Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những biện pháp quan trọng giúp ngăn ngừa, hạn chế các loại sâu bệnh, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cho các loại cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay vì lợi ích kinh tế, không ít cơ sở kinh doanh cũng như nông dân sẵn sàng bán các loại thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc sử dụng một cách thái quá, gây ảnh hưởng tới môi sinh và sức khoẻ cộng đồng. Làm thế nào để hạn chế việc sử dụng, kinh doanh thuốc BVTV tràn lan đang là một bài toán khó đối với các cơ quan quản lý cũng như người nông dân ?!
I. Kinh doanh, sử dụng tràn lan thuốc BVTV không rõ nguồn gốc
Đại lý thuốc BVTV, phân bón của chị Vũ Thị Lụa, xã đồng Sơn (Nam Trực) có giấy phép của Chi cục BVTV tỉnh, chuyên cung ứng cho bà con nông dân, đảm bảo chất lượng.
Ảnh: Đức Đạt
|
Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc BVTV có vai trò quan trọng đối với các loại cây trồng bởi nhiều dịch bệnh gây hại diễn biến ngày càng phức tạp. Riêng trên cây lúa, từ khi ngâm ủ thóc giống tới khi thu hoạch cũng có hàng chục loại sâu, bệnh gây hại khác nhau như sâu: cuốn lá, đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng; các bệnh: đạo ôn, khô vằn, bạc lá, nghẹt rễ, lùn sọc đen, đen lép hạt… Đối với các loại cây màu: lạc, ngô, khoai… thường có các đối tượng gây bệnh: sâu xanh, sâu xám, sâu khoang, sâu cuốn lá, sâu đục quả, rệp, bệnh gỉ sắt, đốm nâu, đốm lá, khô vằn, thối thân, héo xanh, xoắn lá, nấm… Nếu không được phun thuốc phòng trừ đúng cách và kịp thời, các đối tượng gây hại này sẽ gây ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng và làm thiệt hại kinh tế của người nông dân. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều loại thuốc BVTV với mẫu mã, công dụng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nông dân. Nhà nước xác định thuốc BVTV là hàng hóa có tính độc hại và có những quy định cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, qua đó nâng cao hiệu quả trong phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khoẻ của người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV phải có đầy đủ các điều kiện như: chứng chỉ hành nghề, đăng ký kinh doanh, hoá đơn chứng từ để chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, cam kết bán thuốc theo danh mục cho phép… Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có không ít cơ sở, đại lý, kinh doanh đã tìm cách đưa ra thị trường các loại thuốc BVTV giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, thuốc đã quá hạn sử dụng, thuốc ngoài danh mục không được Nhà nước cho phép lưu hành trên thị trường... Qua khảo sát tại một số địa bàn các huyện: Nam Trực, Xuân Trường, Vụ Bản, Ý Yên… chúng tôi nhận thấy, tại nhiều đại lý, cửa hàng bên cạnh việc bày bán các loại thuốc BVTV của các hãng có uy tín, vẫn bày bán khá "công khai" các loại thuốc không đúng quy định. Tại một cửa hàng bán thuốc BVTV thuộc địa bàn xã Nam Thanh (Nam Trực), chúng tôi được người bán hàng giới thiệu một loại thuốc BVTV dạng bột được chia thành nhiều gói nhỏ (mỗi gói chỉ bằng túi bột canh trong gói mỳ tôm) đóng trong hộp giấy màu vàng. Quan sát kỹ, chúng tôi thấy chữ in trên mặt túi thuốc hoàn toàn là chữ Trung Quốc và không có nhãn, mác hoặc bất cứ một thông tin nào bằng tiếng Việt; không có cả ngày sản xuất và hạn sử dụng. Khi được hỏi về tác dụng của loại thuốc này, chị bán hàng "quảng cáo" đây là loại thuốc bán khá chạy vì "giá rẻ, hiệu quả cao" (10 nghìn đồng/gói) không chỉ có tác dụng phòng trừ nhiều loại bệnh gây hại trên cây trồng, đồng thời "siêu" kích thích hạt giống nảy mầm, cây ra rễ, đâm chồi, đẻ nhánh và vươn dài… Đặc biệt, loại thuốc này rất "thích hợp" với các loại rau muống, rau cần, rau húng, rau mùi tàu, cần tây... Nếu muốn rút ngắn thời gian sinh trưởng và phát triển của các loại rau, chỉ cần dùng một gói nhỏ pha với một phần tư lít rượu hoặc cồn, để qua đêm rồi pha với 30-40 lít nước là đủ để dùng phun cho 2-3 sào rau. Trong thời gian 5-7 ngày có thể cho thu hoạch một lứa. Tại một cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV ở đường 12 thuộc địa bàn xã Yên Mỹ (Ý Yên) chúng tôi được người bán hàng đưa cho xem nhiều loại thuốc BVTV khác nhau, trong đó có những loại thuốc không có nhãn, mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ và các thông tin liên quan. Các loại thuốc này được người bán hàng tự đóng thành từng gói đựng trong túi nilon hoặc trong chai thủy tinh, trên bao bì in toàn chữ Trung Quốc, nhãn mác nhập nhèm, rách tả tơi do không được bảo quản đúng cách… Theo người bán hàng có loại thuốc được pha với nước để phun trực tiếp lên lá; có loại thuốc dùng để bơm trực tiếp vào thân cây hoặc rắc dưới gốc, tuỳ theo mỗi loại cây khác nhau, có "hiệu quả tức thì, phun cho rau thì màu rau luôn tươi đẹp, xanh mỡ màng, đồng thời kích thích cây nẩy mầm và đẻ nhánh nhanh, chỉ sau 5-7 ngày đã có thể cho thu hoạch một lứa. Phun cho cây ăn củ, quả thì xuống củ rất nhanh, củ, quả siêu to, quả sai, năng suất cao…". Giá của các sản phẩm này thường rất rẻ, chỉ 2000-10 nghìn đồng/gói.
Không chỉ đối với các cơ sở, đại lý kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, thuốc không nằm trong danh mục quy định cho phép… mà vấn đề sử dụng thuốc BVTV của nhiều người dân hiện nay cũng còn nhiều điều đáng phải quan tâm. Không khó để có thể nhận thấy rằng, thực tế hiện nay, vì lợi nhuận, một số người đã sử dụng những loại thuốc BVTV không rõ địa chỉ, nơi sản xuất, không có nguồn gốc xuất xứ… vào việc kích thích các loại rau màu và cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh nhằm tạo ra những sản phẩm "đẹp" bán cho người tiêu dùng mà không hề quan tâm tới sự độc hại và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường sống. Tình trạng phun các loại thuốc BVTV kém chất lượng, phun thuốc không theo đúng hướng dẫn sử dụng, tự ý tăng liều lượng, số lần phun thuốc, thậm chí thu hoạch không tuân thủ thời gian cách ly… vẫn đang diễn ra. Chính vì vậy, tình trạng tồn dư thuốc BVTV quá mức cho phép trong nhiều loại rau, củ, quả đang ngày càng trở thành nguy cơ hiện hữu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Bản thân những người sản xuất các loại rau màu cũng nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc làm đó, tuy nhiên vì lợi nhuận họ vẫn cố tình làm. Nhiều gia đình không dám sử dụng các loại rau màu do chính mình trồng để bán mà chỉ sử dụng rau màu trên phần diện tích đất dành riêng để trồng cho gia đình mình, không phun thuốc BVTV hoặc có phun thuốc nhưng thời gian cách ly rất lâu, bảo đảm không có tồn dư thuốc quá giới hạn cho phép.
Bên cạnh đó, thói quen sau khi sử dụng các loại thuốc BVTV rồi vứt bỏ bao bì, chai lọ bừa bãi ngay tại ruộng, ven các kênh, mương, máng… của nhiều người cũng gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái, các loài động vật, côn trùng và làm trơ đất sản xuất. Không khó để nhận ra điều này khi các loài thủy sinh sống trong môi trường nước tự nhiên như: tôm, cua, cá, thậm chí những loài sống khỏe như: đỉa, rắn, ốc… cũng đang dần cạn kiệt. Nhiều khi do vô tình, số chai, lọ sau khi đã qua sử dụng bị vỡ lại trở thành nguyên nhân gây ra những tai nạn thương tâm cho chính người nông dân. Ngoài ra, cách sử dụng, quy trình phun thuốc, phương pháp làm sạch dụng cụ pha chế và bình bơm thuốc BVTV của đa số nông dân vẫn chưa đúng quy trình do không được hướng dẫn cũng là điều rất đáng quan tâm. Nhiều người dân vẫn chủ quan không trang bị quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang, găng tay, ủng… để phòng độc khi pha chế, phun thuốc nên rất nguy hiểm đối với chính bản thân họ./.
(Còn nữa)
Văn Đại và Thanh Thủy