Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu (glucose) quá thấp. Hạ đường huyết không phải là một căn bệnh. Nó là một dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.
Triệu chứng và dấu hiệu của đường huyết thấp
Glucose là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Cơ thể hấp thụ đường qua thức ăn có nhiều carbohydrates như: gạo, khoai tây, bánh mì, ngũ cốc, sữa, trái cây, và các loại đồ ngọt. Đường tích trữ trong gan và mô dưới dạng glycogen và sẽ được phân hóa thành glucose để tạo năng lượng cho cơ thể.
Mức bình thường của glucose trong máu là từ 70 - 100mg/dL khi bệnh nhân đang nhịn ăn (không phải là ngay sau bữa ăn). Phản ứng sinh hóa của cơ thể đối với hạ đường huyết thường bắt đầu khi đường ở dưới 70mg/dL (dưới 3,9mmol/l). Tại thời điểm này, gan bắt đầu giải phóng lượng glycogen tích trữ của mình để chuyển thành glucose (đường huyết) và các hormon bắt đầu hoạt động. Ở nhiều người, quá trình này xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào. Lượng insulin được sản xuất cũng giảm trong nỗ lực ngăn chặn sự sụt giảm thêm glucose.
Mặc dù mỗi người có một số mức độ thay đổi khác nhau, hầu hết thường sẽ xuất hiện các triệu chứng báo hiệu lượng đường trong máu thấp khi mức đường huyết thấp hơn 50mg/dL. Nhóm triệu chứng đầu tiên được gọi là adrenergic (hoặc giao cảm) vì chúng liên quan đến phản ứng của hệ thần kinh đối với hạ đường huyết.
Những người bị hạ đường huyết có thể gặp bất kỳ các triệu chứng của hạ đường huyết do tiểu đường bao gồm run rẩy, chóng mặt, đau đầu, vã mồ hôi và cảm thấy đói; tim đập nhanh, thị lực giảm, cáu gắt và da tái nhợt. Do đường là năng lượng cung cấp cho cơ thể nên người bệnh khi bị hạ đường huyết thường cảm thấy khó chịu và mệt mỏi. Trong trường hợp đường huyết giảm đột ngột sẽ gây ngất xỉu, động kinh nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê.
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường trong thời gian dài có thể gây mất ý thức, động kinh vì não cần đường để duy trì hoạt động. Một vài trường hợp dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu hạ đường huyết. |
Nguyên nhân hạ đường huyết
Các nguyên nhân gây hạ đường huyết thấp bao gồm các yếu tố sau đây:
Chế độ ăn kiêng: Tiêu thụ quá ít thực phẩm trong thời gian dài mà không đủ hoặc thiếu chất dinh dưỡng có thể góp phần gây hạ đường huyết. Ăn kiêng giảm cân cũng có thể gây ra các triệu chứng này, nó liên quan đến việc ăn các bữa ăn nhỏ hoặc bỏ bữa ăn hoàn toàn. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, tiêu thụ thực phẩm không phải là nguyên nhân phổ biến nhất được xác định cho các đợt hạ đường huyết nặng.
Sử dụng thuốc tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường thường được điều trị bằng thuốc để bù lại sức đề kháng với tác dụng bình thường của insulin - nói cách khác là hạ đường huyết cao. Tuy nhiên một số thuốc điều trị bệnh tiểu đường có tác dụng phụ có thể gây hạ đường huyết. Các loại thuốc có thể góp phần hạ đường huyết bao gồm chlorpropamide, glimepiride (Amaryl), glipizide (Glucotrol, Glucotrol XL), repaglinide (Prandin), sitagliptin (Januvia) và metformin.
Kháng insulin: Quá nhiều đường trong máu có thể khiến insulin tăng lên mức cao nhiều lần, điều này cuối cùng gây ra tình trạng kháng insulin (khi các tế bào ngừng đáp ứng với lượng insulin bình thường). Điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường hoặc các triệu chứng khác của hội chứng chuyển hóa trong một số trường hợp, nhưng cũng góp phần làm biến động lượng đường trong máu ở những người không được coi là mắc bệnh tiểu đường.
Hoạt động thể chất quá sức: Tập thể dục quá sức hoặc không ăn gì sau khi tập thể dục có thể gây ra lượng đường trong máu thấp. Cơ bắp sử dụng glucose trong máu hoặc glycogen dự trữ để tự sửa chữa, vì vậy điều quan trọng là phải tiếp năng lượng sau khi tập luyện để ngăn ngừa các triệu chứng.
Các nguyên nhân khác: Mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn tự miễn dịch, rối loạn ăn uống, suy tạng hoặc khối u ảnh hưởng đến mức độ hormon đều có thể ảnh hưởng đến cách giải phóng insulin, glucose… Rượu làm tăng lượng đường trong máu, nhưng mức độ sau đó có thể giảm quá thấp. Uống nhiều rượu mà không ăn có thể ngăn chặn gan giải phóng glucose dự trữ vào máu. Từ đó gây hạ đường trong máu.
Theo suckhoedoisong.vn