Thành phố Nam Ðịnh chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết

06:07, 18/07/2022

Thành phố Nam Định là nơi mật độ dân cư đông đúc, có nhiều người đi làm ăn tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam về nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm và làm bùng phát dịch bệnh, trong đó có dịch sốt xuất huyết. Theo kết quả điều tra véc-tơ truyền bệnh sốt dengue/xuất huyết dengue tại các phường, xã trên địa bàn trong thời gian qua cho thấy: Các chỉ số của muỗi, bọ gậy gây bệnh đều vượt giới hạn cho phép. Tính đến ngày 10-7, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 14 ca sốt xuất huyết. Trong khi đó, tình hình dịch sốt xuất huyết ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang diễn biến rất phức tạp. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế thành phố Nam Định đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch sốt dengue/xuất huyết dengue trên địa bàn.

Bệnh nhân sốt xuất huyết được cách ly y tế, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Nam Định.
Bệnh nhân sốt xuất huyết được cách ly y tế, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Nam Định.

Ngay từ đầu năm 2022, Trung tâm Y tế thành phố tham mưu với UBND thành phố kiện toàn, củng cố và tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch sốt dengue/xuất huyết dengue. Trung tâm đã xây dựng các kịch bản, đảm bảo chủ động ứng phó với mọi tình huống dịch với các mục tiêu giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch; giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm, hạn chế tối đa dịch xâm nhập và bùng phát trên địa bàn. Tăng cường năng lực hệ thống điều trị để phát hiện sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm biến chứng và giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối. Trung tâm bố trí nhân lực, thành lập các tổ điều trị, đội phản ứng nhanh kịp thời điều tra véc-tơ, xử lý môi trường khi phát hiện ca bệnh; đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch cũng như công tác điều trị, cách ly bệnh nhân trên địa bàn. Đẩy mạnh các hoạt động của đội ngũ chuyên trách phòng chống dịch bệnh của xã, phường; củng cố và duy trì đội ngũ cộng tác viên y tế trong công tác phòng chống dịch. Tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách của Trung tâm Y tế và các trạm y tế xã, phường về kỹ năng giám sát, điều tra dịch tễ (bệnh nhân, huyết thanh, véc-tơ) và thống kê báo cáo, xử lý và truyền số liệu trực tuyến. Tập huấn kỹ thuật phun hoá chất, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng cho cán bộ y tế phường, xã. Tập huấn cho cộng tác viên về công tác phòng chống sốt xuất huyết, kỹ năng phát hiện, xử lý bọ gậy cũng như kỹ năng tuyên truyền, vận động hộ gia đình tham gia phòng chống sốt xuất huyết. Tập huấn cho cán bộ y tế từ thành phố và các xã, phường về kỹ năng chẩn đoán và điều trị nhằm nâng cao kiến thức trong công tác điều trị, không để xảy ra tử vong do sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế thành phố phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; sử dụng pa-nô, áp phích, khẩu hiệu, phát tờ rơi; các cuộc thi tìm hiểu, trò chơi giáo dục, lồng ghép tuyên truyền trong cuộc họp của các ngành, đoàn thể, khu dân cư, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tự phòng bệnh của cộng đồng, cũng như các biện pháp diệt véc-tơ truyền bệnh sốt dengue/xuất huyết dengue, để người dân chủ động trong công tác phòng chống dịch. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam và kết quả giám sát véc-tơ truyền bệnh trên địa bàn của lực lượng y tế thời gian qua; tình trạng một số người dân còn chủ quan, không quan tâm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; UBND thành phố đã phát động chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng. Các phường, xã đồng loạt tổ chức chiến dịch, huy động mỗi gia đình, đơn vị, cộng đồng dân cư tham gia dọn vệ sinh, môi trường, phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng, hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (15-6); tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao và các địa điểm tập trung đông người như: chợ, trường học, bến xe, bệnh viện… Trung tâm Y tế thành phố đã có công văn yêu cầu, hướng dẫn trạm y tế các phường, xã về việc tăng cường giám sát phòng, chống sốt xuất huyết và dịch bệnh do vi rút Zika trong tình hình diễn biến của dịch COVID-19. Định kỳ, Trung tâm cử cán bộ xuống các phường, xã để chủ động giám sát véc-tơ cũng như giám sát vệ sinh môi trường. Các trạm y tế tham mưu với UBND phường, xã triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải ít nhất 2 lần/tháng trong các tháng cao điểm (từ tháng 6 đến tháng 10) nhằm làm giảm nơi sinh sản của véc-tơ truyền bệnh. Đội ngũ cộng tác viên y tế thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các ổ bọ gậy, muỗi truyền bệnh; hướng dẫn các gia đình tự phòng chống sốt xuất huyết, dọn vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, loại trừ bọ gậy. Các trạm y tế tổ chức giao ban thường xuyên với các cộng tác viên để cập nhật tình hình, kiểm tra sổ sách, trao đổi thông tin, kịp thời rút kinh nghiệm và thay đổi nội dung phương pháp hoạt động. Đặc biệt là giám sát chặt chẽ tại các điểm ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết để đảm bảo chủ động 100% các điểm có dịch được xử lý kịp thời trong vòng 24 giờ. Với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, đến nay, thành phố mới ghi nhận 14 ca sốt xuất huyết. Các ca bệnh xuất hiện ở nhiều địa bàn tuy nhiên chưa ghi nhận các ổ dịch lớn. Các bệnh nhân được điều trị nội trú, sức khỏe ổn định.

Để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, trong thời gian tới, UBND thành phố chỉ đạo Trung tâm Y tế, UBND các phường, xã tiếp tục giám sát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, trong đó, đặc biệt chú ý công tác phòng chống sốt xuất huyết, COVID-19; phát hiện sớm và khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra. Đẩy mạnh truyền thông phòng chống sốt xuất huyết nhằm phát hiện sớm các ca bệnh và xử lý kịp thời các ổ dịch; nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng. Mỗi người dân cần tích cực tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh như: Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, dọn vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật liệu phế thải như chai lọ, mảnh sành, vỏ dừa, không để nước đọng cho muỗi đẻ trứng, diệt lăng quăng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà./. 

Bài và ảnh: Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com