Đẩy mạnh khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền

07:11, 30/11/2020

Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 và Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 16-8-2011 của UBND tỉnh Nam Định về việc thực hiện Quyết định số 2166/TTg, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã tích cực triển khai các kỹ thuật mới trong khám và điều trị cho người bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền; củng cố, phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các cơ sở y tế từ huyện đến các xã, phường, thị trấn, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Châm cứu, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.
Châm cứu, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Hiện nay hệ thống, mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền đã được củng cố từ tuyến tỉnh đến cơ sở, gồm: Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Công an tỉnh và 7 Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố (Hải Hậu, Ý Yên, Trực Ninh, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nam Trực và thành phố Nam Định) có khoa Y học cổ truyền hoạt động độc lập, 3 Trung tâm Y tế tuyến huyện (Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, Xuân Trường) có tổ y học cổ truyền lồng ghép với Khoa nội, phục hồi chức năng, hệ thống bệnh viện ngoài công lập như Bệnh viện đa khoa Sài Gòn - Nam Định, các Phòng khám đa khoa khu vực cũng có khoa Đông y. Sở Y tế và các Trung tâm Y tế huyện, thành phố đều bố trí cán bộ quản lý công tác y, dược cổ truyền trên địa bàn; khuyến khích hội viên Hội Đông y hoạt động hành nghề Y học cổ truyền đúng pháp luật, chấn chỉnh những vi phạm hành nghề y, dược tư nhân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoài công lập. Tuyến y tế cơ sở, 226 trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có hoạt động khám chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền.

Bệnh viện Y học cổ truyền hiện có 200 giường bệnh (thực kê 300 giường) được trang bị cơ sở, vật chất, thiết bị hiện đại, đầy đủ các khoa phòng chức năng, đội ngũ y, bác sĩ vững về chuyên môn, kiến thức phục vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân. Để thu hút người dân quan tâm và thực hiện khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã tích cực triển khai nhiều kỹ thuật mới nhằm phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn. Hàng năm, Bệnh viện đều cử các bác sĩ, điều dưỡng đi học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn tại Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Thái Bình, trong đó: 4 bác sĩ đi học chuyên khoa định hướng phục hồi chức năng; 7 bác sĩ đi học định hướng Nội; nhiều kíp bác sĩ, kỹ thuật viên đi học định hướng phục hồi chức năng; 1 bác sĩ đi học kỹ thuật đo mật độ loãng xương, 1 bác sĩ đi học điện tâm đồ và kỹ thuật xét nghiệm, một kỹ thuật viên đi học đo điện não đồ vi tính; 1 bác sĩ đi học hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, 2 bác sĩ đi học ngôn ngữ trị liệu tại Trường Đại học Y Hà nội, 1 bác sĩ đi học phẫu thuật trĩ tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Riêng năm 2020, Bệnh viện đã cử 1 bác sĩ đi học ngoại chấn thương tại Trường Đại học Y Hà Nội, 1 bác sĩ đi học nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Trung ương, 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng đi học hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời công tác nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện cũng được đẩy mạnh. Hàng năm, Bệnh viện đều có từ 5 đến 7 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở. Bệnh viện cũng thường xuyên đầu tư máy móc thiết bị mới phục vụ cho công tác điều trị, chẩn đoán như: Máy xét nghiệm sinh hóa, máy xét nghiệm huyết học, máy đo độ loãng xương, máy điện não đồ, máy laser nội mạch, máy siêu âm điều trị, các máy tập vận động, phục hồi chức năng; xây dựng nhà sắc thuốc bằng hệ thống lò hơi với quy mô 300 ấm sắc thuốc. Xây dựng tòa nhà 3 tầng với tổng diện tích 2.080m2 cho Khoa Khám bệnh, Khoa Xét nghiệm - cận lâm sàng và khu hành chính; thành lập thêm khoa phục hồi chức năng...  Nhờ đó, số dịch vụ kỹ thuật của Bệnh viện đã tăng từ 11 dịch vụ kỹ thuật (năm 2010) lên 20 dịch vụ kỹ thuật. Chất lượng điều trị của Bệnh viện được nâng cao rõ rệt: Năm 2020 (tính từ tháng 10-2019 đến hết tháng 9-2020), số bệnh nhân đến khám bệnh là 6.382 lượt người (tăng 791 người so với năm 2011); trong đó: 5.081 bệnh nhân điều trị nội trú (tăng 3.293 người so với năm 2011), 652 bệnh nhân điều trị ngoại trú, công suất giường bệnh đạt 149,5%.

Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến đối với các bệnh viện tuyến huyện, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã cử các đoàn y, bác sĩ về chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến dưới; hỗ trợ trang thiết bị, tư vấn khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; thường xuyên tiếp nhận các cán bộ y tế ở tuyến dưới về thực tập các kỹ thuật vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Đến nay, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh; Khoa, tổ Y học cổ truyền tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thành phố đã thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Các bệnh được các đơn vị chỉ định điều trị và có hiệu quả cao khi kết hợp như: Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, thoái hóa cột sống, di chứng tai biến mạch máu não, bí tiểu sau mổ, các chứng đau thần kinh cơ… Tuyến y tế cơ sở có 222/226 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020, có vườn thuốc nam mẫu và có hoạt động khám, chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền. Đối với những nơi không có biên chế cán bộ y, dược cổ truyền, trạm y tế bố trí cho chi hội đông y một diện tích thích hợp, trang bị y dụng cụ, tủ ô bàn quầy để triển khai phòng chẩn trị y, dược cổ truyền.

Bên cạnh đó, mạng lưới khám chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền ngoài công lập cũng có bước phát triển tích cực. Hiện có 10/10 huyện, thành phố có tổ chức Hội Đông y hoạt động; 165/226 xã, phường có chi hội tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương bằng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Toàn tỉnh hiện có trên 300 phòng khám chẩn trị y học cổ truyền của các cán bộ, hội viên Hội Đồng y hoạt động đều khắp trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, các cơ sở khám và điều trị  trung bình từ 500-550 nghìn lượt bệnh nhân bằng các phương pháp y học cổ truyền, góp phần cùng ngành Y tế thực hiện chủ trương dự phòng, chăm sóc và bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng.

Qua triển khai thực hiện Quyết định 2166/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay hệ thống Y học cổ truyền đã phát triển mạnh mẽ ở các tuyến cơ sở, phát huy được tiềm năng và ưu thế của y dược cổ truyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Với mục tiêu phát triển theo hướng đa khoa, hiện đại hóa y, dược cổ truyền kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tiếp tục đầu tư các thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán, điều trị theo tiêu chuẩn các hạng bệnh viện của Bộ Y tế. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên sâu, cán bộ y tế xã về các lĩnh vực, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản lý và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền và kết hợp với y học hiện đại. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế, đặc biệt quan tâm đến trang bị phương tiện thiết yếu phục vụ cho công tác chuyên môn của phòng chẩn trị y học cổ truyền. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Đông y các cấp, chú trọng nâng cao y đức và chất lượng chuyên môn cho hội viên, vận động hội viên tích cực tham gia công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền. Đẩy mạnh công tác nuôi trồng, thu hái các nguồn dược liệu, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đảm bảo chất lượng cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền./.

Bài và ảnh: Minh Tân


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com