Nhìn lại Tháng ATGT 2010 - Kết quả và những tồn tại

09:10, 08/10/2010

Tháng ATGT năm nay (9-2010) với chủ đề "Xây dựng văn hoá giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng" đã kết thúc với kết quả đạt được một số mục tiêu cơ bản như: Kiềm chế, làm giảm TNGT; tuyên truyền giáo dục làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng và vấn đề bảo đảm ATGT, từng bước xây dựng văn hoá giao thông… Tuy nhiên, Tháng ATGT 2010 vẫn còn một số tồn tại căn bản cần được quan tâm và có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để khắc phục, hướng tới mục tiêu xây dựng văn hoá giao thông bền vững.

Ra quân rầm rộ

Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Ảnh: Đức Hoa
Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Ảnh: Đức Hoa

Thực hiện chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh, Tháng ATGT năm nay được các địa phương, các ngành trong tỉnh hưởng ứng sôi nổi. Ngay từ ngày đầu tiên của tháng 9, các địa phương đã đồng loạt tổ chức ra quân tuyên truyền cổ động, xử lý giải toả vi phạm hành lang giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt; tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông. Công tác tuyên truyền được tăng cường với nhiều hình thức như căng treo, kẻ vẽ hàng trăm pa-nô, áp phích, khẩu hiệu. Ban ATGT, lực lượng CSGT các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô đến tận thôn, xóm, các khu dân cư, các điểm tập trung đông người như nhà ga, bến ô tô. Đoàn Thanh niên huy động hàng nghìn sinh viên tình nguyện tham gia giữ gìn TTATGT, hướng dẫn giao thông tại các chốt ngã tư có đèn tín hiệu giao thông ở thành phố Nam Định. Hội LHPN tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức toạ đàm trao đổi thảo luận giữa nạn nhân và đại diện gia đình người từng bị TNGT với các cơ quan chức năng, hội viên phụ nữ về kinh nghiệm phòng ngừa TNGT khi đi đường, những tình huống nguy cơ mất ATGT trên đường… Tại huyện Vụ Bản, địa phương có tuyến quốc lộ 10 và đường sắt chạy qua, một số trường cao đẳng, dạy nghề và THPT nằm trên tuyến, trước đó đã có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên bị tai nạn giao thông, công an huyện đã duy trì tốt hoạt động tuyên truyền thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề kết hợp trưng bày các bảng ảnh về các trường hợp TNGT, các tình huống vi phạm giao thông nguy hiểm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT của học sinh, sinh viên. Về công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, đảm bảo giao thông được ngành giao thông và công an tăng cường. Lực lượng CSGT thành phố kết hợp các lực lượng cảnh sát khác theo quy định của Nghị định 27/NĐ-CP của Chính phủ ra quân tổ chức quây ráp thường xuyên trên các tuyến phố trọng điểm, kết hợp với công an các phường bảo đảm TTATGT tại địa bàn; khắc phục tình trạng người vi phạm tránh né, chuyển hướng sang các tuyến phố khác khi phát hiện có lực lượng chức năng. Ngành Giao thông chỉ đạo tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định bảo đảm TTATGT tại các bến xe, bến đò ngang, các công trường đang thi công cầu, đường. Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) vừa tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, vừa rà soát, kiểm tra, tổng hợp các vị trí "điểm đen" phức tạp, mất ATGT, bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên các tuyến đường và địa bàn trọng điểm như quốc lộ 10, quốc lộ 21, thành phố Nam Định để kiến nghị với ngành GT-VT và địa phương có giải pháp xử lý, khắc phục. Ngành Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các trường tổ chức tuyên truyền phổ biến kế hoạch Tháng ATGT nói riêng, trách nhiệm tham gia bảo đảm, giữ gìn TTATGT kiềm chế, đẩy lùi TNGT nói chung tới cán bộ, giáo viên, học sinh trong dịp khai giảng năm học mới. Nhiều trường THPT, tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố đã coi trọng việc nhắc nhở phụ huynh chấp hành đúng quy định khi đưa đón con em, không đứng tràn lan dưới lòng đường vừa gây cản trở, ách tắc giao thông, vừa tạo hình ảnh phản cảm, không gương mẫu cho các em.

