Lò gạch thủ công ở xã Hải Minh (Hải Hậu).
Ảnh: Dương Đức
|
Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, một số cơ sở kinh doanh lớn "găm hàng" tạo sự khan hiếm ảo, một số lò gạch thủ công ở các địa phương đã cam kết ngừng hoạt động tổ chức sản xuất trở lại. Đến đầu năm 2009, theo số liệu khảo sát của Dự án "Sản xuất gạch bền vững tại Việt Nam", toàn tỉnh phát sinh thêm trên 200 lò thủ công, dã chiến, nâng tổng số lò đang hoạt động lên trên 560 lò. Trong đó, huyện có số lượng nhiều nhất là Trực Ninh 135 lò; Giao Thuỷ 129 lò; các huyện có trên 60 lò là: Vụ Bản 66 lò, Nghĩa Hưng 65 lò, Hải Hậu 61 lò... Các xã còn nhiều lò thủ công, lò dã chiến là: Giao Hà (Giao Thuỷ) 49 lò, Giao Lạc (Giao Thuỷ) 32 lò; Hải Minh (Hải Hậu) 35 lò; Trực Hùng (Trực Ninh) 35 lò, Trực Đại (Trực Ninh) 31 lò; Tam Thanh (Vụ Bản) 24 lò... Ngoài ra, rải rác ở các địa phương vẫn còn tồn tại các lò gạch dã chiến thường sản xuất vào thời điểm thu hoạch vụ lúa mùa xong. Tổng sản lượng của các lò thủ công năm 2008 là trên 274 triệu viên, năm 2009 khoảng 300 triệu viên.
Hoạt động tự phát của các lò thủ công, lò dã chiến gây ô nhiễm môi trường và để lại nhiều hệ luỵ như: tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi, thất thu thuế, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân... Thời điểm phải hoàn thành lộ trình xoá bỏ lò gạch thủ công theo Quyết định 115 của Thủ tướng đã cận kề. Để hoàn thành lộ trình xoá bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các huyện tổ chức nhiều đợt kiểm tra, khảo sát thực tế trên địa bàn và chỉ đạo không cho xây dựng thêm các lò gạch thủ công. Tuy nhiên, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều lao động nông thôn mất việc làm và do tính cơ động của lò gạch thủ công nên thời gian qua, các lò gạch thủ công vẫn tồn tại và hoạt động. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các ngành chức năng vẫn thiếu đồng bộ, chưa triệt để trong việc kiểm tra, kiểm soát và xây dựng chế tài hạn chế, xử lý nghiêm các hành động cố tình vi phạm. Mặt khác, ở một số địa phương vì áp lực phát triển kinh tế và giải quyết nhu cầu việc làm, xây dựng cơ bản tại chỗ nên vẫn còn tình trạng làm ngơ cho các lò gạch thủ công hoạt động. Thiết nghĩ đã đến lúc cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp, trong đó chủ đạo là vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết giải toả, tháo dỡ, để thực hiện đúng lộ trình xoá bỏ lò thủ công trên địa bàn trong năm 2010./.
Thành Trung