Xã viên HTX Hùng Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thuỷ) trồng bí xanh đông trên diện tích lúa mùa sớm vừa thu hoạch.
Ảnh:
Dương Đức
|
Xuân Trường đột phá
Những ngày đầu tháng 10-2010, về Xuân Trường khi lúa mùa chưa thu hoạch rộ nhưng đến đâu cũng sôi động chuyện trồng cây vụ đông. Tại cánh đồng rộng trên 100ha phía tây sông Trà Thượng 2, xã Xuân Kiên lúa mùa sớm đã thu hoạch xong, cả nghìn người đổ ra đồng gieo trồng đậu tương đông: người xẻ rãnh, người cày cắt luống… Hơn 100 cán bộ công chức, viên chức, Công an huyện về cùng nông dân ra đồng "3 cùng" trồng cây đậu tương đông cho kịp thời vụ. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến ngày 5, 6-10, xã đã "phủ" kín diện tích 100ha đậu tương đông… Ở vùng đất nghề Xuân Kiên, vụ đông này xã phấn đấu trồng trên 150ha cây vụ đông là một bước "đột phá". Chỉ riêng cây đậu tương đông diện tích đã trồng của xã là 80ha liền vùng, chủ động tưới tiêu nước. Không chỉ Xuân Kiên mà các xã Xuân Thuỷ, Xuân Phong, Thọ Nghiệp, Xuân Ninh, Xuân Ngọc, Xuân Hoà, Xuân Phú…, nông dân cũng đồng loạt ra quân trồng đậu tương đông trên đất cấy 2 vụ lúa. Đến ngày 8-10-2010, cả huyện đã trồng 700ha cây vụ đông, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2009; riêng diện tích cây đậu tương đã gieo là 466ha, gấp 4,7 lần so với năm 2009. Đồng chí Phạm Công Thuận, Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường khẳng định: Xuân Trường có bước đột phá trong sản xuất vụ đông năm 2010 là do có sự chỉ đạo tập trung, có cơ chế chính sách thoả đáng, biết vận động nhân dân thấy rõ sự chăm lo cho đời sống cũng như phát triển sản xuất của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương… Từ nghị quyết của Huyện uỷ đến nghị quyết của Đảng uỷ xã, các chi bộ thôn, xóm; từ chương trình kế hoạch của UBND huyện đến kế hoạch của UBND, Ban nông nghiệp xã, HTXNN các xã, thị trấn… Công tác chỉ đạo đẩy nhanh thời vụ được tiến hành ngay từ vụ xuân, cấy lúa mùa sớm với các giống lúa ngắn ngày đến việc tập trung thu hoạch lúa mùa sớm, lúa mùa trung sớm với phương châm "Sáng gặt lúa, chiều gieo đậu tương đông"… Cây đậu tương đông đã là cây chủ lực của huyện Xuân Trường. Ngay từ vụ xuân năm 2010, UBND huyện có chính sách hỗ trợ, đặc biệt là trong sản xuất vụ mùa và trồng cây vụ đông như hỗ trợ một phần và chịu lãi suất ngân hàng 4 tháng cho giống lúa cấy lúa mùa sớm để làm vụ đông với diện tích vùng lớn; hỗ trợ 100% giống đậu tương gieo trồng vụ đông năm 2010 trên đất cấy 2 vụ lúa; hỗ trợ một phần phụ cấp đối với cán bộ huyện phụ trách xã, phụ trách miền, lãnh đạo xã, thị trấn có vùng trồng cây vụ đông (nhất là cây đậu tương) rộng; tăng cường lực lượng kỹ thuật, lực lượng lao động cho các xã có diện tích cây đậu tương đông trên dưới 100ha… Ngoài tạo ra tập quán sản xuất vụ đông cho nông dân, huyện Xuân Trường chọn cây đậu tương làm cây chủ lực cho vụ đông vì vừa có tác dụng cải tạo đất, vừa ít tốn công, ít vốn đầu tư…
Ở các xã điểm
Xác định xây dựng nông thôn mới phải đi từ sản xuất và lấy sản xuất để xây dựng nông thôn mới nên 11 xã điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đều lấy nhiệm vụ mở rộng diện tích trồng cây vụ đông để tăng hệ số sử dụng đất, kết hợp với đổi mới cơ cấu cây trồng, mùa vụ để tăng hiệu quả trên mỗi diện tích sản xuất nông nghiệp. Nếu ở Xuân Kiên cấy gần 100% diện tích lúa mùa sớm, mùa trung sớm để trồng cả trăm ha đậu tương đông thì ở xã Hải Lộc (Hải Hậu) ngay từ cuối năm 2009 đã tổ chức làm đường ra đồng, quy hoạch hệ thống thuỷ lợi để cơ giới hoá nông nghiệp, chủ động tưới tiêu với vùng rộng 130ha ngoài cấy 2 vụ lúa còn tổ chức trồng cây vụ đông hàng hoá. Xã đã tổ chức gieo sạ vụ lúa xuân, cấy lúa mùa sớm và trồng 130ha cây cải dầu vụ đông năm 2010. Cây cải dầu dễ trồng, ít tiêu tốn vật tư, ít công chăm sóc nhưng hiệu quả cũng cho thu 700-800 nghìn đồng/sào (trên dưới 20 triệu đồng/ha) và rất thuận trong việc tiêu thụ. Xã Giao Hà (Giao Thuỷ) đẩy sớm thời vụ gieo cấy 2 vụ lúa bằng cấy lúa xuân muộn, vụ mùa cấy lúa mùa sớm bằng giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch xong trong tháng 9 để trồng cây vụ đông theo vùng. Xã cải tạo hệ thống thuỷ lợi, khoanh vùng bơm tát chủ động phát triển cây vụ đông. Vụ đông năm nay, Giao Hà đã chọn cây đậu tương ngắn ngày DT12 để trồng. Với gần 6 tấn giống đậu tương, vụ đông này xã có gần 60ha liên thửa trong vùng vụ đông, mở ra hướng đi mới cho những năm sau của xã và của các xã, thị trấn trong huyện…