Tháng ATGT 2010 đã được các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, đạt được một số mục tiêu quan trọng. TNGT được kiềm chế, giảm so với cùng kỳ và tháng trước liền kề, không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT và công an các địa phương trong tỉnh đã phát hiện, xử lý trên 5000 trường hợp vi phạm TTATGT. Nhận thức của cộng đồng về công tác bảo đảm TTATGT, nguy cơ và trách nhiệm phòng ngừa TNGT đã có chuyển biến tích cực, ý thức tự giác của cộng đồng được nâng lên.

Những tồn tại cần quan tâm khắc phục

Công an huyện Mỹ Lộc kiểm kê các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Thu Hà
Công an huyện Mỹ Lộc kiểm kê các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Ảnh: Thu Hà

Bên cạnh những kết quả đạt được trong Tháng ATGT năm nay, vẫn còn những tồn tại, yếu kém cần được quan tâm khắc phục. Trước hết là tinh thần trách nhiệm, nhận thức và ý thức bảo đảm TTATGT, phòng ngừa TNGT của một bộ phận nhân dân, một số cơ quan, ban, ngành, cấp chính quyền cơ sở còn hạn chế; vẫn còn tình trạng "khoán trắng" nhiệm vụ này cho ngành Công an, giao thông trong khi hoạt động giao thông là hoạt động mang tính xã hội cao, hành vi giao thông có quan hệ tương tác với nhiều yếu tố, đối tượng trong môi trường động, phức tạp. Do vậy, việc bảo đảm TTATGT đòi hỏi phải được thực hiện bởi tất cả các đối tượng, chủ thể liên quan. Để đảm bảo ATGT đòi hỏi đồng bộ các điều kiện từ nhận thức, ý thức và kỹ năng hành động của người tham gia giao thông, hạ tầng kỹ thuật giao thông, chất lượng phương tiện, cách tổ chức giao thông khoa học, hợp lý… Biện pháp cứng rắn xử lý người tham gia giao thông vi phạm nhằm mục đích răn đe, cưỡng chế chấp hành pháp luật theo phương châm "đòn đau nhớ lâu", đòi hỏi phải có đông lực lượng chức năng, phương tiện song vẫn khó bao quát hết địa bàn bởi hoạt động giao thông là cơ động, địa bàn rộng nhất là ở khu vực nông thôn nhiều đường dong, xóm ngõ. Do vậy, chỉ nên xem đó là biện pháp hỗ trợ; giải pháp căn bản, bền vững vẫn phải là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng tự giác chấp hành, tham gia giữ gìn TTATGT. Con số trên 1000 trường hợp vi phạm TTATGT với số tiền xử phạt vài trăm triệu đồng mỗi tuần trong Tháng ATGT cho thấy vi phạm vẫn còn phổ biến. Và các trường hợp bị xử lý chủ yếu là mô tô, ô tô vi phạm; người đi xe đạp, đi bộ vi phạm vẫn chưa bị xử lý nhiều. Hình ảnh khá phổ biến trên đường phố là học sinh đi xe đạp dàn hàng ngang, sử dụng ô gây cản trở tầm nhìn, mất an toàn cho bản thân và người đi đường. Việc đội MBH cho trẻ em khi ngồi trên xe máy nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ, hoặc tìm lý do để không mua, không đội MBH cho con, cháu. Ở thành phố Nam Định, nhà mạng Vinaphone 3G đã lạm dụng việc tài trợ cho thành phố xây dựng một số biển chỉ dẫn giao thông không đúng quy định, gắn nội dung quảng cáo cho doanh nghiệp, vi phạm Luật Giao thông đường bộ ngay trong Tháng ATGT vẫn chưa được xử lý khắc phục. 75% số vụ TNGT xảy ra liên quan đến đối tượng là thanh niên song công tác tuyên truyền, giáo dục về TTATGT trong thanh niên còn nhiều hạn chế, bất cập. Ngoài hoạt động thanh niên tình nguyện kiểu "đến hẹn lại lên", không được duy trì thường xuyên, liên tục... Những bất cập, tồn tại trên cần sớm được khắc phục để bảo đảm TTATGT, kiềm chế làm giảm TNGT cả số vụ, số người chết và bị thương./.

Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com