Mở rộng dịch vụ về phòng chống HIV/AIDS

08:04, 06/04/2022

Hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã không ngừng mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ về phòng chống HIV/AIDS. Các dịch vụ can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người dễ bị lây nhiễm được duy trì và nâng cao chất lượng. Dịch vụ tư vấn, xét nghiệm tiếp tục được mở rộng; thực hiện tốt công tác điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV.

Bệnh nhân uống Methadone điều trị cai nghiện ma túy tại Trung tâm cai nghiện huyện Nam Trực.
Bệnh nhân uống Methadone điều trị cai nghiện ma túy tại Trung tâm cai nghiện huyện Nam Trực.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lũy tích từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại địa bàn đến ngày 31-12-2021, toàn tỉnh có 5.870 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 3.870 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.659 người đã tử vong. Riêng trong năm 2021, phát hiện 74 người nhiễm HIV và có 45 trường hợp nhiễm HIV/AIDS tử vong. Bác sĩ Vũ Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để giảm thiểu số ca mắc mới, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ, cũng như giảm thiểu kỳ thị phân biệt đối xử của xã hội với người nhiễm HIV/AIDS, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng dân cư, ngành Y tế đã kiện toàn, củng cố và mở rộng các điểm cấp thuốc kháng vi-rút (ARV); đồng thời tăng năng lực cho các cán bộ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các tuyến, bảo đảm cơ sở vật chất, cung cấp vật tư và hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng, nhất là nhóm có nguy cơ cao; thường xuyên rà soát, tư vấn, vận động để họ tự nguyện làm xét nghiệm phát hiện HIV sớm, vận động người nghiện chích ma túy tham gia điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và người nhiễm HIV/AIDS điều trị ARV sớm. Ngành Y tế đã kiện toàn, củng cố mạng lưới cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS, cộng tác viên y tế thường xuyên được tập huấn, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu chăm sóc và điều trị HIV/AIDS và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Công tác chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS tích cực được thực hiện hướng tới mục tiêu 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV). Tính đến 31-12-2021, toàn tỉnh có 1.491 bệnh nhân đang được điều trị bằng ARV, gồm 1.457 người lớn và 34 trẻ em. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 100% (dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân không có thẻ BHYT). Từ năm 2021 đến nay có 400 bệnh nhân HIV được xét nghiệm tế bào CD4 và 853 bệnh nhân được xét nghiệm tải lượng HIV để đánh giá kết quả điều trị ARV. Kết quả 98% bệnh nhân được xét nghiệm có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, sức khỏe ổn định. Các trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV được đặc biệt quan tâm chăm sóc. Nhờ triển khai chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để người mẹ chủ động xét nghiệm HIV sớm (trước 3 tháng thai kỳ) và điều trị dự phòng sớm nếu phát hiện có HIV đã mang lại hiệu quả, đảm bảo sự thành công của chương trình. Đến nay cán bộ tại trạm y tế các xã, thị trấn đã được tập huấn lấy mẫu máu làm test nhanh đối với phụ nữ có nguy cơ cao nhiễm HIV mang thai. Nhờ đó, giúp phát hiện kịp thời những trường hợp nhiễm HIV để điều trị ngăn lây truyền sang con. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 13.786 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, qua đó phát hiện 15 phụ nữ mang thai nhiễm HIV; trong đó 13 trường hợp điều trị ARV trước khi có thai, 2 trường hợp phát hiện HIV khi chuyển dạ. Cả 15 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV cho mẹ và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm HIV. 

Công tác xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS tiếp tục được tăng cường. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng về các địa bàn cơ sở, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp, nhất là nhóm có nguy cơ cao; thường xuyên rà soát, tư vấn, vận động để họ tự nguyện làm xét nghiệm phát hiện HIV sớm, vận động người nghiện chích ma túy tham gia điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở y tế, cơ sở tư vấn xét nghiệm tự nguyện đã lấy 17.257 mẫu xét nghiệm sàng lọc; phát hiện 122 mẫu dương tính với HIV. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai đánh giá nhanh dịch HIV trên 200 người nghiện chích ma túy tại các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu, kết quả tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 4%. Toàn tỉnh có 694 bệnh nhân lao có nguy cơ cao được xét nghiệm HIV; 97 bệnh nhân HIV được chuyển đến cơ sở điều trị lao để chẩn đoán lao; qua đó phát hiện 6 bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV và được đưa vào điều trị. Trong các trường hợp nhiễm HIV điều trị ARV, có 104 bệnh nhân được đồng thời điều trị viêm gan C tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS huyện Giao Thủy, huyện Hải Hậu và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ngành Y tế triển khai hiệu quả chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Đến 31-3-2022, toàn tỉnh có 10 cơ sở điều trị Methadone và 1 cơ sở cấp phát thuốc Methadone với tổng số bệnh nhân tham gia điều trị là 2.277 người, đạt 120% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) được triển khai tại 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS các huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 3-2022, các cơ sở đã điều trị cho 186 trường hợp phơi nhiễm do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục cho nhiều trường hợp có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS thời gian qua gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Một số hoạt động triển khai chậm hoặc chưa triển khai được theo theo kế hoạch đề ra như hoạt động phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cho người có hành vi nguy cơ cao, xét nghiệm lưu động, xét nghiệm tải lượng HIV…

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS trước năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-TU, ngày 21-9-2021 thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com