Phình động mạch não (ĐMN) là một túi phình hình thành trên thành ĐMN, thường có dạng hình túi, đôi khi có hình thoi, có thể vỡ ra gây chảy máu màng não hoặc não.
Túi phình ĐMN hình thành thế nào?
Con người khi sinh ra thường chưa có túi phình động mạch (PĐM). Phần lớn các túi phình phát triển sau tuổi 40. Chứng PĐM thường phát triển tại các điểm phân nhánh của động mạch và lớn dần ra bởi áp lực từ lưu lượng máu não. Chúng thường phình to từ từ và trở nên yếu hơn khi chúng lớn lên, giống như một quả bóng bay trở nên yếu hơn khi nó căng ra. Chứng PĐM có thể liên quan đến các loại rối loạn mạch máu khác, chẳng hạn như loạn sản sợi cơ, viêm động mạch não hoặc bóc tách động mạch. Một số chứng PĐM là do nhiễm trùng, các loại thuốc như thuốc gây nghiện mạnh, hoặc chấn thương não trực tiếp từ một tai nạn.
Cách chẩn đoán PĐM
Các xét nghiệm hình ảnh đặc biệt có thể phát hiện túi phình ĐMN khá dễ dàng, như chụp cắt lớp vi tính não (CT) có dựng hình động mạch. Phương pháp thứ 2, được gọi là chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng có thể phát hiện được bệnh. Kỹ thuật tin cậy nhất được gọi là chụp ĐMN chẩn đoán (DSA).
Nếu có một túi phình ĐMN, liệu có còn nhiều túi phình khác không? Câu trả lời là: Nếu có 1 túi PĐM có nghĩa là có khoảng 20% khả năng có một hoặc nhiều túi PĐM khác cùng tồn tại trong cơ thể.
Một ca phẫu thuật túi phình mạch não. |
Các triệu chứng của túi PĐM không vỡ
Các túi PĐM nhỏ thường không có triệu chứng. Nhưng khi túi PĐM to ra, nó có thể gây đau đầu hoặc đau tại chỗ túi phình. Nếu PĐM trở nên rất lớn, nó có thể tạo ra áp lực ép lên các mô não bình thường hoặc các dây thần kinh lân cận. Áp lực này có thể gây rối loạn thị lực, tê, yếu tay hoặc chân, khó nói, giảm trí nhớ hoặc co giật.
Nguyên nhân gây vỡ túi PĐM
Khoa học hiện nay chưa hoàn toàn cắt nghĩa được tại sao túi PĐM vỡ ra gây chảy máu hoặc chính xác khi nào nó sẽ vỡ. Tuy nhiên, chúng ta đã biết rõ những gì làm tăng nguy cơ chảy máu, trong đó: huyết áp tăng là nguyên nhân hàng đầu gây vỡ túi phình, làm chảy máu ra màng não. Gắng sức cũng có thể gây ra tăng áp lực trong não và có thể dẫn đến vỡ túi phình PĐM. Ngoài ra, những thay đổi cảm xúc quá mạnh, chẳng hạn như tức giận, có thể làm tăng huyết áp và sau đó có thể gây vỡ túi phình.
Các chất làm giảm đông máu, một số loại thuốc gây nghiện mạnh như ephedrine và amphetamine (thuốc lắc), cocaine có thể làm tăng nguy cơ vỡ.
Nhiều yếu tố quyết định liệu túi PĐM có khả năng vỡ và chảy máu hay không. Chúng bao gồm kích thước, hình dạng và vị trí của túi phình. Các PĐM nhỏ, bờ đồng đều có thể ít chảy máu hơn các phình lớn, hình dạng không đều. Một khi PĐM đã vỡ gây chảy máu, khả năng chảy máu tái phát rất cao.
Tác hại khi phình động mạch vỡ
Nếu một túi PĐM vỡ, nó sẽ rò rỉ máu vào khu vực xung quanh não. Đây được gọi là xuất huyết dưới nhện hay xuất huyết màng não. Tùy thuộc vào lượng máu, nó có thể gây ra đau đầu dữ dội, đột ngột, có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày hoặc lâu hơn. Có thể kèm theo buồn nôn và nôn, giảm nhận biết hoặc hôn mê. Xuất huyết cũng có thể làm tổn thương não trực tiếp, thường là do chảy máu vào cả bên trong não. Điều này có thể dẫn đến yếu hoặc liệt một tay hoặc chân, khó nói hoặc khó hiểu lời nói, giảm thị lực, co giật…
Khi túi PĐM vỡ ra gây chảy máu, khả năng tử vong là khoảng 40% và khả năng não bị tổn thương trầm trọng là khoảng 66%, ngay cả khi túi PĐM được điều trị. Nếu túi PĐM được điều trị đủ nhanh, các biến chứng do máu thoát ra ngoài màng não cũng còn rất nặng nề.
Co thắt mạch máu não là một biến chứng phổ biến sau khi PĐM vỡ. Điều này có thể dẫn đến tổn thương não gia tăng. Các vấn đề khác có thể bao gồm tràn dịch não (ứ nước), khó thở cần phải thở máy và nhiễm trùng…
Sau khi máu tràn vào não và không gian xung quanh nó, gây tổn hại trực tiếp đến mô não và chức năng não. Lượng máu càng nhiều tổn thương não càng nặng do tăng áp lực và phù nề do chảy máu trực tiếp vào mô não, hoặc do tổn thương tế bào não do lượng máu trong không gian giữa não và hộp sọ. Máu cũng có thể kích thích và làm hỏng các mạch máu bình thường và gây co thắt mạch máu. Điều này có thể làm gián đoạn lưu lượng máu bình thường đến các mô não khỏe mạnh và gây tổn thương não nhiều hơn.
Việc điều trị tốt nhất phụ thuộc vào nhiều thứ, bao gồm việc túi PĐM có bị vỡ hay không. Túi PĐM vỡ thường cần điều trị ngay. Tuy nhiên, thời gian điều trị và các lựa chọn phụ thuộc vào kích thước, vị trí và hình dạng của PĐM, cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Một khi túi PĐM vỡ, chảy máu và tổn thương não xảy ra, điều trị túi PĐM sẽ không đảo ngược được hoàn toàn tổn hại não. Điều trị giúp ngăn ngừa chảy máu nhiều thêm, kết hợp với các biện pháp điều trị khác, nhờ đó não có điều kiện hồi phục.
Theo suckhoedoisong.vn