Những ngày Tháng Tám năm ấy

09:08, 20/08/2010

Ngày 19.8.1945, hơn 10 vạn quần chúng thủ đô Hà Nội đã tham gia mít tinh mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. (ảnh: Internet)
Ngày 19.8.1945, hơn 10 vạn quần chúng thủ đô Hà Nội đã tham gia mít tinh mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. (ảnh: Internet)
Cuối năm 1943, đầu năm 1944, khi cao trào cách mạng đang sục sôi khắp các địa phương trong tỉnh, tôi hăng hái tham gia vào tổ chức Thanh niên cứu quốc của thành phố Nam Định với mong mỏi cùng với các thanh niên, học sinh của thành phố đóng góp một phần công sức của mình cho cách mạng. Đoàn thanh niên cứu quốc khi ấy đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực nhằm vạch trần, tố cáo tội ác của kẻ thù và động viên tinh thần cách mạng trong các tầng lớp nhân dân như: Tổ chức những cuộc tranh luận trong thanh niên, học sinh vạch trần những luận điệu thân Nhật, phục Nhật, đả phá tư tưởng hoài nghi dao động và những luận điệu mê hoặc quần chúng. Đặc biệt đầu năm 1945, trước sự đàn áp bóc lột dã man của quân thù, bọn chúng bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, gai, thầu dầu và thiên tai liên tiếp xảy ra gây nên nạn đói khủng khiếp. Ở thành phố Nam Định (đặc biệt là khu vực ngoại thành) người đói, người chết đói nằm nhan nhản khắp vỉa hè góc phố. Trước tình hình đó, Đoàn thanh niên cứu quốc của thành phố tập hợp nhau tham gia đi cứu đói. Chúng tôi chia thành 2 tổ đi "khất thực" đến các gia đình ở các khu phố vận động bà con quyên góp mỗi gia đình một nắm cơm chia sẻ với những bà con gặp khó khăn, sau đó ra khu vực nhà thờ Khoái Đồng để "phát chẩn".

Giữa năm 1945, bất chấp sự đàn áp, khủng bố gay gắt của kẻ thù, tinh thần cách mạng của nhân dân Thành Nam vẫn sục sôi từ nội thị ra ngoại thành với khí thế sẵn sàng nổi dậy. Hưởng ứng Lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa Trung ương và Ban Cán sự tỉnh, đêm 20-8-1945, hàng ngàn người dân của thành phố Nam Định tham gia mít tinh ở khu vực Chợ Rồng. Với cờ đỏ sao vàng giương cao, chúng tôi hòa vào dòng người dài hàng cây số đi diễu hành dọc các khu phố Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, phố Khách..., đi đến đâu, bà con ở khu phố đó đã chuẩn bị sẵn cờ đỏ sao vàng nối tiếp vào đoàn người, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập muôn năm", "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm". Một không khí hừng hực sục sôi cổ vũ cho ngày "trọng đại" giành chính quyền về tay nhân dân và thị uy kẻ thù khiến tinh thần chúng hoang mang rệu rã, không còn ý chí chiến đấu.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng kế hoạch và sự phối hợp của Đội tuyên truyền vũ trang Bắc bộ phủ, chiều ngày 21-8-1945, cả thành phố là một rừng cờ đỏ sao vàng, hàng vạn quần chúng bao gồm đủ các giai cấp, các tầng lớp - đông đảo hơn cả là lực lượng anh chị em công nhân và nông dân ngoại thành, hàng ngũ chỉnh tề, từ các ngả đường rầm rập tiến về khu vực dốc Lò Trâu tập trung trước lễ đài. Cuộc mít tinh bắt đầu bằng lễ chào cờ, nhạc tiến quân ca vang lên, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật trước gió, hàng vạn quần chúng hàng ngũ trật tự, đứng im lặng lắng nghe giờ phút độc lập đầu tiên của đất nước, nhiều người sung sướng cảm động đến trào nước mắt. Tại lễ đài, đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Sau đó cuộc mít tinh chuyển thành biểu tình tuần hành, lực lượng cách mạng phân công nhau tỏa đi chiếm dinh Tỉnh trưởng, trại Bảo an binh, Sở Liêm phóng cùng các công sở khác./.

 (Theo lời kể của Đại tá Trần Chi,
phường Thống Nhất, thành phố Nam Định - Cựu chiến sỹ của trung đoàn 34 Tất Thắng)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com