III. Các giải pháp đồng bộ
Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2015 lấp đầy các KCN hiện có, đồng thời tiếp tục thành lập thêm 2-3 KCN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1106/QĐ-TTg và 1107/QĐ-TTg. Dự báo đến năm 2015, số lượng lao động làm việc tại các KCN sẽ tăng 3000-5000 người/năm. Như vậy, sau 5 năm số lao động sẽ tăng 1,5-2 vạn người, nâng tổng số lao động tại các KCN lên 4-4,6 vạn người. Trong đó, lao động có nhu cầu ở trọ là 1,4-1,6 vạn người. Từ đó, các vấn đề về nhà ở, nhà trẻ, nơi khám chữa bệnh, công tác bảo đảm an ninh trật tự, khu vui chơi giải trí… sẽ tạo nên những áp lực lớn và gay gắt hơn cho các doanh nghiệp cũng như Ban Quản lý các KCN.
Cty TNHH Youngone (KCN Hoà Xá, TP Nam Định) đầu tư xây dựng khu chung cư tạo chỗ ở cho hơn 1000 lao động.
Ảnh:
Dương Đức
|
Để góp phần cải thiện điều kiện sống, làm việc của công nhân trong các KCN, thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng cần hoàn thiện các văn bản pháp luật lao động cho phù hợp với thị trường lao động, trong đó có vấn đề bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành sản xuất trong KCN, tạo cơ sở cho việc thu hút một bộ phận lao động nông nghiệp chuyển hẳn sang lao động công nghiệp. Ở tầm vĩ mô, UBND tỉnh, các cấp, các ngành cần ban hành các cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội xây nhà trọ cho công nhân. Trên cơ sở hệ thống nhà trẻ, trường mầm non hiện có của các địa phương lân cận KCN, UBND tỉnh xem xét, lựa chọn, cho đầu tư nâng cấp, mở rộng một số cơ sở phù hợp để tăng khả năng đón nhận các cháu là con của công nhân lao động tại các KCN. Việc xây dựng KCN cần phải thiết kế có các nhà trẻ, trường mầm non để tiếp nhận các cháu là con cán bộ, CNV của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới các dịch vụ y tế, chấp hành nghiêm túc quy định khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân, duy trì hệ thống chiếu sáng để bảo đảm an toàn cho công nhân khi đi lại. Đầu tư thoả đáng cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên khu vực nông thôn, nhất là các vùng nông thôn bị thu hồi đất thông qua việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020. Xây dựng, phát triển các KCN hợp lý, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế hài hòa, bền vững giữa 3 vùng của tỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút lao động ở các vùng nông thôn. Các cấp chính quyền địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân; xem xét, quyết định các giải pháp hỗ trợ cho công nhân KCN. Tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, nhất là công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp nhằm thực hiện đúng chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân. Đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở để thu hút đông đảo công nhân tham gia sinh hoạt; tổ chức các phong trào công nhân thi đua sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh công tác kiểm tra công đoàn về thực hiện các chế độ có liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của công nhân, chủ doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân như: Thời gian làm việc, chế độ lao động nữ, các loại bảo hiểm, công tác khám sức khoẻ định kỳ, vệ sinh an toàn thực phẩm, việc chi trả lương... Ngành Bảo hiểm chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành Luật BHXH tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các đối tượng chây ỳ trong việc tham gia chế độ bảo hiểm cho công nhân. Các tổ chức đoàn thể ở các doanh nghiệp tích cực vận động công nhân tham gia sinh hoạt Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Công đoàn cấp trên cơ sở cần kiên quyết xử lý các chủ doanh nghiệp gây cản trở thành lập tổ chức Công đoàn… Về trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp cần ưu tiên tuyển dụng lao động ở vùng nông thôn, đồng thời có chính sách hỗ trợ để họ yên tâm lao động. Các chủ doanh nghiệp cần tự giác chấp hành đúng các quy định pháp luật, nhất là các quy định về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các vấn đề về nhà ở, đi lại, nhà trẻ, chăm sóc sức khoẻ... của công nhân. Để giảm bớt khó khăn cho công nhân, các doanh nghiệp cần nâng tối đa định mức chi từ quỹ phúc lợi của doanh nghiệp nhằm trợ cấp cho công nhân nghèo, khi ốm đau, nghỉ dưỡng sức... Thực hiện rộng rãi các hình thức thưởng năng suất, chất lượng, sáng kiến, quản lý tốt cho công nhân. Tổ chức sâu rộng phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo hàng năm, thông qua các hội thi tay nghề, thi sáng kiến... tại các doanh nghiệp. Tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng có lồng ghép nhiều nội dung từ biểu diễn văn nghệ, hội thi thợ giỏi, phòng chống ma tuý trong công nhân, thi đấu thể thao… nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người lao động. Tăng cường sự phối hợp quản lý giữa công an các địa phương với các doanh nghiệp và Đồn công an KCN trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, khai báo đăng ký tạm trú tạm vắng. Hơn hết, mỗi công nhân cần nâng cao tay nghề, rèn luyện tác phong lao động và chủ động tham gia sinh hoạt theo các đoàn thể tại nơi làm việc và cư trú. Chủ động nắm bắt những quy định cơ bản về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động, để có chính kiến khi thương thảo, ký kết hợp đồng lao động. Học tập nghiêm túc nội quy, thoả ước lao động để thực hiện tốt các quy định trong sản xuất và bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và đồng nghiệp theo đúng quy định. Tích cực tham dự các hoạt động phong trào do doanh nghiệp, nơi cư trú tổ chức; chủ động khắc phục khó khăn hiện tại bằng việc thuê trọ gần nơi làm việc, chi tiêu hợp lý; tích cực học hỏi nâng tay nghề để tăng năng suất lao động, giảm tỷ lệ sai, hỏng các sản phẩm…
Những dãy nhà được xây dựng tạm bợ ở thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) là nơi trọ của hàng trăm công nhân đang làm việc tại KCN Hoà Xá.
Ảnh:
Văn Phương
|
Các KCN của tỉnh hiện đang thu hút và tạo nhiều việc làm cho người lao động ở trong và ngoài tỉnh. Để đời sống, điều kiện môi trường làm việc của công nhân trong các doanh nghiệp tại các KCN của tỉnh thực sự ổn định, đang rất cần có sự "vào cuộc" tích cực của các cấp, các ngành và nhất là các chủ doanh nghiệp. Đời sống, điều kiện làm việc của người lao động được bảo đảm sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của mỗi doanh nghiệp nói riêng và từng KCN nói chung trong điều kiện hiện nay./.
Văn Đại và Thanh Thủy
[links()]