Việc phát triển các làng nghề, ngành nghề ở nông thôn từ lâu đã được tỉnh ta xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn. Hiện nay, cùng với việc tập trung triển khai Đề án thí điểm "Xây dựng nông thôn mới", việc phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề ở nông thôn càng trở nên cần thiết và cần có các giải pháp đồng bộ, lâu dài, hiệu quả nhằm góp phần hiện thực hoá các mục tiêu xây dựng nông thôn mới…
Lợi thế từ làng nghề
Sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ ở làng nghề Ninh Xá, xã Yên Ninh (Ý Yên). Ảnh: Thu Hà |
Để nhân rộng ngành nghề ở nông thôn
Với những hiệu quả kinh tế - xã hội các làng nghề đang mang lại cho thấy sự cần thiết phải phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Càng cần thiết hơn khi xét về số lượng số các làng nghề, làng có nghề vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số các đơn vị thôn, làng trong tỉnh. Hầu hết các làng quê trong tỉnh vẫn còn là làng thuần nông, tốc độ phát triển kinh tế chậm, cơ cấu kinh tế đơn điệu, tỷ lệ lao động không có nghề, thiếu việc làm còn cao. Để đảm bảo cuộc sống, rất đông lao động khu vực nông thôn trong tỉnh đang phải tìm cách "đổ" về các đô thị tìm kiếm việc làm thêm, để lại nhiều hệ lụy xã hội phức tạp… Tuy nhiên, để duy trì được nghề mới ở một địa phương không đơn giản, đòi hỏi phải có một kế hoạch tổng thể, trong đó không thể bỏ qua các khâu: Khảo sát khả năng, nhu cầu của các địa phương; công tác dạy nghề, truyền nghề; tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó khâu đào tạo, truyền nghề có vai trò đặc biệt quan trọng. Hiện tỉnh ta đang tập trung triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, toàn tỉnh có hơn 10 nghìn lao động có nhu cầu học nghề, tập trung ở khu vực nông thôn. Lao động ở nông thôn rất đa dạng, nhu cầu, khả năng nhận thức, độ tuổi… khác nhau. Chính vì vậy, việc tổ chức dạy nghề theo hình thức tập trung, trường lớp bài bản sẽ không phát huy hiệu quả. Hình thức phù hợp nhất là tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn dân cư nơi người dân sinh sống, dạy nghề gắn liền với sản xuất, vừa học vừa làm; phát huy vai trò của các nghệ nhân, thợ lành nghề… Với hình thức này, mỗi năm, Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng đã dạy nghề cho gần 2000 lao động nông thôn trong huyện. Cũng với phương châm "dạy nghề tại chỗ", "cầm tay chỉ việc", 5 năm qua, trung tâm đã góp phần phát triển, nhân cấy thành công nghề trồng nấm, một nghề có chi phí sản xuất thấp, tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp, hiệu quả kinh tế cao ở 14 xã, thị trấn trong huyện. Cùng với các khâu dạy nghề, tổ chức sản xuất, khâu tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa quyết định sự tồn tại phát triển của ngành nghề. Thực tế cho thấy, các hộ sản xuất ở làng nghề không thể tự tiêu thụ sản phẩm mà cần phải có các doanh nghiệp đủ mạnh đứng ra đảm nhận khâu này. Tiêu biểu là việc nhiều làng nghề dệt trong tỉnh thời gian qua đã khôi phục, phát triển, mở rộng sản xuất là nhờ có các doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối thu mua sản phẩm. Điều đó cho thấy cần phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong việc phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề ở nông thôn.
Từ những phân tích trên cho thấy, để đạt được các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề nông thôn cần phải có quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương cần tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển CN-TTCN, thành lập các ban chỉ đạo phát triển CN-TTCN, ngành nghề ở các xã, thị trấn. Tích cực triển khai các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN đã được ban hành. Lựa chọn, xác định được ngành nghề địa phương có tiềm năng lợi thế. Tranh thủ, tập trung các nguồn lực về đầu tư, phát triển ngành nghề ở địa phương. Chú trọng công tác đào tạo, truyền nghề cho người lao động. Đặc biệt, cần khuyến khích thành lập các doanh nghiệp đầu mối, đảm nhận khâu tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn./.
Trần Duy Hưng