Hiệu quả điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone

05:08, 04/08/2021

Methadone là chất thay thế được sử dụng trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Khi sử dụng Methadone sẽ giúp người nghiện giảm cảm giác thèm ma túy, dừng hoặc giảm tần suất sử dụng ma túy, cải thiện tình trạng sức khỏe và tiến tới không sử dụng ma túy; tăng hiệu quả điều trị bằng thuốc ARV, cũng như làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và bệnh lây truyền qua đường máu trong cộng đồng. Qua hơn 10 năm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, đã đạt những kết quả tích cực. Số người tái nghiện ma túy giảm, giảm lây nhiễm HIV; giúp người nghiện phục hồi chức năng tâm lý, xã hội, lao động tái hoà nhập cộng đồng và góp phần giảm các hành vi vi phạm pháp luật.

Bệnh nhân uống Methadone điều trị cai nghiện ma túy tại Trung tâm cai nghiện huyện Nam Trực.
Bệnh nhân uống Methadone điều trị cai nghiện ma túy tại Trung tâm cai nghiện huyện Nam Trực.

Bệnh nhân Nguyễn Văn H ở thành phố Nam Định cho biết: Trước đây tôi đã nhiều lần cai nghiện tại nhà nhưng đều không thành công. Cách đây 3 năm, được bác sĩ tư vấn, tôi đăng ký và được điều trị bằng Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Sức khỏe tôi ngày càng tốt lên và đã thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Hàng ngày, vào đầu giờ sáng tôi đến phòng khám uống thuốc rồi đi làm. Cuộc sống của tôi giờ đã ổn định. 

Bác sĩ Vũ Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tính đến hết tháng 7-2021, toàn tỉnh có 2.196  bệnh nhân điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 11 cơ sở điều trị, cấp phát thuốc. Hàng ngày, thường là tập trung vào buổi sáng, người bệnh đến phòng khám, thực hiện đăng ký và uống thuốc tại phòng khám có sự giám sát của nhân viên y tế. Methadone là chất điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện, hấp thu qua đường uống nên giảm được nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu khác. Tác dụng của thuốc kéo dài 24 giờ nên những người được điều trị Methadone chỉ phải uống thuốc 1 lần/ngày. Methadone cũng không gây phấn khích, ảo giác như các loại ma túy khác nên sau khi uống nguời nghiện vẫn lao động bình thường, ổn định cuộc sống, hạn chế sa vào các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật… Đây là liệu pháp được đánh giá có chi phí rẻ và hiệu quả. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm cai nghiện huyện Nam Trực, Phòng khám đa khoa Đại Đồng (Giao Thủy) và Trung tâm Bảo trợ và phòng, chống tệ nạn xã hội (Giao Thủy); 1 cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế thành phố Nam Định. Trong đó, cơ sở điều trị tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang điều trị cho 539 bệnh nhân; cơ sở điều trị tại Trung tâm Bảo trợ và phòng, chống tệ nạn xã hội (Giao Thủy) đang điều trị cho 329 bệnh nhân; cơ sở điều trị tại Phòng khám đa khoa Đại Đồng (Giao Thủy) điều trị cho 273 bệnh nhân; cơ sở điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường điều trị cho 252 bệnh nhân... Riêng cơ sở điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ý Yên được đưa vào hoạt động từ tháng 10-2020 đến nay, đã tiếp nhận, điều trị cho 10 bệnh nhân. Các cơ sở điều trị đều được trang bị các thiết bị, máy móc phục vụ việc khám, xét nghiệm, hỗ trợ thuốc điều trị, đáp ứng nhu cầu điều trị và uống thuốc Methadone cho bệnh nhân. Trước và trong thời gian điều trị Methadone, người bệnh và người nhà đều được đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên tư vấn về những vấn đề liên quan đến điều trị Methadone, tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị, cung cấp kiến thức thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, dự phòng tái nghiện; hỗ trợ cho người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị, các quy định của cơ sở điều trị, cấp phát thuốc. Theo phản ánh của các cơ sở này, hầu hết bệnh nhân đều chấp hành tốt quy định giờ uống thuốc, phác đồ điều trị cũng như các tư vấn, khuyến cáo của cán bộ, nhân viên y tế; quá trình điều trị không có bệnh nhân tử vong do dùng thuốc quá liều hoặc do tác dụng không mong muốn do Methadone gây ra. Các hành vi sử dụng ma túy trong số bệnh nhân tham gia điều trị bằng Methadone giảm một cách rõ rệt. Người nghiện sau khi tham gia điều trị đều cải thiện về sức khỏe, tâm lý ổn định; nhiều người đã đi học nghề, có việc làm và có thu nhập ổn định, từng bước tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt là xã hội giảm nguy cơ lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy không an toàn. Đây còn là chương trình mang ý nghĩa nhân văn, giúp người nghiện ma túy thay đổi hành vi, lối sống, phục hồi nhân cách, hòa nhập cộng đồng, mang lại hạnh phúc cho gia đình và sự bình yên của xã hội. Chính vì thế mà số bệnh nhân đăng ký điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone dần tăng qua các năm: Năm 2019 là 1.987 bệnh nhân và hiện nay tăng lên 2.196 bệnh nhân, đạt 115,5% so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1008/QĐ-TTg là 1.900 người.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận nêu trên, chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên địa bàn tỉnh ta cũng gặp không ít khó khăn. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân còn hạn chế, còn nhiều người nghiện ma túy chưa hiểu đúng và đầy đủ về chương trình cai nghiện bằng Methadone. Nhiều gia đình và người nghiện chưa dám công khai đến điều trị do sợ bị kì thị; một số bệnh nhân uống thuốc không đúng giờ, hoặc tự ý bỏ liều thường xuyên, rất ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Để việc điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đạt hiệu quả cao hơn cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận, tham gia ủng hộ của người bệnh, gia đình người bệnh và cả cộng đồng. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc điều trị bằng Methadone cho người nghiện ma túy. Vai trò, trách nhiệm của xã hội, gia đình trong việc giúp người bệnh điều trị, phục hồi chức năng để nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, bản thân người nghiện phải rèn luyện nâng cao ý thức, nghị lực gạt bỏ tự ti, mặc cảm tham gia chương trình điều trị; kiên trì, tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của thầy thuốc và quy định trong quá trình điều trị để chiến thắng ma túy, tự mở con đường tái hòa nhập cộng đồng vì tương lai trước hết của chính bản thân mình./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com