Bong gân là một chấn thương hay gặp nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Bong gân là khi vận động quá mạnh hoặc sai tư thế trong sinh hoạt, lao động, đặc biệt hay gặp ở những người chơi thể thao. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bong gân có thể để lại những biến chứng lâu dài.
Nên chườm đá khi bị bong gân. |
1. Thế nào là bong gân?
Bong gân là sự tổn thương của bao khớp, phổ biến là các dây chằng, thường xảy ra sau một động tác quá mạnh, tuy nhiên không làm trật khớp hoặc gẫy xương. Những chấn thương này có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nhưng hay gặp nhất ở chi dưới và chi trên: mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay hoặc cổ tay, hay gặp nhất là khớp cổ chân.
Nguyên tắc xử trí bong gân đơn giản và thời gian điều trị trung bình khoảng từ 3 đến 4 tuần.
Bong gân có thể ở nhiều mức độ:
- Ở mức nhẹ (độ 1): Gân bị kéo dài ra, số ít bó sợi bị đứt.
- Độ 2: Nhiều bó sợi bị đứt nhưng khớp vẫn vững nên tổn thương mau liền và ít bị biến chứng.
- Ở thể nặng (độ 3): Dây chằng bị bóc khỏi một đầu xương hoặc bị đứt đôi có thể gây nhiều biến chứng.
2. Yếu tố nguy cơ gây bong gân
Bất cứ ai ở độ tuổi nào cũng có thể bị bong gân. Một số yếu tố nguy cơ gây bong gân cao hơn:
- Các vận động viên thể hình, tennis, gôn có nguy cơ bị bong gân cổ tay, bàn ngón tay, khuỷu, khớp vai; Vận động viên bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá có nguy cơ bị bong gân bàn chân, cổ chân, gối; Các môn thể thao đối kháng, dễ va chạm có nguy cơ bong gân ở bất cứ vị trí nào; Các môn đòi hỏi sức bền như chạy, đi bộ có nguy cơ bong gân ở bàn chân, cổ chân, khớp gối, thậm chí cả khớp háng.
- Sử dụng giày, dép không phù hợp khi thi đấu.
- Không khởi động kĩ hoặc vận động quá mạnh
- Những người có tiền sử bị bong gân
- Thừa cân, béo phì.
- Người có bệnh lý nền về tập trung, cân bằng..
- Môi trường, thời tiết xung quanh mưa ẩm ướt, trơn trượt
3. Nguyên nhân gây ra chấn thương bong gân
Phổ biến nhất vẫn là nguyên nhân do:
- Tai nạn trong sinh hoạt và lao động
- Bê vác vật nặng hoặc sai tư thế thường xuyên
- Các hoạt động có tính chất lặp lại, kéo dài
4. Các biểu hiện điển hình
Các biểu hiện của bong gân rất giống với gãy xương.
- Triệu chứng có thể là đau, tăng lên khi đi lại. Khi bị bong gân, người bệnh cảm thấy đau nhói như điện giật ở vùng khớp bị trẹo, sau đó, khớp tê dại không còn đau nữa.. Khoảng 1 giờ sau, cảm giác đau nhức dần dần trở lại
- Sưng và bầm tím, sưng xung quanh khớp. Da vùng khớp tái nhợt do chảy máu trong và biến loạn vận mạch.
- Giảm vận động tại khớp bị tổn thương: Người bệnh không thể vận động khớp một cách tự nhiên như trước. Người bệnh cảm thấy cứng khớp, phải rất nhẹ nhàng mới vận động lại được. Nếu bong gân ở bàn chân, mắt cá chân sẽ không bước đi được
Trong hầu hết cá trường hợp phải chụp X quang mới phát hiện và phân biệt được tình trạng bong gân
Trên thực tế, thì hầu hết bệnh nhân thường chủ quan với chấn thương này nên để lại những hậu quả về sau. Nhiều người sai lầm do tự điều trị, dùng rượu, xoa cao vào nơi bị tổn thương. Đây là sai lầm nghiêm trọng nhất vì tổn thương này nghiêm cấm dùng chất nóng tác động sẽ gây chảy máu mạnh hơn. Các chất nóng chỉ nên dùng trong trường hợp gãy xương, tuyệt đối không nên xoa khi bong gân vì có thể dẫn đến teo cơ, cứng khớp
5. Phân biệt bong gân và căng cơ
Các triệu chứng biểu hiện của bong gân và căng cơ rất giống nhau bởi bản chất hai tổn thương này giống nhau nên hai tổn thương này thường bị nhầm lẫn. Triệu chứng chung đều gây đau, sưng tại vùng cơ, khớp bị tổn thương, làm giảm cường độ vận động. Sự khác biệt chính là khi bị bong gân, các khớp xung quanh có thể bị bầm tím trong khi bị căng cơ có thể bị co thắt ở cơ.
