Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhất là việc xuất hiện biến chủng mới BA.5 của SARS-CoV-2 và đã xâm nhập vào Việt Nam làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trở lại, để tăng cường kiểm soát dịch, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Ảnh: Hải Nguyễn |
Thủ tướng giao cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, hoàn thành theo mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ. Yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương, quyết liệt hơn nữa việc đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh và cho công tác phòng, chống dịch trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra một cách an toàn, khoa học, hiệu quả.
Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện các biến chủng mới, vắc-xin COVID-19 giảm khả năng miễn dịch theo thời gian. Tính đến tháng 2-2022, các mũi tiêm cơ bản vắc-xin ngừa COVID-19 trên cả nước gần như được phủ kín, sau 4 đến 6 tháng, sự miễn dịch trong cơ thể những người được tiêm chủng không còn mạnh như trước. Theo đó, kháng thể chống SARS-CoV-2 của mũi tiêm thứ 3 sẽ suy giảm đáng kể trong khoảng 15 tuần, nhất là kháng thể chống biến chủng Omicron. Việc tiêm vắc-xin mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (gồm cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu: lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp).
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, tốc độ gia tăng số ca mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm; khả năng bảo vệ miễn dịch giảm theo thời gian và độ bao phủ vắc-xin; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam.
Mặc dù số ca mắc, tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng ở một số khu vực dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện các biến chủng mới. Trước đây, chủ yếu lưu hành hai biến thể phụ của Omicron là BA.1, BA.2 thì đến nay, tại một số nước ở châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 và bắt đầu có sự gia tăng về số ca mắc. Thế giới vẫn đang tiếp tục đánh giá tính lây lan của hai biến thể phụ này. Một số đánh giá nhỏ ban đầu cho thấy, hai biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 khoảng 12-13% và sẽ từng bước thay thế chúng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định: Thế giới giới vẫn đang trong đại dịch, Omicron hiện là biến thể phổ biến, nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng. Có thể xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm người dễ bị tổn thương. Vì vậy, các quốc gia cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin, giám sát trọng điểm. Hiện nay, số ca mắc COVID-19 ở châu Âu đã tăng gấp 3 lần trong tháng qua và có thể sẽ ở mức cao trong mùa hè năm nay.
Giới chuyên gia y tế cho rằng làn sóng mới của dịch COVID-19 là do hầu hết các nước đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch để khôi phục và phát triển hoạt động kinh tế - xã hội. Trong khi đó, virus chưa hoàn toàn biến mất mà vẫn tiếp tục biến đổi, khả năng miễn dịch nhờ tiêm phòng trong cộng đồng giảm dần theo thời gian nhưng tỷ lệ tiêm các mũi tăng cường lại ở mức thấp.
Bộ Y tế Việt Nam cũng không loại trừ khả năng trong thời gian tới tình hình dịch COVID-19 ở nước ta có thể diễn tiến như sau: sẽ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn và có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Tại Hà Nội đã xuất hiện 3 ca mắc biến thể BA.5 có lịch sử du lịch về từ các tỉnh phía Nam.
Việc phòng, chống dịch sẽ chú trọng vào 6 giải pháp: bảo đảm đạt tỉ lệ bao phủ vắc-xin phòng COVID-19; kiểm soát sự lây lan của dịch; nâng cao năng lực hệ thống y tế; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch; bảo đảm thông tin, truyền thông phục vụ công tác phòng, chống dịch; bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của nhân dân phù hợp với tình hình mới.
Bộ Y tế nhấn mạnh, vẫn tiếp tục coi vắc-xin là “vũ khí chiến lược”, là yếu tố quyết định, nền tảng, quan trọng đầu tiên trong phòng, chống dịch COVID-19./.
TTXVN