Thực phẩm tốt nhất giúp hạn chế chứng đau cổ vai gáy

09:24, 28/10/2022

Thời tiết trở lạnh là nguyên nhân gây nên chứng đau cổ vai gáy, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc thường ngày của người bệnh. Ngoài việc dùng thuốc và tập luyện theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng những thực phẩm giúp kháng viêm sẽ hạn chế những cơn đau khó chịu này.

Người bệnh đau cổ vai gáy nên ăn những thực phẩm kháng viêm.
Người bệnh đau cổ vai gáy nên ăn những thực phẩm kháng viêm.

Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ của vùng cổ vai gáy bị co cứng gây nên những cơn đau. Ngoài ra, người bệnh còn bị hạn chế một số vận động như quay cổ, quay đầu. Những cơn đau này thường xuất hiện vào buổi sáng, liên quan đến hệ cơ xương khớp và mạch máu tại vùng vai gáy.

Khi bị đau cổ vai gáy, ban đầu người bệnh chỉ thấy có cảm giác đau nhẹ, mỏi vùng vai gáy. Những cơn đau này sẽ tăng thêm về mức độ và tần suất xuất hiện nếu bệnh kéo dài. Cơn đau càng biểu hiện rõ ràng khi người bệnh lao động nặng, vận động cổ, vai, gáy nhiều.

1. Chế độ ăn ảnh hưởng đến cơn đau và tình trạng viêm như thế nào?

Thực phẩm là một trong những nguồn phổ biến gây viêm, mặc dù nó có thể không phải là yếu tố duy nhất góp phần gây ra cơn đau cổ vai gáy. Một số loại thực phẩm gây ra phản ứng viêm trong cơ thể và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Đó là khi người bệnh tiêu thụ nhiều carbohydrate tinh chế (bánh ngọt, bánh mì trắng, bột mì trắng), thực phẩm chiên rán, nước ngọt và thịt đã qua chế biến. Những thực phẩm này cũng được biết là có thể dẫn đến các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng khác, chẳng hạn như béo phì và bệnh tim.

Mặt khác, thực phẩm chống viêm là thực phẩm có chứa nhiều chất chống ôxy hóa ít gây viêm hoặc không gây viêm. Vì vậy, người bệnh đau cổ vai gáy nên đưa nhiều những thực phẩm này vào chế độ ăn của mình.

2. Thực phẩm tốt nhất cho người bị đau cổ vai gáy

Để giảm viêm và cải thiện vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống, dưới đây là những loại thực phẩm tốt nhất để giảm đau cổ vai gáy

2.1 Trái cây và rau xanh

ThS. Lê Trịnh Thủy Tiên - Hội Dinh dưỡng Lâm sàng TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo, nên đảm bảo ăn mỗi bữa một phần rau và 2-4 phần trái cây mỗi ngày. Những thực phẩm này giàu chất xơ và chất chống ôxy hóa chống viêm, vitamin và khoáng chất.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng chất xơ mà cơ thể có thể nhận được từ đậu và ngũ cốc cũng như trái cây và rau quả, làm giảm một dấu hiệu viêm trong máu được gọi là protein phản ứng C.

Một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giảm 1/3 mức protein phản ứng C của họ.

2.2 Thực phẩm giàu axit béo omega-3

Các axit này có thể giúp giảm các hóa chất gây viêm trong cơ thể. Thực phẩm giàu axit béo omega-3 bao gồm cá hồi, cá thu, cá mòi, quả óc chó, rau lá xanh và hạt lanh.

Uống bổ sung dầu cá cũng có thể là một sự thay thế tuyệt vời nếu bạn không thích ăn cá, nhưng cần dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ.

2.3 Thực phẩm giàu canxi và vitamin D giúp hạn chế đau cổ vai gáy

Theo BS. Trần Linh - Chuyên khoa Xương khớp, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, nguyên nhân gây đau cổ vai gáy có thể do mòn và rách các đốt sống ở cổ, nên việc giữ cho xương càng khỏe mạnh càng tốt. Chính vì vậy, canxi nên là một phần quan trọng trong kế hoạch dinh dưỡng và chế độ ăn hàng ngày. Bổ sung chế độ ăn giàu canxi hỗ trợ người bệnh phục hồi các tổn thương tại sụn khớp, ức chế quá trình thoái hóa, phòng ngừa loãng xương…

Cơ thể cũng cần được cung cấp vitamin D để hấp thụ lượng canxi nạp vào. Khuyến nghị cho một người trưởng thành trung bình là 1.000-1.500mg canxi và 400-800 IU vitamin D mỗi ngày.

Nhiều loại thực phẩm được tăng cường canxi và vitamin D như các loại cá béo, sữa, sữa đậu nành, lòng đỏ trứng, rau xanh, các loại hạt, hải sản có vỏ như tôm, cua…

2.4 Chất béo lành mạnh

Chất béo không bão hòa ít gây ra tình trạng viêm trong cơ thể hơn so với chất béo bão hòa. Vì vậy hãy cố gắng tiêu thụ các nguồn chất béo tốt như dầu ôliu, hạnh nhân, cá béo và hạt lanh. Đồng thời, tránh các chất béo từ bơ thực vật, bơ, pho mát và mỡ lợn. Đây là những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.

2.5 Thịt nạc và thịt trắng

Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có nhiều chất béo bão hòa và dễ làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Thay vì các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu, thịt lợn) và thịt đã qua chế biến (xúc xích, giăm bông, thịt xông khói), hãy chọn thịt nạc, ức gà vào chế độ ăn uống hàng ngày.

2.6 Các loại ngũ cốc nguyên hạt

Carbohydrate tinh chế là thực phẩm gây viêm phổ biến, vì vậy người bị đau cổ vai gáy hãy cố gắng hạn chế tiêu thụ carbs tinh chế. Thay vào đó nên ăn nhiều lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt hơn như bánh mì, mì ống, bột yến mạch và gạo lứt.

2.7 Cây họ đậu

Đậu, các loại hạt và đậu lăng là những nguồn protein thay thế tuyệt vời và cũng chứa nhiều chất chống ôxy hóa. Chúng cũng là một chất thay thế tuyệt vời cho thịt nếu bạn là người ăn chay hoặc thuần chay.

2.8 Uống đủ nước

Không cung cấp đủ chất lỏng vào cơ thể có thể là nguyên nhân gây ra đau cơ. Khi cơ thể bị mất nước (tình trạng mất nước nhiều hơn lượng nước nạp vào), nó có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải và khoáng chất cần thiết cho chức năng bình thường của cơ và thần kinh.

3. Giảm đau cổ vai gáy, những điều cần tránh

Axit arachidonic và các chất béo bão hòa khác có trong thịt và các sản phẩm từ sữa là những khối xây dựng cho phản ứng viêm của cơ thể. Vì vậy, để giảm viêm, cần giảm tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo như bơ và kem.

Hầu hết các loại thực phẩm chế biến sẵn cũng chứa nhiều chất béo này. Thay vì các loại thực phẩm gây viêm nhiễm này, có thể thay thế các nguồn protein khác như cá, các loại hạt và đậu.

Uống rượu và hút thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của xương. Rượu có thể làm mất canxi và magiê trong nước tiểu và khói thuốc lá gây hại cho xương./.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com