Những năm qua, Hội Đông y tỉnh đã vận động hơn 800 hội viên tích cực tham gia công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho người dân. Bên cạnh những hiệu quả đạt được, công tác khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông y vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Hệ thống tổ chức y học cổ truyền chưa phát triển đồng bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị một số nơi còn thiếu, lạc hậu nên khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh. Hiện Hội Đông y các huyện Mỹ Lộc, Xuân Trường, Hải Hậu và thành phố Nam Định chưa có trụ sở làm việc đồng thời là nơi khám chữa bệnh. Công tác phát triển hội viên chưa thường xuyên, liên tục, đội ngũ y sĩ y học cổ truyền, lương y còn quá ít nên chưa đáp ứng được hết nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân... Tại tuyến xã là nơi khám, chữa bệnh ban đầu, việc khám, chữa bệnh bằng đông y rất hạn chế. Trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh nhiều nơi còn nghèo nàn, sơ sài; chỉ một số xã có máy điện châm, kim châm cứu, nia, mẹt phơi thuốc..., một số xã không thực hiện khám, chữa bệnh bằng đông y và chưa có vườn thuốc nam. Ngoài ra, việc sử dụng dược liệu vẫn còn khó khăn vì số lượng cây dược liệu quý ngày càng ít…
Sơ chế dược liệu tại cơ sở đông y gia truyền ở thành phố Nam Định. |
Trước thực trạng đó Hội Đông y tỉnh đã chỉ đạo Hội Đông y các huyện, thành phố vận động hội viên nâng cao tay nghề, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập hợp đội ngũ lương y chuyên sâu, đẩy mạnh hoạt động và phát triển phòng chẩn trị đông y các cấp, đa dạng hóa mô hình chăm sóc sức khỏe nhân dân, với tinh thần ở đâu có hội viên đông y ở đó có các cơ sở phòng chẩn trị phục vụ nhân dân. Hội cũng động viên các hội viên đi học các lớp chuyên sâu do Hội Đông y Việt Nam tổ chức. Các phòng chẩn trị của các cấp hội trong tỉnh duy trì bồi dưỡng truyền nghề tại chỗ theo phương pháp hướng nghiệp cho lớp người kế cận; mời các lương y giỏi trao đổi kinh nghiệm, tăng cường bồi dưỡng và phát triển hội viên là các lương y trẻ để kế thừa, phát triển nền y học cổ truyền. Các phòng chẩn trị của các cấp Hội Đông y trong tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là việc sử dụng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, xông hơi...; duy trì việc sử dụng các chế phẩm y học cổ truyền trong điều trị bệnh. Hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và quản lý Nhà nước về đông y ở các tuyến tiếp tục được kiện toàn. Người dân, hội viên đông y đã tích cực phát triển vườn thuốc Nam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu làm thuốc. Hội Đông y tỉnh tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, nuôi trồng, chế biến dược liệu…, góp phần phát triển nền y học cổ truyền tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Mặc dù nền y học ngày càng phát triển với việc ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ trong công tác khám và chữa bệnh, nhưng y học cổ truyền vẫn đóng vai trò quan trọng. Do đó, việc chú trọng giải quyết các khó khăn trong khám chữa bệnh bằng phương pháp đông y phát triển bền vững là vô cùng cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa