Để thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề hiện đang dịch chuyển từ quy mô nhỏ, lẻ sang sản xuất hàng hoá với số lượng lớn và chất lượng được tiêu chuẩn hoá. Trong các làng nghề đã xuất hiện nhiều xưởng sản xuất với quy mô hàng trăm đến cả nghìn thợ. Các hộ sản xuất trong làng nghề vừa sản xuất theo đơn hàng nhỏ riêng, vừa gia công cho các doanh nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, thẩm mỹ và độ tinh xảo, các hộ sản xuất trong làng nghề ngày càng có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, công tác đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực làng nghề của tỉnh ta trong những năm vừa qua còn nhiều hạn chế.
|
Dạy nghề may công nghiệp cho học viên tại Trường trung cấp cơ điện Nam Định. Ảnh: Xuân Thu |
Trên thực tế, từ năm 2006-2009, bình quân mỗi năm toàn tỉnh có 20700 người được đào tạo tại các cơ sở dạy nghề, tập trung ở thành phố Nam Định. Các trường dạy nghề chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy nghề cho lao động làng nghề. Hầu hết các trường đều không có chương trình dạy nghề riêng cho đối tượng lao động làng nghề. Đặc biệt, do hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất của các doanh nghiệp ở làng nghề còn lạc hậu, công nghệ bán thủ công vì vậy không có trường dạy nghề nào có điều kiện tổ chức chương trình thực hành nghề tương xứng với điều kiện sản xuất của các làng nghề. Phần lớn các học viên dù đã đạt chuẩn đào tạo tại các trường nghề chính quy cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi mới tham gia lao động tại làng nghề. Vì vậy, hoạt động đào tạo của các trường dạy nghề hầu như chỉ có tác dụng rất ít đến các lao động làng nghề. Thời gian qua, việc đào tạo lao động làng nghề lại chủ yếu là tại chỗ. Song việc hỗ trợ đào tạo cả về kinh phí, cơ sở vật chất... lại rất ít và không chuyên sâu. Trong chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2006-2009, toàn tỉnh mới chỉ đào tạo ngắn hạn miễn phí được 11300 lao động, đạt khoảng 21% tổng số lao động nông thôn. Trong chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2005-2009, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thực hiện được gần 400 dự án hỗ trợ công tác truyền nghề, dạy nghề, nhân cấy nghề mới và hỗ trợ tổ chức triển lãm, bảo dưỡng kỹ thuật máy móc, vệ sinh môi trường... cho các doanh nghiệp làng nghề với tổng kinh phí là 8,362 tỷ đồng. Tuy nhiên, do số lượng dự án còn dàn trải nên bình quân mỗi dự án chỉ đạt mức kinh phí hỗ trợ từ 20-60 triệu đồng, cao nhất đạt 80 triệu đồng/một dự án có số lượng lao động cần đào tạo lớn vì vậy, thời gian cũng như nội dung đào tạo của dự án không nhiều, hiệu quả đào tạo thấp. Do vậy thiếu hụt lao động có tay nghề tại các làng nghề là một vấn đề bức bách, vô tình đã dồn gánh nặng đào tạo lên vai các doanh nghiệp. Nhiều năm nay, các doanh nghiệp đều chủ động đào tạo nghề cho người lao động theo yêu cầu thực tế. Anh Đặng Văn An, xã Nam Hồng (Nam Trực), người không chỉ có công khôi phục nghề dệt khăn xuất khẩu truyền thống cho xã mà còn trực tiếp truyền, nhân cấy nghề cho nông dân ở nhiều địa phương cùng làm như: Nam Cường, Nam Thanh (Nam Trực); thị trấn Cồn, xã Hải Phương và các đơn vị: Hồng Việt, Hải Hậu 2, Hải Hậu 3 (Hải Hậu); Trực Thành (Trực Ninh)... Anh An cho biết: Kinh phí thực tế để bản thân doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động làm nghề dệt khăn xuất khẩu bình quân chỉ mất khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng/người. Thời gian đào tạo được rút ngắn rất nhiều so với đào tạo tại các trường dạy nghề, chỉ mất khoảng 2 tháng do đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc. Tay nghề của người lao động cơ bản đáp ứng được chính yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp nên chắc sẽ có cơ hội làm việc tại chính doanh nghiệp mình học nghề. Học nghề do doanh nghiệp đào tạo, người lao động có nhiều thuận lợi không chỉ về thời gian mà còn về kinh tế do hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện chế độ khuyến khích, hỗ trợ lương cho người học trên chính những sản phẩm làm thử đạt chất lượng cao. Đánh giá sơ bộ thì việc doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động có thể đem lại lợi ích cho cả 3 phía: người lao động, doanh nghiệp và ngành giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế lại gây ra những tốn kém không nhỏ cho chính doanh nghiệp. Nhiều lao động vì mong muốn có cơ hội làm việc và thu nhập, đã chủ động đăng ký học nghề tại doanh nghiệp nhưng sau khi được đào tạo, nhiều lao động lại không thực sự gắn bó với doanh nghiệp. Họ sẵn sàng bỏ đi làm việc ở các doanh nghiệp khác nếu thấy mức lương cao hơn, thậm chí sẵn sàng bỏ nghề đã học để đi làm nghề mới. Nguyên nhân của vấn đề này do hầu hết người lao động làng nghề chỉ được hưởng chế độ tiền lương tính theo chất lượng sản phẩm mà không được hưởng thêm bất cứ chế độ bảo hiểm nào. Thực tế này khiến doanh nghiệp phải đầu tư nguồn kinh phí không nhỏ cho công tác đào tạo lao động vì phải liên tục đào tạo gối sóng mới đủ lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Có thể khẳng định với các biện pháp, hình thức đào tạo nghề như hiện nay, tỉnh ta vẫn luôn đáp ứng đủ lực lượng lao động cho làng nghề, bởi những năm gần đây nhiều địa phương đã khôi phục được nghề truyền thống, phát triển được nghề mới. Điển hình như các xã: Nam Giang, Yên Tiến, Xuân Tiến, Hợp Hưng, Hoàng Nam, Giao An... Toàn tỉnh đã có 190/196 xã có nghề với 91000 lao động nông thôn. Tuy đã có đóng góp không nhỏ trong tổng giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh, nhưng các doanh nghiệp làng nghề vẫn được ngành Công Thương xác định là chưa khai thác hết tiềm năng nội lực của mình. Thời gian tới để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành chức năng đã có kế hoạch đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho làng nghề. Theo đó, ngành giáo dục đào tạo đã chỉ đạo các trường dạy nghề tăng cường bổ sung, nâng cấp phương pháp, các điều kiện giảng dạy cho lao động làng nghề. Đây là phương pháp tích cực bền vững nhất, bởi phần lớn người lao động gắn bó với doanh nghiệp khi làm nghề đều là những người có lòng yêu nghề và ham muốn được làm nghề ngay trước khi quyết định lựa chọn được học nghề chính quy. Tuy nhiên, các trường dạy nghề cũng tập trung chuyển đổi phương thức đào tạo theo cách hướng về nhu cầu của cơ sở và gắn bó, liên kết đào tạo cùng doanh nghiệp. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, hiện đã được nâng cấp lên cấp vùng phía Bắc, sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo lao động làng nghề theo hướng tập trung vào các dự án tiềm năng, nhiều lao động và có cơ hội đạt chất lượng đào tạo lao động cao...
Nguyễn Thanh Thuý