Sau 10 năm thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (kỳ II)

09:09, 17/09/2010

(Tiếp theo và hết)

II - SÁNG TẠO TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Đến cuối tháng 8-2010, Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) có số vốn huy động 27 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 28 tỷ đồng với gần 450 khách hàng.  Ảnh: DƯƠNG ĐỨC
Đến cuối tháng 8-2010, Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) có số vốn huy động 27 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 28 tỷ đồng với gần 450 khách hàng.
Ảnh: DƯƠNG ĐỨC

Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách kinh tế lớn của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đổi mới nhằm hiện thực hoá chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn hộ nông dân và nhiều doanh nghiệp mới hình thành ở nông thôn được vay vốn, đồng thời giúp ngành ngân hàng tiếp cận thị trường nông thôn. Qua tìm hiểu với nông dân, cán bộ cơ sở, ngành ngân hàng đã có sự sáng tạo trong cách thực hiện: Để cho vay, mở rộng thị trường tín dụng an toàn, hiệu quả phải xây dựng mô hình mạng lưới tới tận thôn xóm dưới dạng tổ vay vốn, trong đó có sự liên kết, quản lý, lãnh đạo giữa cấp uỷ, chính quyền và ngân hàng. Khi đó người dân cần vay vốn chỉ cần tín chấp qua hội đoàn thể, hộ nông dân (vay theo quy định) không phải thế chấp ngân hàng. Quản lý vận hành hệ thống mạng lưới tổ vay vốn do cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo, Ngân hàng Nông nghiệp làm tham mưu; các tổ chức chính trị phối hợp với ngân hàng thực hiện. Ngân hàng Nông nghiệp kết hợp với Hội Nông dân (HND), Hội Phụ nữ (HPN) phân công các thành viên bám xóm, bám địa bàn, vận động nông dân thành lập tổ vay vốn. Ngân hàng NN-PTNT tỉnh đã thành lập tổ vay vốn ở 100% các thôn xóm, đội sản xuất với trên 3300 tổ vay vốn ở 210 xã, thị trấn. Người quản lý điều hành tổ vay vốn do các thành viên bầu ra. Đến ngày 31-12-2009, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn đạt 3100 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 77,5% trên tổng dư nợ với trên 110 nghìn hộ chiếm 30% số hộ nông nghiệp. Kết quả trên có vai trò to lớn của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của HND, Hội Phụ nữ. Hoạt động tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của hệ thống ngân hàng đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ. Ở huyện có ban chỉ đạo đầu tư vốn, xã có văn phòng đại diện, thôn xóm có tổ vay vốn. Ban chỉ đạo luôn đi sát cơ sở nắm tâm tư nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo các tổ chức đoàn thể điều tra, nắm chắc nhu cầu vay vốn của hội viên, căn cứ vào đặc điểm sản xuất kinh doanh để cho vay kịp thời và đầy đủ. Cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các hộ sản xuất đầu tư phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Các huyện, các xã đều có chính sách khuyến khích các hộ, doanh nghiệp phát triển kinh tế trang trại, thành lập các cơ sở sản xuất, tạo ra vùng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị sản phẩm…

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng NN-PTNT, hàng năm anh Phạm Văn Đông, xóm 2, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) sản xuất 30-40 tấn lợn giống và 50 tấn lợn thịt, mỗi năm thu lãi 300-400 triệu đồng. Ảnh: Dương Đức
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng NN-PTNT, hàng năm anh Phạm Văn Đông, xóm 2, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) sản xuất 30-40 tấn lợn giống và 50 tấn lợn thịt, mỗi năm thu lãi 300-400 triệu đồng.
Ảnh: Dương Đức

Để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 67, Trung ương HND Việt Nam và Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch số 2038 ngày 9-10-1999 về tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. HND tỉnh đã cùng Ngân hàng NN-PTNT tỉnh ký các văn bản liên quan đến thành lập tổ vay vốn, trong đó HND là chủ dự án. HND tổ chức tuyên truyền Quyết định số 67, phổ biến chính sách vay vốn đến từng hộ nông dân thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ, CLB nông dân. Cùng với việc thành lập tổ vay vốn, HND chỉ đạo các cơ sở hội thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ trưởng, kiểm tra các hoạt động của tổ vay vốn để củng cố, nâng cao chất lượng các tổ yếu kém. HND phối hợp với ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp cung ứng vật tư, chuyển giao tiến bộ KHKT và hướng dẫn nông dân sử dụng vốn vay, cách làm ăn mới có hiệu quả. HND đã cùng Ngân hàng NN-PTNT tỉnh thành lập trên 2600 tổ vay vốn ở 100% các thôn xóm của 210 xã, thị trấn cho gần 64800 hộ vay với tổng dư nợ thường xuyên gần 1650 tỷ đồng. Hội Phụ nữ tỉnh đưa chương trình phối hợp với ngành Ngân hàng NN-PTNT vào chỉ tiêu và tiêu chí thi đua hàng năm, tuyên truyền để hội viên nhận rõ quyền và lợi ích khi tham gia tổ vay vốn. Hội cũng tổ chức cho hội viên tập huấn các kỹ năng, chuyển giao KHKT trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay. Đến ngày 30-9-2009, dư nợ của các cấp hội tín chấp qua Ngân hàng NN-PTNT gần 160 tỷ đồng, hỗ trợ trên 6300 hội viên phụ nữ vay vốn tại 225 tổ, tỷ lệ hoàn trả vốn lãi đạt 99,77%, tỷ lệ nợ quá hạn giảm dần. Một số huyện hội có dư nợ vốn vay cao, chất lượng tín dụng tốt như: Huyện Ý Yên gần 69 tỷ đồng, huyện Xuân Trường 27 tỷ 190 triệu đồng, huyện Nam Trực 16 tỷ đồng… Cách cho vay qua tổ vay vốn, tín chấp của các đoàn thể đã giảm phiền hà cho người vay; người vay chỉ 1 lần đến ngân hàng là vay được tiền, thẩm định chính xác, dự án có tính khả thi cao, bảo toàn vốn cao…

Quá trình cho vay ở địa bàn nông thôn đã tạo sự gắn bó giữa ngân hàng với cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương, tạo ra mô hình xã hội hoá hoạt động ngân hàng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới. Đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, phải có sự vận dụng sáng tạo; sự phối hợp chặt chẽ giữa TCTD cho vay và các tổ chức chính trị. Cần phải căn cứ vào đặc thù sản xuất nông nghiệp, nông dân để có quy trình, thủ tục cho vay phù hợp bảo đảm đơn giản thuận tiện nhưng vẫn an toàn, hiệu quả. Kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Quyết định số 67 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở để những năm tới tín dụng ngân hàng trong tỉnh góp phần tích cực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân./.

Trần Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com