Thời tiết đang giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường, nắng hanh khô ban ngày và se lạnh buổi tối kèm theo sương mù sáng sớm. Đây là thời điểm thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ, nhất là ở những bé có hệ miễn dịch yếu; thời gian gần đây tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng.
Trẻ mắc bệnh đường hô hấp đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi tỉnh. |
Tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi tỉnh), mới đầu giờ sáng mà các mẹ đưa trẻ đến khám bệnh đã ngồi chật kín các dãy ghế ở sảnh chờ của Bệnh viện. Chị LHA ở thành phố Nam Định cho biết: Con gái chị 3 tuổi, 4 ngày trước bé bị ho, sổ nghẹt, ngạt mũi, gia đình có cho bé đi khám tại phòng khám tư và uống thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ mà cháu còn bị nôn liên tục nữa nên phải đưa cháu vào bệnh viện. Tại Khoa Hô hấp, chị THM, ở xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) đang chăm sóc con trai 5 tháng tuổi cho biết, trước khi nhập viện 3 ngày, bé xuất hiện dấu hiệu ho, ngạt mũi; gia đình có cho bé đi khám và uống thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Khi thấy bé có biểu hiện thở nhanh, khó thở, gia đình vội đưa bé đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm, chẩn đoán bé bị viêm phổi. Hiện sau 5 ngày điều trị và chăm sóc, tình trạng sức khỏe của bé tiến triển tốt, tuy nhiên vẫn cần phải theo dõi thêm. Tại các phòng khám nhi tư nhân, hàng ngày đến giờ mở cửa đều có hàng chục người cho trẻ đến chờ khám.
Bác sĩ Đinh Công Minh, Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh cho biết: Thời tiết giao mùa là giai đoạn trẻ rất dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp như: viêm họng, viêm amidan, viêm mũi, sổ mũi, nghẹt mũi… Từ giữa tháng 9 đến nay, số trẻ đến khám và nhập viện tăng cao, trong đó phần lớn là trẻ mắc các bệnh đường hô hấp. Trong một tháng qua (từ 20-9 đến 20-10), Bệnh viện Nhi tỉnh khám, điều trị cho 9.669 trẻ, tăng khoảng 40% so với các tháng khác. Riêng trẻ mắc các bệnh hô hấp có 4.905 cháu; gồm các bệnh viêm phế quản, viêm mũi - họng, viêm họng, viêm phổi...; trong đó 1.189 cháu phải nhập viện điều trị nội trú. Ngày cao điểm, Bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho trên 300 trẻ mắc bệnh hô hấp. Ở các cơ sở y tế trong tỉnh, số lượng bệnh nhi mắc bệnh về hô hấp cũng tăng đáng kể. Tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, từ đầu tháng 9 đến nay đã khám và điều trị cho trên 1.200 bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, trong đó: 497 cháu viêm phế quản, tiểu phế quản, 360 cháu nhiễm trùng đường hô hấp trên, 135 cháu viêm phổi, 161 cháu viêm mũi dị ứng…
Bác sĩ Đinh Công Minh cho biết thêm: Một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ nhỏ dễ bị viêm đường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết giao mùa là do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa bảo vệ được cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa thu - đông hoặc xuân - hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm). Khi bị viêm đường hô hấp, trẻ sẽ dễ bị ho, ngứa mũi, chảy mũi, hắt hơi, sốt, đau họng, đôi khi đau tai. Ngoài ra, trẻ còn xuất hiện các triệu chứng ngoài đường hô hấp như: tiêu chảy, nôn, đỏ mắt, mắt tèm nhèm,... Nói chung, các triệu chứng của viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ rất đa dạng và phong phú. Triệu chứng này thường kéo dài 1-2 tuần là khỏi, nhưng nếu không được chăm sóc, theo dõi cũng như điều trị đúng và kịp thời, bệnh dễ tiến triển nặng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của trẻ. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hiền, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi tỉnh cho biết: Ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, bệnh sẽ trở nặng với các biến chứng trầm trọng hơn, đó là tình trạng bội nhiễm kéo theo các bệnh lý khác và có thể dẫn đến tử vong như: viêm màng não, viêm cơ tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp. Cha mẹ cần theo dõi, để ý con thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có hướng cải thiện kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh mắc sai lầm trong việc chăm sóc trẻ bị bệnh đường hô hấp, rất phổ biến là tình trạng tự ý cho con uống kháng sinh vô tội vạ hoặc dùng lại đơn thuốc cũ. Kể cả khi trẻ ho từng tiếng nhưng không sốt, hoặc trẻ sổ mũi nhưng nước mũi trong, bố mẹ đã cho con uống kháng sinh ngay mà không đưa đi khám bệnh, vô tình làm hại sức khỏe con. Khi trẻ bị viêm đường hô hấp cần phải xác định rõ nguyên nhân do vi-rút hay vi khuẩn. Đối với trường hợp viêm đường hô hấp do vi-rút, không nên dùng kháng sinh tùy tiện, có thể làm giảm dần sức đề kháng, làm tăng men gan, gây táo bón, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa vì kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong cơ thể. Việc tự ý dùng kháng sinh cũng là nguyên nhân khiến tình trạng viêm đường hô hấp của trẻ diễn biến nặng hơn. Rất nhiều trường hợp vì không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển từ viêm đường hô hấp trên thành viêm đường hô hấp dưới với những triệu chứng như: khó thở, thở nhanh, thở rít, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi...
Viêm đường hô hấp được chia làm 2 loại là viêm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Viêm đường hô hấp trên thường nhẹ hơn và chủ yếu là do vi-rút hoặc vi khuẩn. Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên, mẹ hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà. Còn nếu trẻ bị viêm đường hô hấp dưới: viêm phổi, viêm phế quản, cần phải đưa trẻ đi khám để xử lý kịp thời. Để chủ động phòng, chống bệnh hô hấp cho trẻ các mẹ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng của trẻ phù hợp; cho trẻ vận động nhiều hơn làm tăng cường hệ miễn dịch, giúp sức khỏe của trẻ tốt hơn; cho trẻ tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên giúp tăng sức đề kháng tự nhiên của cơ thể; đặc biệt là cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch hẹn giúp tăng cường miễn dịch tự nhiên của cơ thể trước vi khuẩn, vi-rút gây bệnh. Các bậc cha mẹ cần có những kiến thức khoa học để nhận biết bệnh đường hô hấp ở trẻ, từ đó có thể chăm sóc con đúng cách cũng như đưa trẻ đi thăm khám, điều trị kịp thời, tránh điều đáng tiếc xảy ra./.
Bài và ảnh: Minh Tân