Triển khai hiệu quả Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

08:04, 08/04/2022

Là địa phương có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 và tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh ở mức cao so với các địa phương khác trong cả nước, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai có hiệu quả Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước khống chế, đưa tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, ổn định, nâng cao chất lượng dân số.

Cán bộ Y tế xã Hải Vân (Hải Hậu) tư vấn phòng, chống suy dinh dưỡng cho người chăm sóc trẻ.
Cán bộ Y tế xã Hải Vân (Hải Hậu) tư vấn phòng, chống suy dinh dưỡng cho người chăm sóc trẻ.

Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Hiện nay, tuy xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, nhưng vẫn có không ít người giữ tư tưởng lạc hậu “trọng nam khinh nữ”, với quan niệm chỉ có con trai mới được coi là lao động chính trong gia đình, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, phụng dưỡng bố mẹ khi già yếu… Nhiều người đã lợi dụng sự phát triển của y học hiện đại để lựa chọn giới tính thai nhi theo ý muốn chủ quan. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, 5 năm qua, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh ở mức 114,5-115 bé trai/100 bé gái, luôn ở tốp cao trong cả nước (tỷ số giới tính khi sinh cân bằng khi trong một năm có từ 103-106 bé trai/100 bé gái được sinh ra). Tỉ lệ sinh con lần thứ 3 trở lên vẫn ở mức cao, năm 2021 là 19,41% so với số sinh. Đáng chú ý là số cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 gia tăng hàng năm. Khác với trước đây, đối tượng vi phạm chính sách dân số thường sinh sống ở vùng nông thôn, ven biển, hộ nghèo, nhưng nay diễn ra nhiều cả ở thành thị, vùng đông dân cư, người dân có nhận thức cao, biết tìm đến kỹ thuật hiện đại chọn lọc sinh sản để hỗ trợ sinh con theo ý muốn. Mặt khác, chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình chưa đủ mạnh. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu thực hiện chính sách dân số. Hệ lụy của tình trạng mức sinh và chênh lệch tỷ số giới tính cao đã được cảnh báo mạnh mẽ hậu quả về lâu dài sẽ dẫn đến thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi kết hôn và sinh đẻ, làm biến đổi cơ cấu dân số theo giới tính, đồng thời tác động trực tiếp đến cơ cấu lao động, việc làm, gây nên bất bình đẳng giới và bạo lực giới, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội…

Cần nhiều biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Việt Nam đặt mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, đến năm 2030, đưa tỷ số giới tính khi sinh là dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra còn sống. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Chương trình, kế hoạch về công tác dân số và phát triển như: Chương trình hành động số 21/CTr-TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 17/KH-UBND của UBND tỉnh; Kế hoạch số 32/KH-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Nam Định thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; đặc biệt là Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 25-10-2016 của UBND tỉnh thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. 

Nhận thức rõ hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể, các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức của người dân về bình đẳng giới, như đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao vị thế, vai trò của nữ giới trong gia đình, xã hội. Các biện pháp khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh được tăng cường, thông qua việc cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các hội nghị chuyên đề của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn tại cộng đồng, nói chuyện chuyên đề dành cho các cặp vợ chồng, nam giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên và những người có uy tín trong cộng đồng về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy xã hội; phổ biến các quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho các nhóm đối tượng liên quan tại cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến nhóm nam, nữ, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Tổ chức hội thảo chuyên đề về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh với sự tham dự của lãnh đạo, chuyên viên các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cấp huyện nhằm cung cấp thông tin, nguyên nhân, hậu quả và bàn về các giải pháp để từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh của Nam Định về 110 bé trai/100 bé gái vào năm 2030. Duy trì và xây dựng mới những câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên, câu lạc bộ tiền hôn nhân… của các ban, ngành, đoàn thể và lồng ghép tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các buổi sinh hoạt câu lạc bộ được tổ chức hàng tháng, quý. Hàng năm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện 2 đợt Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn và vùng ven biển, đồng thời lồng ghép nội dung về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp về mất cân bằng giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng triển khai các hoạt động hỗ trợ để phụ nữ có điều kiện phát triển như dạy nghề, vay vốn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái; đưa nội dung không sinh con thứ 3 trở lên, không lựa chọn giới tính thai nhi vào quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; ký cam kết không hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi; xây dựng hòm thư, đường dây nóng thu nhận tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tuyên truyền, lựa chọn giới tính thai nhi ở cộng đồng dân cư; thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về dân số và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. 

Bằng các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã góp phần làm chuyển biến công tác dân số, tỷ số giới tính khi sinh tại tỉnh đang dần được kiểm soát. Công tác dân số đã thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành, tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và hành vi của đông đảo nhân dân đối với việc chấp nhận chuẩn mực gia đình ít con, không lựa chọn giới tính khi sinh. Tỉnh ta đã hoàn thành một số mục tiêu của công tác dân số như giảm sinh hàng năm tiến tới ổn định quy mô dân số phù hợp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỷ lệ giảm sinh năm 2016 là 0,26%o; năm 2021 là 0,14%o. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm có giảm dần so với năm trước, đạt chỉ tiêu kế hoạch giao: năm 2016 là 0,8%; năm 2021 là 0,72%. Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm mạnh. 

Với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh và phấn đấu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2025, thời gian tới, các ngành chức năng, đoàn thể, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngành Y tế tổ chức đào tạo, tập huấn về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; nỗ lực thay đổi nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của cộng đồng về giới./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com