Hiện nay, thời tiết thay đổi thất thường là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát thành dịch nếu không kịp thời phòng, chống. Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Đây là bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo.
Điều trị cho trẻ bị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi tỉnh. |
Từ đầu tháng 4 đến nay, thời tiết bất thường, số trẻ đến khám và nhập viện điều trị bệnh nói chung và bệnh tay chân miệng nói riêng tại Bệnh viện Nhi tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố có xu hướng tăng. Tại Bệnh viện Nhi tỉnh, trong tháng 4 đã khám, điều trị cho 6.629 trẻ, trong đó điều trị nội trú cho 891 trẻ; từ tháng 5 đến nay khám, điều trị cho 9.896 trẻ, trong đó điều trị nội trú cho 1.188 trẻ. Riêng trẻ mắc bệnh tay chân miệng có 310 cháu, điều trị nội trú 111 cháu; ngày cao điểm, Bệnh viện khám, điều trị cho trên 30 trường hợp. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Nhi tỉnh) cho biết: Bệnh tay chân miệng là một trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch, có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách, kịp thời. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh tay chân miệng, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn. Về các dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng ở trẻ, theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, trong ba ngày đầu nhiễm bệnh, trẻ có sốt nhẹ, ho và biểu hiện về bệnh tiêu hóa như ăn không được, nôn… Trong đó dấu hiệu rõ nhất là trẻ ăn uống không được, thường quấy khóc, chảy nước bọt. Ngoài ra trên lòng bàn tay, chân, đầu gối, khuỷu tay, mông của trẻ sẽ nổi hồng ban. Khi cha mẹ thấy có những biểu hiện trên nên đưa trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt để bác sĩ xác định mức độ bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Trường hợp trẻ bị nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị tại nhà. Trường hợp bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc bệnh độ 1 (được điều trị ngoại trú), phụ huynh cho trẻ uống thuốc theo đơn và có chế độ dinh dưỡng phù hợp (chia bữa nhỏ, thức ăn dễ tiêu, tránh thực phẩm kích thích chua, cay, uống nhiều nước); vệ sinh da, miệng thường xuyên, không kiêng tắm gội, cho trẻ ở nơi thoáng mát. Trong quá trình điều trị tại nhà, trẻ có các dấu hiệu: giật mình chới với, li bì, khó đánh thức, uống thuốc sốt nhưng không hạ, đi loạng choạng, run tay, ngồi không vững, nôn nhiều lần là báo động bệnh trở nặng. Phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 6-6, toàn tỉnh có 275 trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị nội trú tại các cơ sở y tế, phần lớn là mắc từ đầu tháng 4 đến nay. Hầu hết các trường hợp mắc đều ở mức độ vừa. Bác sĩ Lại Tuấn Anh, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Tay chân miệng là dịch bệnh lưu hành thường xuyên trên địa bàn tỉnh, hàng năm ghi nhận trên 1.000 trường hợp. Thời gian gần đây, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Theo nhận định, dịch bệnh này có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới và chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Có 2 nguyên nhân chính gây bệnh tay chân miệng. Nguyên nhân thứ nhất là do vi-rút đường ruột, bệnh có triệu chứng nhẹ, không gây biến chứng. Nguyên nhân thứ hai là do khuẩn EV71, có khả năng chuyển biến gây biến chứng nặng về tim mạch, dẫn đến tử vong. Ngay khi có các ca bệnh tay chân miệng đầu tiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các cơ sở y tế lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, đã xác định nguyên nhân gây bệnh là do vi-rút đường ruột.
Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã chỉ đạo hệ điều trị và hệ dự phòng tích cực giám sát, phát hiện, thu dung và điều trị bệnh nhân mắc bệnh tại địa phương; phối hợp với các ngành Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định... đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống; triển khai các hoạt động giám sát, xét nghiệm; tổ chức kiểm tra và hỗ trợ công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các địa phương có bệnh nhân… Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Nhi, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Lấy mẫu các trường hợp mắc tay chân miệng có độ lâm sàng từ 2b trở lên hoặc các trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại địa phương, gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để xét nghiệm.
Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt là phòng lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác. Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở các tuyến, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, nhất là y tế cơ sở. Đặc biệt Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng trong các nhà trường như: Tuyên truyền tại các nhà trẻ, mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh trong trường học. Các cơ sở giáo dục trang bị đủ phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên. Hàng ngày thực hiện vệ sinh lớp học, đồ chơi, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Phát hiện sớm các trường hợp mắc để xử lý và điều trị kịp thời; cách ly ngay các trường hợp mắc, không để lây lan ra cộng đồng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nâng cao thể trạng. Tại cơ sở giáo dục, trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp mắc bệnh trong vòng 7 ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền. Làm sạch các dụng cụ, vật dụng trẻ thường xuyên cầm, nắm, vệ sinh nhà bằng nước và xà phòng, sau đó lau bằng Cloramin B 0,5% theo quy định. Hướng dẫn cha mẹ học sinh thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./.
Bài và ảnh: Minh Tân