Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, các rối loạn tâm thần… có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người bệnh và là gánh nặng về kinh tế. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm, ngành Y tế đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, làm tốt công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, đảm bảo cho mọi người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại nơi mình sinh sống.
Cán bộ Trạm Y tế phường Ngô Quyền (thành phố Nam Định) đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe cho người dân. |
Những năm qua, ngành Y tế đã triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 376/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025; củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm các tuyến, nhất là tại các trạm y tế. Sở Y tế đã xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh; giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm trên toàn tỉnh. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố củng cố mạng lưới quản lý bệnh không lây nhiễm từ huyện đến xã; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các trạm y tế về thực hiện nhiệm vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các ngành chức năng, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại cộng đồng như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên Đài phát thanh, hệ thống loa truyền thanh các xã, thị trấn, phát tờ rơi, treo băng rôn, áp phích, lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị của các ngành, đoàn thể, khu dân cư về bệnh không lây nhiễm. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về các yếu tố nguy cơ gây bệnh, biểu hiện của bệnh. Nguyên nhân chủ yếu của các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người bệnh như: hút thuốc; uống rượu bia; ăn ít rau, trái cây; ăn nhiều muối; thiếu hoạt động thể lực… dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu. Hướng dẫn người dân biết cách phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm thông qua các biện pháp kiểm tra sức khỏe đơn giản như: Đo huyết áp, xét nghiệm nhanh đường máu, sàng lọc ung thư... Tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh như chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ ăn giảm muối trong bệnh tim mạch, đo huyết áp thường xuyên, không hút thuốc lá. Đội ngũ cộng tác viên y tế thôn tăng cường hoạt động thăm hộ gia đình, trực tiếp truyền thông, tư vấn cho người dân để người dân tự đánh giá nguy cơ mắc bệnh của mình, tự đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, phát hiện sớm và điều trị.
Nhằm nâng cao năng lực phòng chống bệnh không lây nhiễm cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn, Sở Y tế đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế xã, nhất là y tế thôn. Mở lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật xét nghiệm, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm. Ngành Y tế áp dụng phác đồ điều trị chuẩn các bệnh không lây nhiễm được áp dụng tại các tuyến từ Trung ương đến địa phương để bệnh nhân yên tâm điều trị tại các tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với các đơn vị y tế Trung ương xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến cơ sở. Phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương triển khai các hoạt động thuộc Dự án quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại 37 xã, phường của 5 huyện, thành phố. Trong khuôn khổ dự án, từ đầu năm 2021 đến nay đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về chẩn đoán, điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại tuyến cơ sở; 4 lớp tập huấn cho đội ngũ y tế thôn về thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm tăng huyết áp, đái tháo đường tại cộng đồng; hỗ trợ “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ, nhân viên các trạm y tế của 4 huyện, thành phố. Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Nội tiết triển khai dự án phát hiện, quản lý bệnh đái tháo đường tại 5 xã của huyện Vụ Bản và thành phố Nam Định; phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) triển khai mô hình quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại huyện Mỹ Lộc; tổ chức tập huấn cho 50 cán bộ trạm y tế các huyện, thành phố về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Phối hợp với Cục Y tế dự phòng triển khai mô hình can thiệp giảm muối phòng chống bệnh tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác tại 46 xã, phường, thị trấn của huyện Trực Ninh và thành phố Nam Định.
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực của y tế tuyến cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và triển khai hiệu quả hoạt động dự phòng, quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, cơ sở y tế các tuyến đã khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp cho trên 8.423 lượt người, phát hiện 2.065 người tăng huyết áp; khám sàng lọc bệnh đái tháo đường cho trên 4.129 lượt người, phát hiện 767 người mắc bệnh… Hiện toàn tỉnh có 18.006 bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý, điều trị tại trạm y tế, trong đó 14.790 bệnh nhân đạt huyết áp mục tiêu. Các trạm y tế xã thực hiện tốt công tác quản lý và điều trị bệnh đái tháo đường như: Xuân Thủy quản lý 378 bệnh nhân, Xuân Vinh 312 bệnh nhân, Xuân Trung 310 bệnh nhân (Xuân Trường); Yên Đồng 295 bệnh nhân (Ý Yên); thị trấn Rạng Đông 258 bệnh nhân, Nghĩa Thành 237 bệnh nhân (Nghĩa Hưng); Nghĩa An 232 bệnh nhân (Nam Trực)… Toàn tỉnh có 1.886 bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính được quản lý, điều trị ngoại trú. 226 xã, phường, thị trấn triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Việc điều trị bệnh không lây nhiễm ngay tại trạm y tế giúp người bệnh tiết kiệm được rất nhiều chi phí do không phải đi xa, mất nhiều thời gian di chuyển, chờ đợi và cán bộ y tế tại trạm cũng có thể tư vấn, quản lý, theo dõi người bệnh điều trị dễ dàng hơn.
Với mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở. Đẩy mạnh việc quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở gắn với thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản theo Thông tư 39/2017/TT-BYT. Tăng cường hiệu quả hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm theo hướng toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể. Đồng thời tăng cường năng lực hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm từ tỉnh đến xã, phường để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm./.
Bài và ảnh: Minh Tân