6. Biến chứng của bong gân
Các biến chứng cấp tính bao gồm:
- Chảy máu, bầm tím, tụ máu
- Gây tổn thương mạch máu: một số tổn thương dây chằng nặng có thể gây tổn thương động mạch
- Thần kinh bị tổn thương: Tùy thuộc vào mức độ tổn thương,
- Hội chứng khoang: Biến chứng này hiếm gặp. Hội chứng khoang không được điều trị có thể dẫn tới tiêu cơ vân, tăng kali máu, và nhiễm trùng..
Các biến chứng muộn:
- Sự mất vững: Biến chứng này có thể gây tàn tật và làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
- Cứng khớp và giảm vận động
7. Xử trí khi bị bong gân
Ngay sau khi bị bong gân, phải làm ngừng chảy máu và hạn chế phù nề.
- Dùng băng thun băng ép khớp bị bong gân giúp khớp giữ cố định. Trường hợp nặng, cần đặt nẹp bột bất động khớp
- Chườm lạnh bên ngoài bằng nước đá trong 4 giờ đầu giúp dịu đau và co mạch, ngưng chảy máu, bớt phù nề.
- Kê cao đầu chi bị bong gân lên cao khi nghỉ ngơi và nằm ngủ.
- Nên tập củ động nhẹ nhàng để máu được lưu thông .
- Không xoa bóp, chườm nóng vào vùng bong gân tránh làm giãn mạch, chảy máu phù nề thêm.
- Không nên băng quá chặt
- Nếu bị bong gân do chơi thể thao, dùng ethyl clorua xịt vào nơi bong gân để gây tê làm lạnh tại chỗ giúp giảm đau
- Có thể dùng thuốc giảm đau. Không dùng aspirin vì thuốc có thể gây chảy máu.
- Trong trường hợp bong gân độ 1: bệnh nhân có thể bắt đầu vận động khớp nhẹ nhàng trở lại nếu đỡ đau.
- Bong gân độ 2-3: băng bột để bất động khớp trong 4-6 tuần, sau đó tập vận động từ nhẹ đến nặng.
- Bong gân độ 3: đặc biệt ở khớp gối, khớp cổ chân là khâu tái tạo dây chằng bị đứt kết hợp với bất động trong 4-6 tuần
Cách xử lý trên trên chỉ áp dụng với những trường hợp bị bong gân nhẹ. Còn đối với những trường hợp nặng cần đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời tránh những biến chứng có thể xảy ra.
8. Cách phòng tránh bong gân
Cần lưu để tránh nguy cơ chấn thương trong sinh hoạt và chơi thể thao:
- Khởi động kĩ để cho cơ và khớp được làm nóng.
- Chú ý tới thời tiết, địa hình khi hoạt động hay chơi thể thao
- Tập thể dục thường xuyên giúp cơ bắp mềm mại và linh hoạt,
- Nghỉ giải lao phù hợp để cơ, khớp có thời gian hồi phục, tránh căng cơ
- Nên mang bao khớp gối, bao cổ chân, bao cổ tay, giày phù hợp trong hoạt động thể thao.
- Thực hiện an toàn trong lao động và trong sinh hoạt
- Có chế độ ăn lành mạnh với đầy đủ các chất cần thiết giúp xương khớp chắc khỏe
- Tránh thừa cân, béo phì./.
Theo suckhoedoisong.vn