh hỏng hơn. Một nguyên nhân nữa là do tình trạng chậm GPMB cũng gián tiếp, tạo "cớ" cho nhà thầu né tránh trách nhiệm không đảm bảo ATGT trong khi thi công. Hiện nay, công nghệ thi công hiện đại với máy móc lớn, trong khi đó mặt bằng nhiều đoạn "xôi đỗ" ách tắc khiến nhà thầu không thi công liên tục được. Tiến độ thi công có khi được lập chi tiết đến từng ngày song không thể thực hiện được vì vướng mặt bằng.
Thi công chậm, thiếu trách nhiệm bảo đảm giao thông trên các công trường thi công đường đang gây khó khăn lớn cho đời sống dân sinh. Để sớm khắc phục tình trạng này cần sự tham gia, trách nhiệm đồng bộ của nhà thầu, chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án, và cả người dân vùng dự án. Ngành GTVT cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với đơn vị thi công không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo đảm ATGT, vệ sinh môi trường trong khi thi công theo đúng quy định và cam kết. Hội đồng GPMB các cấp cần tập trung cao độ, bảo đảm tiến độ GPMB theo kế hoạch, tạo điều kiện cho nhà thầu có thể thi công liên tục, liền mạch./.
Bài và ảnh: Vân Anh