Xây dựng nông thôn mới

01:08, 09/08/2010

Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở kinh nghiệm xây dựng mô hình nông thôn mới (MH-NTM) là cách làm hợp lý nhằm thực hiện Nghị quyết VII của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân có hiệu quả thiết thực hơn. Chính phủ cùng địa phương đã chọn 11 xã điểm thực hiện MH-NTM với 19 tiêu chí. Ngay sau khi có Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg về xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi nằm ngoài phạm vi 11 xã được Chính phủ chọn đã tự chọn xã điểm cho địa phương mình để xây dựng MH-NTM với tiêu chí và bước đi thích hợp.

 

Làng quê Hải Phương (Hải Hậu).   Ảnh: Dương Đức
Làng quê Hải Phương (Hải Hậu).       Ảnh: Dương Đức

Kết quả của việc xây dựng MH-NTM toàn diện chỉ có thể từ những kết quả tổng hợp của nhiều ngành, nhiều cấp, có sự đầu tư thỏa đáng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phong trào xây dựng MH-NTM đang nhen lên lần này là có ưu thế tuyệt đối so với nhiều loại mô hình khác ở nông thôn, kể cả những mô hình NTM từ trước đến nay, như mô hình xã Định Công (tỉnh Thanh Hóa) ở những năm 60 thế kỷ trước.

Tôi có dịp được đi tham quan học tập về NTM ở một số nước và trong nước. Tôi cũng có cơ hội tham gia, hoặc trực tiếp chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất ở nông thôn, tất nhiên chỉ về khoa học và công nghệ, như mô hình sản xuất vụ lúa xuân đầu tiên vào năm 1966 trên diện tích cả hợp tác xã Tân Hưng Hòa, huyện Kiến Xương (Thái Bình). Và, mấy thập kỷ gần đây là mô hình sản xuất bằng các loại giống mới ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là những giống lúa dưới 90 ngày sinh trưởng có tên chung là OMCS. So với MH-NTM đang được xây dựng, những mô hình chúng tôi làm được, kể cả mô hình về kinh tế, xã hội mà các viện bạn làm được, chỉ là những viên gạch, và cũng mong trở thành một trong những viên gạch xây dựng MH-NTM. Là vì, cách đặt vấn đề cũng như cách tiếp cận vấn đề xây dựng MH-NTM hiện nay là rộng lớn và sâu sắc hơn nhiều. Xin được chứng minh bằng tóm lược ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước:

Bối cảnh chung hiện nay như TS Ru-đen-rê (CTA-MSCP-TA) khẳng định, Việt Nam đang đạt được sự phát triển chưa từng có trong lịch sử với bước phát triển nhanh và mạnh, tỷ lệ nghèo đói ở một mức độ nào đó giảm mạnh, nhất là trong khu vực hơn 73% dân số sống ở nông thôn. Mặt khác, cũng theo tác giả này và nhiều nhà khoa học, và tổ chức quốc tế như Nhóm hỗ trợ quốc tế (ISG - International Support Group); Diễn đàn các nhà tài trợ cho phát triển kinh tế nông thôn..., thì song song với bước phát triển ấn tượng trên đang nảy sinh nhiều bất cập mới ngày một phức tạp, như tốc độ công nghiệp hóa nhanh nảy sinh sự bất bình đẳng đặc biệt giữa khu vực nông thôn và thành thị về thu nhập cũng như về hạ tầng cơ sở như giao thông, điện, nước và các dịch vụ như y tế, giáo dục, những công trình phúc lợi khác... Những khó khăn vĩ mô đang cản trở phát triển khu vực nông thôn.

Các giải pháp về chính sách, thể chế, theo như báo cáo phát triển nông nghiệp thế giới năm 2008 của Ngân hàng Thế giới (WB) và một số báo cáo khác về chính sách phát triển nông nghiệp châu Á; cách tiếp cận vào các khu vực phát triển nông nghiệp, có thể được tóm lược vào những điểm chính như sau:

1. Phương pháp tiếp cận về chính sách và thể chế, trước hết cần nhận thức về nông thôn trong đó người nông dân là trọng tâm, là chủ thể của phát triển nông thôn và nông nghiệp. Vấn đề này không chỉ liên quan hàng chục triệu nông dân, mà còn liên quan các khu vực phi nông nghiệp, đến toàn thể xã hội.

