Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 KCN với hơn 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… đang sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp thu hút, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2,6 vạn lao động ở trong và ngoài tỉnh. Thực tế cho thấy, những năm qua, đời sống cũng như điều kiện làm việc của công nhân các doanh nghiệp trong các KCN đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, để công nhân thực sự yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp thì các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cần quan tâm giải quyết một số vấn đề đang đặt ra….
I. Những ghi nhận ban đầu
Cty CP dệt may Sơn Nam đầu tư hơn 1 tỷ đồng, lắp đặt hệ thống máy điều hoà thông gió phun ẩm, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho công nhân.
Ảnh:
Dương Đức
|
Theo số liệu của Ban quản lý các KCN của tỉnh, tính đến đầu năm 2010, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… ở các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút và tạo việc làm cho 2,6 vạn lao động. Trong đó, lao động làm việc trong các doanh nghiệp dân doanh khoảng 1 vạn người, chiếm 39%; lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên 1,6 vạn người, chiếm 61%. Qua điều tra ở một số doanh nghiệp tại các KCN của tỉnh cho thấy, công nhân có độ tuổi dưới 20 là chiếm tỷ lệ 4%; từ 20 đến 30 tuổi chiếm 73%, số còn lại là công nhân trên 30 tuổi. Trong đó, số công nhân nữ chiếm 91% tổng số lao động; công nhân đã lập gia đình chiếm tỷ lệ 54%, số công nhân mới bước vào độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao nên có nhiều lợi thế như: Sức khoẻ dồi dào, điều kiện tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật nhanh, khả năng hoạt động xã hội tốt... Đây là lực lượng lao động trẻ và là yếu tố rất quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện tại, trình độ học vấn của công nhân của các doanh nghiệp khá bảo đảm, số công nhân có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ 4,5%; có trình độ trung cấp gần 12%; sơ cấp 46%; tỷ lệ công nhân đã tốt nghiệp THPT chiếm hơn 43%; số công nhân tốt nghiệp tiểu học chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, dạy nghề nhằm tạo điều kiện cho công nhân làm việc và có thu nhập ổn định cuộc sống để gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp ở các KCN. Lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên đã được các doanh nghiệp tuyển dụng chiếm tỷ lệ 62,4% đang là lực lượng chủ công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Số lao động còn lại (chiếm 37,6%) đã và đang được các doanh nghiệp đào tạo, dạy nghề. Về cơ bản, số lượng công nhân đang làm việc tại các KCN của tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Lao động có tay nghề đáp ứng tốt yêu cầu công việc như: May mặc, cơ khí… là 70%, có trình độ tay nghề ở mức trung bình là 22%. Cùng với công việc ổn định, thu nhập bình quân của công nhân làm việc tại các doanh nghiệp ở các KCN qua các năm đều tăng. Năm 2008, mức lương bình quân tăng 28% so với năm 2007, năm 2009, tăng 12% so với năm 2008. Cụ thể, năm 2009, thu nhập bình quân của người lao động đạt 1 triệu 150 nghìn đồng/người/tháng và tiền làm thêm giờ ở mức 151 nghìn đồng/người/tháng; các khoản hỗ trợ còn lại như: Tiền ăn ca ở mức 90 nghìn đồng/người/tháng; hỗ trợ khác 50 nghìn đồng/người/tháng. Tổng thu nhập bình quân ở mức 1 triệu 450 nghìn đồng/người/tháng, trong đó có công nhân đạt thu nhập cao nhất là 4 triệu 100 nghìn đồng/tháng, thấp nhất là 600 nghìn đồng/tháng. Nhóm ngành có thu nhập cao gồm: Sản xuất dược phẩm, cơ khí, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và dệt may. Các doanh nghiệp đều thực hiện chế độ tiền lương, thưởng năm cho người lao động, với mức tiền thưởng phổ biến bằng 1 tháng tiền lương; có doanh nghiệp có mức tiền thưởng cao nhất là 5 triệu đồng/người. Khoản tiền thưởng thường vào dịp Tết Nguyên đán, đã giúp người lao động trang trải những chi phí phát sinh trong cuộc sống. Việc đóng và tham gia BHXH của các doanh nghiệp, công nhân được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Số người đã hưởng các chế độ BHXH trong 2 năm 2008-2009 là 1388 lượt người, trong đó chế độ ốm đau 591 lượt người, chế độ thai sản 729 lượt người, chế độ tai nạn lao động 68 người. Nhờ đó đến hết năm 2009, tổng số lao động trong các doanh nghiệp ở các KCN của tỉnh đã tham gia BHXH là 19 nghìn 341 người, chiếm 74,6% tổng số lao động làm việc tại các KCN của tỉnh. Nhìn chung, điều kiện làm việc của người lao động đang ngày càng thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nhà xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế với các phương tiện hỗ trợ lao động đầy đủ hơn. Các khu vực sản xuất được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió, thiết bị chống nóng, khí bụi, hơi độc, giảm tiếng ồn, chống bức xạ có hại, hệ thống thiết bị an toàn… Đa phần nhà xưởng và các công trình phụ trợ đều xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2005 trở lại đây, nên chất lượng vẫn tốt, bảo đảm lâu dài về công năng, điều kiện an toàn vận hành. Các chủ đầu tư chấp hành khá tốt yêu cầu quy hoạch mặt bằng xây dựng được duyệt, đã tạo ra cảnh quan xanh, sạch, đẹp, môi trường làm việc thoáng mát, không gian làm việc hợp lý. Công nhân được học tập kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, an toàn phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều bố trí bộ phận y tế tại cơ sở gồm tủ thuốc, dụng cụ sơ cứu... Hiện đã có 7 doanh nghiệp có phòng y tế, y tá, bác sĩ riêng và ký hợp đồng khám chữa bệnh ban đầu tại các phòng khám của thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc. Năm 2009, có 13 doanh nghiệp thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho 2708 công nhân lao động; đã khám và điều trị ban đầu cho 240 lượt công nhân lao động... Phần lớn các doanh nghiệp đều có các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên... Để giảm bớt những khó khăn cho người lao động, một số doanh nghiệp đã đầu tư vốn xây nhà trọ miễn phí cho những công nhân ở xa.
Có thể thấy đời sống vật chất và tinh thần của người lao động trong các KCN của tỉnh đang từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít những vấn đề đang nảy sinh, do đó rất cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành để nâng cao đời sống của người lao động tại các KCN./.