Nhìn lại 10 năm thực hiện cuộc vận động "Ngày vì người nghèo"

09:09, 08/09/2010

"Xoá đói, giảm nghèo" là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Cùng với nhiều giải pháp, cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" được Uỷ ban MTTQ Việt Nam phát động đang góp phần quan trọng hiện thực hoá mục tiêu quan trọng này…

Mặt trận Tổ quốc xã Trực Cường (Trực Ninh) trao tặng Nhà đại đoàn kết cho cụ Nguyễn Thị Vận ở xóm Khang Ninh.  			 Ảnh: Xuân Thu
Mặt trận Tổ quốc xã Trực Cường (Trực Ninh) trao tặng Nhà đại đoàn kết cho cụ Nguyễn Thị Vận ở xóm Khang Ninh.
Ảnh: Xuân Thu

Cuộc vận động đậm tính nhân văn

Sau gần 25 năm thực hiện, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo mang lại nhiều thành tựu to lớn. Trong đó, đời sống của đại bộ phận nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhằm phát huy truyền thống đoàn kết "tương thân tương ái", huy động sức mạnh của toàn xã hội "chung tay" ủng hộ, giúp đỡ người nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần hiện thực hoá mục tiêu "xoá đói, giảm nghèo", năm 2000, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam đã xây dựng, phát động cả nước thực hiện Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo". Ngay sau khi cuộc vận động được phát động, Tỉnh uỷ, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch, thông tri chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện. Trong đó, đã tiến hành thành lập ban vận động Quỹ "Vì người nghèo"; Ban chỉ đạo "Xây dựng nhà đại đoàn kết, xoá nhà tranh dột nát" cho hộ nghèo các cấp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Là cơ quan thường trực ở mỗi cấp, MTTQ các cấp trong tỉnh luôn tích cực, chủ động tham mưu với cấp uỷ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên triển khai cuộc vận động. Ở hơn 3000 khu dân cư trong tỉnh, ban công tác Mặt trận đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động. Hàng năm, Uỷ ban MTTQ tỉnh đều phối hợp tổ chức phát động Tháng cao điểm "ủng hộ người nghèo". Các tổ chức thành viên Mặt trận như Hội CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Công đoàn, Hội Chữ thập đỏ… cũng có nhiều hoạt động quyên góp ủng hộ, giúp đỡ đoàn viên, hội viên nghèo… Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, vận động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" ngày một thấm sâu, lan toả trong nhận thức, tình cảm của các tầng lớp nhân dân và trong đời sống xã hội. Hàng năm, vào tháng cao điểm ủng hộ người nghèo, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên, công chức các cơ quan, đơn vị, chiến sĩ các LLVT trong tỉnh tự nguyện đóng góp một ngày lương, ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo". Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần đến các doanh nghiệp tư nhân đều trích từ nguồn lợi nhuận, có doanh nghiệp trích hàng trăm triệu đồng ủng hộ, giúp đỡ người nghèo. Sau 10 năm triển khai thực hiện, từ sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, con em quê hương Nam Định sinh sống ở mọi miền đất nước và nước ngoài, quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh đã quyên góp được tổng số 29,7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ, các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ làm mới 2158 nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo, hỗ trợ 2286 hộ nghèo sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ cho trên 11000 lượt hộ nghèo thông qua các hình thức cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ khám chữa bệnh, hỗ trợ học sinh nghèo đến trường, trợ cấp đột xuất, thăm hỏi, tặng quà… Từ sự ủng hộ, kịp thời, thiết thực của Quỹ "Vì người nghèo" các cấp, nhiều hộ nghèo trong tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, đã góp phần quan trọng vào công tác "xoá đói giảm nghèo", đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,5% (năm 2005) xuống còn 6%. Một trong những điểm nhấn, góp phần vào hiệu quả thực hiện cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", nhất là kết quả hỗ trợ các hộ nghèo xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhà ở, ngoài số tiền hỗ trợ của Quỹ "Vì người nghèo" các cấp, các địa phương đã biết huy động thêm sự ủng hộ, giúp đỡ trong anh em, gia đình, dòng họ, cộng đồng khu dân cư, người giúp cây luồng, viên ngói, người giúp đỡ ngày công, chung tay, góp công, góp sức làm nên những ngôi nhà thấm đẫm tình đoàn kết, đùm bọc, yêu thương. Điều đó cũng khẳng định, đây chính là một nguồn lực to lớn, cần huy động một cách hiệu quả khi thực hiện cuộc vận động giàu tính nhân văn này…

Để ngày càng có nhiều những tấm lòng "Vì người nghèo"

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 10 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" trên địa bàn tỉnh cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần những giải pháp khắc phục. Theo đồng chí Vũ Đình Khoa, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh, Phó Trưởng Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh, cuộc vận động chưa được triển khai đồng đều ở các địa phương. Ở một số địa phương, cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn đến hiệu quả thực hiện thấp, không tương xứng với khả năng. Mặt khác, nhìn chung mặt bằng thu nhập của nhân dân trong tỉnh chưa cao, trong khi đó ở một số địa phương cùng lúc có nhiều hoạt động vận động quyên góp khác, việc ủng hộ xây dựng Quỹ "Vì người nghèo" bị phân tán, kết quả vận động ủng hộ quỹ hàng năm có xu hướng giảm. Kết quả vận động xây dựng quỹ ở cấp xã, phường, thị trấn thường rất thấp, bình quân một năm Quỹ "Vì người nghèo" ở cấp cơ sở chỉ vận động được từ 1 - 1,5 triệu đồng. Sau 10 năm, một số nội dung trong quy chế quản lý, sử dụng Quỹ không còn phù hợp, gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình áp dụng thực hiện. Chẳng hạn, quy chế quy định kinh phí quản lý quỹ không vượt quá 5% nhưng thực tế nhiều địa phương vẫn phải chi vượt, nguyên nhân là do các bước triển khai thực hiện cuộc vận động (khảo sát, bình xét hộ nghèo, kiểm tra, giám sát…). Mặt khác, hiện nay mức hỗ trợ xây mới một nhà đại đoàn kết từ Quỹ "Vì người nghèo" mới ở mức 15 triệu đồng/nhà. Với mức hỗ trợ này, trong trường hợp người nghèo nhận thêm được sự hỗ trợ của người thân, cộng đồng khu dân cư, chất lượng nhà xây mới sẽ được đảm bảo. Nếu chỉ với 15 triệu đồng, trong điều kiện giá cả nguyên vật liệu hiện nay, việc xây dựng rất khó thực hiện, hoặc chất lượng nhà xây sẽ không đảm bảo. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" trên địa bàn tỉnh, trước hết cần chú trọng, đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân ý thức, trách nhiệm tham gia ủng hộ, giúp đỡ người nghèo. Các cấp uỷ Đảng trong tỉnh cần coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá bằng các chỉ thị, nghị quyết gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát. Cần có sự nghiên cứu, chỉ đạo thống nhất các cuộc vận động liên quan đến người nghèo về một đầu mối tập trung, tránh việc cùng lúc phát động nhiều cuộc vận động quyên góp gây phiền hà trong nhân dân, doanh nghiệp. Cùng với việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo xây mới, nâng cấp nhà ở, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh cần quan tâm hỗ trợ người nghèo học nghề, vay vốn phát triển sản xuất, coi đây là giải pháp giúp người nghèo thoát nghèo bền vững. Quan trọng hơn, để góp phần thực hiện thành công mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng, bản thân người nghèo cần có sự nỗ lực, ý chí vươn lên thoát nghèo, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại./.

Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com