Cải cách hành chính công nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính. Thực hiện "Đề án 30" (Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 1-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh ta đã đơn giản hoá được 866 thủ tục hành chính (bằng 63% tổng số thủ tục hành chính đang áp dụng tại tỉnh ta) được đánh giá là bước tiến vượt bậc về cải cách hành chính, tạo dư luận phấn khởi trong nhân dân. Tuy nhiên, khi đã tạo được bước đột phá, phải đồng thời củng cố những kết quả cải cách hành chính đã đạt được trước đó; trong đó có việc triển khai cơ chế dịch vụ hành chính công (mô hình "một cửa"). Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn cũng như phản ánh của nhân dân, "một cửa" cấp xã - mô hình trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính ở cấp cơ sở gần dân nhất hiện nay đang có những dấu hiệu đi xuống.
Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm giao dịch hành chính “Một cửa” TP Nam Định.
Ảnh: Xuân Thu
|
Ngay sau khi Kế hoạch số 82/VP8 ngày 24-4-2005 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện cơ chế "một cửa" tại UBND cấp xã ban hành, đến hết tháng 9-2005 hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đưa mô hình "một cửa" vào hoạt động. Những con số về giải quyết thủ tục hành chính cấp xã theo mô hình "một cửa" trong 3 năm đầu là rất đáng khích lệ, tạo sự ủng hộ trong nhân dân. Trong 3 năm (2005, 2006, 2007), cấp huyện đã giải quyết tổng số khoảng gần 60 nghìn bộ thủ tục hành chính về 4 lĩnh vực chứng thực, đăng ký kinh doanh, lao động, thương binh và xã hội, đất đai... Trong đó, "một cửa" cấp xã trực tiếp giải quyết trên 60% tổng số hồ sơ, thủ tục hành chính. Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 79/NĐ-CP phân cấp, đưa lĩnh vực chứng thực văn bản tài liệu tiếng Việt về giải quyết tại cấp xã thì cơ bản, "một cửa" cấp xã đã đóng vai trò chính yếu trong giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/2007/QĐ-TTg ngày 1-8-2007 về việc trung tâm "một cửa" thường trực ngày thứ 7 để giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân và tổ chức. Về phía tỉnh, sau khi ban hành hệ thống cơ chế, chính sách, đầu tư đối với "một cửa" cấp xã, Sở Nội vụ đã tiến hành đào tạo, tập huấn 100% cán bộ trung tâm "một cửa" cấp xã ở thời điểm triển khai mô hình và sau đó tập huấn bổ sung cho 230 cán bộ "một cửa" cấp xã vào năm 2008.
Tuy nhiên, mô hình "một cửa" cấp xã đã có những dấu hiệu rệu rã từ năm 2008. Qua kiểm tra việc thực hiện cơ chế "một cửa" của Sở Nội vụ vào giữa năm 2008 cho thấy, "một cửa" cấp xã ở một số địa phương đã bộc lộ những hạn chế, kém hiệu quả. Cụ thể, tại 20 xã, phường, thị trấn được kiểm tra, chỉ có các xã Mỹ Xá (TP Nam Định), Cộng Hoà (Vụ Bản) là đảm bảo về diện tích và trang thiết bị như quy định; còn lại 18 xã, phường, thị trấn khác đều có trung tâm "một cửa" với diện tích chật hẹp, trang bị sơ sài, chưa có máy vi tính, máy photocoppy, thậm chí thiếu cả trang thiết bị tối thiểu như bàn ghế, tủ tài liệu. Nhiều nơi bố trí "một cửa" làm việc chung với phòng tiếp dân, phòng làm việc của cán bộ UBND xã như Yên Phong (Ý Yên), Trực Thanh (Trực Ninh), Hải Long (Hải Hậu), Nam Giang (Nam Trực), phường Vị Hoàng (TP Nam Định)… Về nhân sự, có 10% cán bộ chuyên môn của "một cửa" cấp xã chưa được đào tạo, làm việc theo kinh nghiệm, việc quản lý hồ sơ, ghi chép sổ sách chưa được đảm bảo. Nhiều trung tâm sai hẹn trả hồ sơ cho công dân, không mở cửa vào ngày quy định, cán bộ trực bỏ đi làm việc khác, không tuân thủ đúng quy trình đã niêm yết.
Tiếp dân tại Trung tâm giao dịch hành chính một cửa huyện Nam Trực.
Ảnh: Dương Đức
|
Mặc dù, Sở Nội vụ đã có công văn đôn đốc về việc tăng cường hiệu quả, bảo đảm nền nếp của các trung tâm "một cửa" cấp xã, nhưng thực tế cho đến nay, ngoài các trung tâm "một cửa" ở các phường thuộc thành phố Nam Định có chuyển biến thì "một cửa" ở các xã, thị trấn hầu như không có động tĩnh gì. Thành phố Nam Định có 25 phường, xã hầu hết các trung tâm "một cửa" đều duy trì hoạt động nền nếp, hiệu quả. Theo báo cáo sơ lược, mỗi năm TP Nam Định giải quyết khoảng trên 20 nghìn bộ hồ sơ, thủ tục của tổ chức và người dân. Trung tâm "một cửa" của thành phố Nam Định đã đầu tư, trở thành trung tâm duy nhất của toàn tỉnh hoạt động theo tiêu chí "hiện đại" và là một trong những trung tâm có trang thiết bị, quy trình hoạt động, năng lực nhân sự dẫn đầu toàn quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng hồ sơ, thủ tục giải quyết tại "một cửa" của các phường, xã lại chiếm đến gần 80% do người dân vẫn muốn đến UBND phường để thuận lợi cho việc đi lại mà hiệu quả giải quyết thủ tục cũng giống nhau. Để làm được điều đó, các phường đều dành vị trí, phòng làm việc riêng biệt cho trung tâm "một cửa", trang bị cơ bản đầy đủ trang thiết bị, điều kiện làm việc. Phường Vị Hoàng năm 2008 chưa bố trí được địa điểm riêng, nhưng đến nay, dù vẫn trong điều kiện UBND phường còn chật hẹp, chưa xây sửa được nhưng cũng bố trí khu vực riêng biệt, đủ diện tích theo quy định cho trung tâm "một cửa". Tại phường Bà Triệu, dù vào ngày thứ 7 nhưng "một cửa" vẫn tấp nập người ra vào. Lãnh đạo UBND phường cho biết quy định làm việc tại "một cửa" ở phường vào thứ 7 được thực hiện nghiêm túc, cán bộ không chỉ phải đảm bảo lịch trực, trả hồ sơ đúng hẹn mà còn phải nghiêm túc về trang phục, biển hiệu. Trong dịp Đại hội Đảng bộ thành phố vừa qua, ở các phường, xã đều có biến động về cán bộ phụ trách, cán bộ trực tại "một cửa", nhưng ngay sau đó, 100% số cán bộ được thay thế đã được cử đi tập huấn chuyên môn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tại "một cửa". Tại "một cửa" thành phố, UBND thành phố Nam Định đã giao cho lãnh đạo các phòng, ban chức năng phải bố trí lịch trực, ký duyệt hồ sơ, thủ tục từ "một cửa" cấp xã, phường chuyển lên để kịp trả cho nhân dân đúng hẹn...
Nếu như trung tâm "một cửa" ở các phường thuộc địa bàn thành phố Nam Định ngày càng được củng cố, hoạt động hiệu quả thì trung tâm "một cửa" ở các xã, thị trấn trong tỉnh lại đang có biểu hiện buông lỏng. Chị Phạm Thị Thanh (Nam Trực) bức xúc: "Tôi xin chứng thực học bạ và chứng nhận lý lịch cho con đi nhập học suốt một tuần nay không xong. Lúc thì cán bộ văn phòng xã đi vắng. Nộp được, đến hẹn lên lấy thì chưa xong vì lãnh đạo xã đi học, chưa ký được...!". Tại "một cửa" xã Q.T (Vụ Bản), cửa trung tâm vẫn mở nhưng không có người trực, sau gần nửa tiếng ngồi chờ, ông Phạm Văn Bình và hai người dân khác đi tìm và gặp cán bộ trung tâm đang uống trà ở... ngay phòng bên cạnh. Tại một số trung tâm "một cửa" đã bị kiểm tra, phát hiện thiếu sót năm 2008, tình trạng chật chội, thiếu thốn đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Chính vì vậy, thống kê cho thấy năm 2009, lượng hồ sơ, thủ tục giải quyết tại "một cửa" cấp xã ở nhiều huyện liên tục giảm. Lý giải về sự kém hiệu quả nêu trên, lãnh đạo UBND các xã đều cho rằng do thiếu kinh phí, không đầu tư cho "một cửa". Đối với sự vắng mặt của cán bộ trực thì do "có quá nhiều việc, không thể thường xuyên túc trực" và "thiếu chế độ trợ cấp, chỉ làm kiêm nhiệm nên không tha thiết, gắn bó với trung tâm "một cửa"...
Những vấn đề nêu trên cho thấy việc triển khai mô hình giao dịch hành chính công ở cấp xã có hoạt động hiệu quả hay không là do cấp uỷ, chính quyền huyện, xã đó có quan tâm hay không chứ không phụ thuộc nhiều vào các tác động khách quan. Để chấn chỉnh, phát huy hiệu quả, vai trò của "một cửa" cấp xã, tỉnh và các cơ quan chức năng cần tập trung chỉ đạo, rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của mô hình "một cửa" ở từng đơn vị cấp xã, từ đó ban hành cơ chế, quyết định thống nhất, đồng bộ hoá với toàn bộ 229 trung tâm "một cửa" cấp xã. Bên cạnh sự đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, cần có quy chế về trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền cũng như đội ngũ cán bộ chuyên môn đối với hiệu quả hoạt động của trung tâm "một cửa". Nếu đưa được hoạt động của "một cửa" cấp xã nói riêng, mô hình "một cửa" nói chung đi vào nền nếp, ổn định thì với kết quả cải cách thủ tục hành chính theo "Đề án 30", có thể hoàn toàn tin tưởng nền hành chính công của tỉnh ta sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Hoàng Vũ