Cải thiện điều kiện sống, làm việc của công nhân tại các KCN trong tỉnh (kỳ II)

08:10, 27/10/2010

II. Một số hạn chế cần khắc phục

 

Cty cổ phần May Nam Định (KCN Hoà Xá) thường xuyên nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, đảm bảo sức khoẻ cho hơn 1300 lao động.  Ảnh:  Dương Đức
Cty cổ phần May Nam Định (KCN Hoà Xá) thường xuyên nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, đảm bảo sức khoẻ cho hơn 1300 lao động.
Ảnh: Dương Đức
Với đặc điểm, phần lớn công nhân của các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh là người nông thôn, vừa bước vào tuổi lao động chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp nên trình độ tay nghề, ý thức, kỷ luật lao động chưa cao, kiến thức pháp luật hạn chế, do đó tiền lương, tiền thưởng chỉ ở mức thấp. Thu nhập thường xuyên của người lao động bao gồm: tiền lương, tiền làm thêm giờ, phúc lợi và một số khoản hỗ trợ khác từ phía doanh nghiệp. Phổ biến công nhân có mức thu nhập khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tháng; gần 1/3 số công nhân có mức thu nhập 1-1,5 triệu đồng/tháng. Có 22,3% công nhân không được tăng lương trong 3 năm qua, trong khi đó mức tăng lương mỗi lần rất thấp, chỉ từ 10-20 nghìn đồng/bậc. Ngoài giờ làm việc ở doanh nghiệp, nhiều công nhân có nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống. Mặc dù nhiều doanh nghiệp thực hiện làm tăng ca, tăng giờ nhưng lại chưa thực hiện đầy đủ các chính sách đãi ngộ và quy định  khi công nhân làm thêm giờ. Đây là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp thực hiện trả lương theo hình thức "khoán sản phẩm", gây nhiều thiệt thòi cho công nhân. Một thực tế nữa là nhiều công nhân lao động khi tuyển dụng phải trải qua thời gian học nghề tại doanh nghiệp, nên bậc lương khởi điểm thấp, chịu thiệt thòi so với lao động đã qua đào tạo. Với mức thu nhập như hiện nay, cuộc sống công nhân gặp khó khăn, dẫn đến nảy sinh nhiều phức tạp cho các doanh nghiệp trong công tác quản lý nguồn lao động. Để giúp công nhân giảm bớt khó khăn, ngoài tiền lương, tùy thuộc vào điều kiện, mỗi doanh nghiệp đã có chính sách hỗ trợ tiền ăn ca, đi lại, tiền thuê nhà ở, chi phí học nghề ban đầu nhưng mức hỗ trợ còn ở mức thấp. Hơn nữa, các yếu tố về môi trường như bụi, độ nóng, tiếng ồn... ở nhiều doanh nghiệp hiện đang vượt nhiều lần quy định cho phép; công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) vẫn còn tình trạng công nhân chưa thường xuyên sử dụng..., đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của chính họ. Nguyên nhân do người sử dụng lao động không quan tâm tuyên truyền, vận động người lao động tự giác chấp hành, không kịp thời xử lý những vi phạm; người lao động còn thiếu ý thức trong việc chấp hành những quy định của Nhà nước. Do đó, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Trong 2 năm 2008-2009 có 168 lượt người bị tai nạn lao động. Sự quan tâm của các doanh nghiệp đến đời sống của công nhân lao động nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay còn rất hạn chế. Các khoản hỗ trợ phúc lợi còn ít, chưa tương xứng với công sức của người lao động. Qua tìm hiểu ý kiến của nhiều công nhân “nhập cư”, với mức lương hiện nay, sau khi trang trải cho việc ăn uống, thuê nhà ở, đi lại, điện, nước... ở mức tiết kiệm nhất, số tiền dành để tích luỹ không đáng kể. Các khoản chi cho mua sắm, hoạt động tinh thần, vui chơi giải trí như: Xem phim, ca nhạc, sinh nhật, du lịch… hầu như không có. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tái tạo sức lao động, sự say mê sáng tạo của người lao động.

Nguyên nhân dẫn tới những khó khăn trên của người lao động tại các KCN của tỉnh hiện nay là do mức lương, thưởng của các doanh nghiệp thấp. Quy định về tiền thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động do doanh nghiệp tự quyết định, cùng với yêu cầu công khai kết quả sản xuất, kinh doanh không được thực hiện, đã ảnh hưởng đến một số quyền lợi chính đáng của người lao động. Trong khi đa số công nhân đều từ nông nghiệp chuyển sang, chưa qua học nghề nhưng công tác đào tạo nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên đã nảy sinh mâu thuẫn giữa việc tăng năng suất lao động với cải thiện tiền lương. Cùng với đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu liên tục tăng cao, yêu cầu cải thiện đời sống công nhân tại các KCN càng trở nên bức xúc. Các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với quy mô vừa và nhỏ, hoạt động vì mục đích lợi nhuận, ít quan tâm đến trách nhiệm xã hội, đời sống công nhân sau thời gian lao động sản xuất. Luật BHXH cơ bản đã được các chủ doanh nghiệp ở các KCN quan tâm, thực hiện khá tốt song vẫn còn một bộ phận người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng và chấp hành đầy đủ quy định nên ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi và các quyền lợi liên quan của người lao động. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của một số doanh nghiệp còn chưa bảo đảm, chưa có đủ số y tá, bác sĩ theo quy định, thuốc và y cụ dùng cho khám chữa bệnh ban đầu còn thiếu, chất lượng hạn chế; còn có doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ quy định khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân. Theo phản ánh của không ít công nhân đang làm việc tại các KCN, tỷ lệ dùng thẻ BHYT để khám chữa bệnh theo nơi đăng ký ban đầu không nhiều. Họ thường đi khám bệnh qua các cơ sở y tế tư nhân gần nơi ở hoặc bệnh viện chuyên ngành. Tại đây, họ không được thanh toán tiền chữa bệnh theo thẻ BHYT. Một vấn đề khác cần quan tâm là trong số 2,6 vạn lao động thì phần lớn đến từ các huyện: Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Mỹ Lộc và các tỉnh lân cận Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình. Tỷ lệ lao động có nhu cầu thuê trọ trên 30%, tương đương 7800 người. Hiện nay, đa số công nhân thuê trọ tại các phòng trọ do nhân dân xây dựng, chủ yếu ở các xã Mỹ Xá, Lộc Hoà, Mỹ Trung. Theo thống kê, hiện có khoảng 1734 phòng, giải quyết nhu cầu cho gần 3000 người. Các phòng trọ thường được xây trên diện tích đất tận dụng, có kết cấu đơn giản theo kiểu "nhà tạm", mỗi phòng trọ thường có từ 2-4 người ở nên rất chật chội. Giá điện, nước tiêu dùng cao hơn nhiều so giá quy định của Nhà nước, gây thêm khó khăn cho công nhân thuê trọ. Công tác quản lý, hỗ trợ người trọ của chính quyền địa phương hầu như chưa được quan tâm. Phần lớn công nhân phải lao động với cường độ cao, thời gian kéo dài, thậm chí một bộ phận công nhân phải làm tăng ca tới 12 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. Cụ thể có 81,3% công nhân làm việc trung bình 8-10 giờ/ngày và 4,4% công nhân làm việc trên 10 giờ/ngày; có 24,7% làm việc 7 ngày/tuần, không có ngày nghỉ. Tình trạng tăng ca, tăng giờ, không có ngày nghỉ diễn ra phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp, phụ thuộc nhiều vào số lượng, tiến độ đơn hàng trong tháng. Việc tăng giờ làm quá mức so với quy định không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của công nhân. Một số doanh nghiệp chưa tính thời gian nghỉ giữa ca, nghỉ chế độ của công nhân nữ nhằm tăng thời gian làm việc thực tế của họ. Ngoài ra, hầu hết các KCN chưa có nơi vui chơi giải trí nên công nhân ít có điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, mức hưởng thụ văn hoá còn nghèo nàn. Người lao động còn gặp nhiều khó khăn trong việc học tập, nâng cao hiểu biết về các quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội đối với người lao động và người sử dụng lao động chưa thường xuyên, chủ yếu mới là phổ biến, tuyên truyền pháp luật nên đạt kết quả thấp. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý lao động ở doanh nghiệp còn thiếu và yếu nên khả năng kiểm tra, ngăn ngừa vi phạm ở các doanh nghiệp còn khó thực hiện. Do đó, nhiều công nhân lao động chưa hiểu biết về nội quy lao động, quy chế phòng chống cháy nổ./.

(Còn nữa)
Văn Đại Thanh Thủy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com