Hiện nay, thời tiết thay đổi thất thường, lạnh và hanh khô, lúc lại ẩm ướt, là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu, bệnh khớp, bệnh ngoài da… Đặc biệt là tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục bùng phát. Trước tình hình đó, Sở Y tế đã tích cực phối hợp với các sở, ngành và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường năng lực giám sát, phát hiện và khẳng định bệnh dịch nhằm phát hiện sớm, bao vây dập tắt dịch, không để xảy ra dịch lớn.
Người dân khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản. |
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 217 ca mắc sốt xuất huyết (chủ yếu ở thành phố Nam Định 128 ca); 389 ca mắc, nghi mắc tay chân miệng (thành phố Nam Định 120 ca, Nam Trực 69 ca, Vụ Bản 63 ca, Nghĩa Hưng 42 ca, Mỹ Lộc 30 ca…). Nhận định những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa lạnh, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành duy trì triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế với quan điểm không chủ quan, lơ là, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; duy trì và thực hiện hiệu quả của tổ phòng chống dịch COVID tại cộng đồng, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Sở Y tế tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-BYT ngày 22-10-2020 của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân 2020; chủ động phối hợp với các ngành chức năng và BCĐ phòng chống dịch bệnh các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phát hiện, phòng chống dịch bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch, bệnh trong mùa đông xuân; tập trung vào các loại bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, tả, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), cúm A(H1N1), sởi, thủy đậu và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hoá; đặc biệt là phòng chống COVID-19 với thông điệp 5K, khuyến cáo người dân, hộ gia đình và cộng đồng thực hiện đeo khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp chủ động phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng... Các địa phương, đơn vị duy trì và phát động phong trào toàn dân làm vệ sinh môi trường, xử lý các chất thải trong sinh hoạt, vệ sinh môi trường ở những nơi tập trung đông người (bến tàu, bến xe, chợ...), duy trì và thực hiện tốt chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng, phun hóa chất khử khuẩn tại khu vực nguy cơ cao. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường giám sát dịch bệnh ở cơ sở y tế và trong cộng đồng, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, đặc biệt là bệnh COVID-19, MERS-CoV, cúm A(H7N9), bệnh cúm A(H5N1), A(H5N6), chú trọng triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp (bạch hầu, sởi, rubella...) và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...). Ở những địa phương xuất hiện liên tiếp các ca bệnh gây dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cử cán bộ đến cùng khoanh vùng, xử lý, không để bùng phát lan rộng. Các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, lưu thông lương thực, thực phẩm, các nhà hàng ăn uống, giải khát. Tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, kiểm tra chất lượng các nhà máy nước đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân. Các đơn vị y tế chuẩn bị vật tư y tế, trang thiết bị, bảo hộ, nhân lực sẵn sàng vào cuộc khi có dịch bệnh lớn xảy ra. Tăng cường triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng dịch vụ, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% trên quy mô cấp xã; thực hiện tiêm chủng an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19, xử lý kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch tiêm chủng thường xuyên và tiêm bổ sung đã được phê duyệt. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, phân loại sàng lọc bệnh, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, tuyên truyền cho người bệnh, người chăm sóc về các biện pháp phòng bệnh, không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trong thời gian tới, thời tiết lạnh hơn, khả năng rét đậm, rét hại kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa. Mỗi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh như: Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc-xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…). Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, thủy đậu, cúm... Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh; luyện tập thể dục đều đặn; khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Khi bản thân có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.
Bài và ảnh: Minh Tân