Nếu coi người nông dân là trọng tâm của phát triển nông thôn và nông nghiệp (thật sự đã và luôn luôn sẽ là chủ thể), mà không tập trung cải thiện đời sống cho nông dân trong phạm vi rộng thì việc xây dựng nông thôn mới không còn ý nghĩa nữa. Có một thời vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, việc cải thiện hệ thống xuất khẩu gạo như thế nào để mang lợi ích nhiều hơn cho người sản xuất còn rất coi nhẹ. Tổ chức quốc tế Unctad hợp tác với Escap, đều thuộc LHQ, đã tổ chức hội nghị ở Băng Cốc từ ngày 3 đến 5-4-2001, với nội dung xuất khẩu nông sản hướng tới lợi ích của người nghèo, trong đó phần lớn là nông dân.

2. Vấn đề lớn nhất của toàn cầu là: an ninh lương thực trong tình hình nhu cầu ngày càng tăng mà đất ruộng lại ngày một thu hẹp do phát triển đô thị, khu công nghiệp và sân golt; biến đổi khí hậu toàn cầu, ngày càng diễn biến phức tạp vừa làm giảm diện tích sản xuất lúa, vừa tạo ra điều kiện ngày một khó khăn cho sản xuất lúa; và cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vừa qua. Tất cả đều không phải nông dân gây ra, nhưng người nông dân phải hứng chịu hậu quả sớm nhất, nhiều nhất, và nặng nề nhất.

Thủ tướng Chính phủ đã cho rằng, an ninh lương thực nói riêng và nông nghiệp nói chung ở Việt Nam ta đã làm giảm tối thiểu tác hại đến Việt Nam từ khủng hoảng kinh tế thế giới từ phố Uôn bên Mỹ. Các nhà khoa học và giới quan chức cùng có nhận thức đúng đắn như trên, đã thể hiện bằng những bài phát biểu và bài viết với nội dung là người nông dân đều phải hứng chịu sớm nhất và nhiều nhất những hậu quả do các nước phát triển, do tầng lớp những người có thu nhập cao gây ra. Thế nhưng, quá trình khắc phục những hậu quả trên lại do những người nông dân đứng hàng đầu.

3. Mặc dù đã có Nghị quyết VII của Đảng rõ ràng và công bằng đối với nông dân, nhưng vẫn còn có những nhận thức và việc làm không theo tinh thần nghị quyết. Sau khi Nghị quyết VII ban hành, một số ký giả và chuyên gia kinh tế cho rằng, cần gì phải làm để tăng sản lượng lúa cho xuất khẩu đến 6 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho toàn thế giới! Sao không đầu tư phát triển các ngành khác thu lời nhiều mà đầu vào ít, như du lịch, sản xuất phần mềm máy tính... TS Trần Văn Đạt chuyên gia của FAO ở I-ta-li-a, sau khi tìm hiểu tình hình ở Tiền Giang và Vĩnh Long thuộc ĐBSCL cũng nhận thấy ở nhiều nơi hiện ta chưa có hoạt động kinh tế nào hơn tăng năng suất và tăng vụ lúa gạo, giảm sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL là giảm thu nhập của nông dân vốn đã rất nghèo khó, vì làm màu thì vừa khó bán, vừa khó bảo quản.

4. Vai trò của "bốn nhà - Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông là trung tâm" có lẽ cũng là cách làm tốt nhất. Được biết, tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang được chọn xã điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều người dân tộc thiểu số, vùng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống. Trung ương đầu tư vốn khoảng 30 tỷ đồng/xã; tỉnh đóng góp thêm gấp khoảng bốn lần. Trao đổi ý kiến với một số cán bộ thực hiện ở địa phương, thì việc tranh thủ được số vốn lớn cho MH-NTM đã rất khó, sử dụng vốn đó cho có hiệu quả càng khó hơn nhiều, ngay cả trong việc chọn bước đi thích hợp với tính khả thi cao nhằm đạt hiệu quả cao, nếu không lại rơi vào tình trạng duy lý trí và hình thức.

Tại xã điểm ở Gò Quao, Kiên Giang, Viện Lúa ĐBSCL tham gia một khâu sản xuất lúa, tuy chưa thu hoạch vụ đầu, nhưng có tác dụng, vì là bước đi và người thực hiện thích hợp./.

GS, TS NGUYỄN VĂN LUẬT
theo Báo Nhân Dân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com