Thực hiện chủ trương tăng cường tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 của Chính phủ và theo chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu 95% đối tượng có nguy cơ và cộng đồng được tiêm đủ mũi vắc-xin phòng COVID-19 và đảm bảo an toàn tiêm chủng, ngành Y tế đã có chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Đăng ký tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Theo phân bổ của Bộ Y tế, ngày 12-4-2021, tỉnh ta đã tiếp nhận 9.600 liều vắc-xin AstraZeneca phòng bệnh COVID-19 và được bảo quản tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo đúng quy định của Bộ Y tế. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 833/QĐ-UBND phân bổ vắc-xin đợt 1 cho các địa phương, đơn vị trong tỉnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 1.150 liều, thành phố Nam Định 1.000 liều, Hải Hậu 1.400 liều, Ý Yên 1.200 liều, Giao Thủy 850 liều, Xuân Trường 850 liều, Trực Ninh 800 liều, Nam Trực 800 liều, Nghĩa Hưng 600 liều, Vụ Bản 550 liều, Mỹ Lộc 400 liều). Đối tượng tiêm đợt 1 gồm: Cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại cơ sở y tế (công lập và ngoài công lập) tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19; người tham gia công tác phòng, chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc tại các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ giám sát cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên). Riêng lực lượng Quân đội, Công an: Do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chỉ đạo triển khai tiêm theo Quyết định số 1821/QĐ-BYT ngày 7-4-2021 của Bộ Y tế. Thời gian triển khai tiêm từ ngày 25-4-2021 đến 13-5-2021 trên phạm vi toàn tỉnh. Các điểm tiêm chủng gồm 02 cơ sở tiêm chủng dịch vụ: Phòng tiêm vắc-xin Safpo Nam Định và Trung tâm tiêm chủng VNVC Nam Định; các điểm tiêm trong hệ thống tiêm chủng mở rộng tại các huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường và các điểm tiêm chủng tại các bệnh viện, phòng tiêm dịch vụ. Sở Y tế cũng thành lập 12 điểm tiêm chủng lưu động tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn thành phố Nam Định. Để đợt tiêm phòng đầu tiên đạt kết quả tốt, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19, đối tượng, địa bàn, lịch tiêm vắc-xin đợt I năm 2021; Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ tham gia công tác tiêm chủng vắc-xin COVID-19 toàn tỉnh về: kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19; hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng trong thời kỳ có dịch bệnh; tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc-xin; khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19; giám sát phản ứng sau tiêm chủng; chẩn đoán, xử trí phản vệ trong tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19; thống kê báo cáo kết quả tiêm chủng và sử dụng phần mềm tiêm chủng COVID-19.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, lập và trình UBND huyện, thành phố phê duyệt danh sách các đối tượng tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đợt I năm 2021 theo thẩm quyền quản lý quy định tại Nghị quyết số 21/2021/NQ-CP ngày 26-2-2021. Các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, tư nhân; bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, tư nhân, các cơ sở tiêm chủng xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại địa phương, đơn vị đảm bảo hiệu quả, an toàn tiêm chủng và an toàn phòng dịch COVID-19. Rà soát, lập danh sách các đối tượng tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 của đơn vị. Cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch buổi tiêm chủng: Lập danh sách đối tượng đến tiêm chủng theo các khung giờ khác nhau đảm bảo không quá 100 đối tượng/điểm tiêm chủng/buổi tiêm chủng; xác định và thông báo thời gian tiêm chủng cho từng nhóm đối tượng hoặc từng thôn, xóm hoặc đơn vị được tiêm chủng. Danh sách các đối tượng tiêm chủng cần đảm bảo: đầy đủ các thông tin về: Họ và tên, địa chỉ, nghề nghiệp, số điện thoại, số chứng minh thư/thẻ căn cước công dân, mã số bảo hiểm y tế, mã nhóm đối tượng theo Biểu mẫu tại Sổ tay hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 AstraZeneca; rà soát và lọc kỹ các đối tượng để tránh trùng lặp, bỏ sót đối tượng. Thành lập đội cấp cứu, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng cấp cứu tại chỗ và hỗ trợ các điểm tiêm chủng khi cần thiết. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho các nhân viên y tế về kỹ năng thực hành chẩn đoán, xử trí phản vệ, cấp cứu ngừng tuần hoàn, hồi sức cấp cứu cơ bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các cơ sở thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tổ chức rà soát, hoàn thiện và đảm bảo các điều kiện tiêm chủng theo quy định. Trung tâm tiêm chủng VNVC cử 1 đội tiêm chủng lưu động gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng để tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại các điểm tiêm chủng lưu động. Các phòng khám đa khoa tư nhân chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và phương tiện sẵn sàng tham gia hỗ trợ các điểm tiêm chủng khi được huy động.
Sau tiêm chủng, các cơ sở phải tổ chức theo dõi, giám sát chặt các trường hợp được tiêm vắc-xin COVID-19 để phát hiện sớm các bất thường, xử trí kịp thời. Tại các điểm tiêm chủng phân công nhân viên y tế chịu trách nhiệm theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng (nếu có) sẵn sàng các phương tiện cấp cứu tại chỗ, hộp chống sốc. Có sẵn phương án phân công cụ thể người hỗ trợ cấp cứu, đội cấp cứu lưu động, phương tiện vận chuyển bệnh nhân khi cần thiết. Tất cả các đối tượng tiêm chủng đều được thông tin tư vấn kỹ các triệu chứng có thể xảy ra sau tiêm; được khám sàng lọc trước khi tiêm, chỉ được tiêm đối với các trường hợp đủ điều kiện, đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin COVID-19 bằng văn bản. Sau khi tiêm phải theo dõi tại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để phát hiện sớm các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, hướng dẫn theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 7 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Liên hệ với bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥390C), tím tái, khó thở... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng. Những người tiêm chủng sẽ được cấp giấy chứng nhận đã tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19./.
Bài và ảnh: Minh Tân