Không chỉ các xã điểm xây dựng mô hình nông thôn mới, mà tất cả các xã, thị trấn của tỉnh đều có chủ trương, chính sách phát triển sản xuất cây vụ đông hàng hoá để tăng vụ, tăng thu nhập cho nông dân với nhiều cơ chế hỗ trợ, đầu tư khuyến khích như ở Hải Hậu. Ngoài cơ chế của huyện, HTX Hải Hà hỗ trợ 100% giống cây trồng vụ đông; xã Hải Trung hỗ trợ 100% tiền giống bí xanh, 1/3 tiền giống đậu tương, công điều hành nước và tiền thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng vụ đông; xã Hải Ninh hỗ trợ 100% giống cải dầu, 50% tiền mua giống bí xanh và đậu tương trồng vụ đông…
Thuỷ nông "vào cuộc"
Tưới tiêu nước là một trong những yếu tố quyết định thành bại của sản xuất vụ đông, trong đó, đặc biệt quan tâm tiêu úng đầu vụ và tạo nguồn bơm tát cho lúc đông ken. Cả 7 Cty TNHH một thành viên KTCTTL của tỉnh đều tạo điều kiện cao nhất cho sản xuất vụ đông hàng hoá. Ngay từ cuối năm 2009 và cả năm 2010, các công trình nạo vét, xây đúc, kiên cố hoá kênh mương được các Cty xúc tiến nhanh, gọn, tạo ra hệ số và năng lực tưới tiêu cao. Chiến dịch thuỷ lợi nội đồng vụ đông xuân 2009-2010 đạt kỷ lục trong việc nạo vét, xây đắp… với trên 3 tỷ m3, gấp gần 2 lần so với các năm trước đây. Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thuỷ còn có cơ chế khuyến khích các địa phương phát triển vụ đông. Cty đầu tư 100-150 triệu đồng trở lên đối với xã, thị trấn có vùng vụ đông rộng 100ha trở lên bằng các công trình thuỷ lợi, cử cán bộ của Cty xuống giúp và cùng các xã làm quy hoạch thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. 4 xã của huyện Xuân Trường là: Xuân Thuỷ, Xuân Phong, Xuân Kiên và Thọ Nghiệp đã lập xong quy hoạch thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung và vùng vụ đông nói riêng. Dự toán của Cty sẽ đầu tư 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng cho mỗi vùng xây dựng hệ thống thuỷ lợi và được phân bổ đầu tư theo từng năm. Khi lúa mùa gặt xong là thời điểm Cty tập trung đầu tư xây dựng. Đối với 5 xã: Xuân Thuỷ, Xuân Phong, Xuân Kiên, Thọ Nghiệp (Xuân Trường) và Giao Hà (Giao Thuỷ), Cty đã cử 3 kỹ sư về trực tiếp cùng với lãnh đạo xã, HTX đôn đốc, chỉ đạo làm quy hoạch và tổ chức xây dựng hệ thống thuỷ lợi. Đến nay, Cty đã đưa về các xã Xuân Phong, Xuân Thuỷ, mỗi xã 2 máy bơm điện sẵn sàng bơm chống úng cho cây vụ đông; Cty còn 40 máy bơm điện và 5 máy bơm dầu sẵn sàng bơm phục vụ chống úng cho các vùng vụ đông, đặc biệt ưu tiên cho các xã có vùng trồng cây vụ đông năm 2010 nhiều. Cty còn cam kết làm hết khả năng để bảo đảm an toàn cho các diện tích cây vụ đông năm 2010 của 2 huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ.
*
Vụ đông năm 2010 mới bắt đầu nhưng không khí đã sôi động, tạo động lực thúc đẩy cho phong trào sản xuất vụ đông hàng hoá của toàn tỉnh. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, đến ngày 8-10-2010, toàn tỉnh đã trồng 7710ha cây vụ đông, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ. Hầu hết các huyện, thành phố có diện tích cây vụ đông đã trồng cao hơn cùng kỳ năm 2009. Nhiều địa phương vượt cao hơn cùng kỳ như Xuân Trường tăng trên 4,5 lần, Giao Thuỷ gấp 4,8 lần, Nghĩa Hưng gấp 4 lần, thành phố gấp 3,3 lần… Nhiều loại cây có diện tích đã trồng tăng cao so với cùng kỳ như: Cà chua gấp 6 lần, đậu tương gấp trên 3 lần, rau các loại gấp 2 lần… Với đà này, chắc chắn diện tích cây vụ đông năm 2010 sẽ tăng cao, vượt kế hoạch 17 nghìn ha như các địa phương đã đăng ký./.
Tất Thắc