Hội Đông y huyện Vụ Bản có 28 cán bộ, hội viên. Những năm qua, cán bộ, hội viên của hội đã đoàn kết, nêu cao “y đức, y thuật, y lý” của người thầy thuốc Đông y, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh cho nhân dân.
Lương y Nguyễn Trọng Hiên, Chủ tịch Hội Đông y huyện Vụ Bản khám bệnh cho bệnh nhân. |
Hội thường xuyên kết hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện triển khai thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 2166/NQ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nền Đông y Việt Nam trong tình hình mới và kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y dược cổ truyền đến năm 2020. Với 21 phòng chẩn trị Đông y, trong đó có 7 cơ sở hội quản lý, 14 cơ sở của hội viên, các cơ sở đã được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân như: Máy châm cứu, tủ đựng thuốc, thùng đựng dược liệu... Vì vậy, chất lượng điều trị bằng y học cổ truyền của các cơ sở ngày càng được nâng lên, một số bệnh về xương khớp, gan mật, rối loạn hệ tiêu hóa, ngứa lở, tuyến thận kém ảnh hưởng đến bài tiết, cảm cúm có biến chứng... được chữa trị và đạt kết quả tốt. Nhiều lương y tiêu biểu có chuyên môn cao như: Đỗ Ngọc Chiêm, Nguyễn Trọng Hiên, Trần Tuấn Vóc, Phạm Ngọc Phối, Vũ Duy Chỉnh được người bệnh tin tưởng. Lương y Nguyễn Trọng Hiên, chủ của cơ sở khám chữa bệnh Hồi Xuân, thị trấn Gôi mỗi ngày tiếp nhận từ 25-30 lượt bệnh nhân. Ngay từ sáng sớm đã có rất đông bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Bà Phạm Thị Tho ở thị trấn Gôi bị đau khớp gối nhiều ngày, khó khăn trong việc đi lại. Sau 1 tuần điều trị bằng thuốc và phương pháp bấm huyệt, châm cứu..., tình trạng đau khớp của bà đã giảm đáng kể. Bà Tho cho biết: “Tôi thấy phương pháp chữa trị bằng Đông y rất hiệu quả. Bác sĩ nhiệt tình chữa bệnh, niềm nở với bệnh nhân, phục vụ bệnh nhân rất chu đáo”. Trung bình mỗi năm, Hội khám, chữa bệnh cho khoảng 50 nghìn lượt người bệnh, trong đó, 60% người bệnh được chữa khỏi, 25% có tiến triển tốt. Ngoài ra, Hội còn khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em khuyết tật và các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, Hội Đông y còn kết hợp với trạm y tế xã trong công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Hội chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách sử dụng những cây thuốc nam tại gia đình để chữa trị một số chứng bệnh thông thường, giúp người dân chủ động phòng bệnh. Hội Đông y huyện đã xây dựng vườn thuốc Nam kiểu mẫu, nhân rộng ra toàn huyện. Đến nay, nhiều gia đình có vườn thuốc Nam vừa làm cây cảnh, vừa làm thuốc và rau ăn hàng ngày. Chi hội Đông y xã Đại Thắng là một trong những cơ sở trồng nhiều thuốc Nam. Hàng năm, chi hội trồng hàng trăm ha thuốc Nam, cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn thuốc như: huyền sâm, ngưu tất, trạch tả..., đem lại lợi nhuận cho hội viên. Để nâng cao trình độ chuyên môn cho hội viên trong huyện, Hội Đông y huyện chú trọng tới công tác bồi dưỡng chuyên môn thông qua hình thức giao lưu trao đổi kinh nghiệm chia sẻ bài thuốc hay, cây thuốc quý, tạo điều kiện cho các hội viên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và truyền thụ lại cho thế hệ trẻ. Nhờ vậy, nhiều gia đình lương y trong huyện đã truyền giữ được nghề thuốc đông y gia truyền cho con, cháu. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội Đông y huyện đã tham gia phòng chống dịch bệnh cùng với địa phương, tài trợ toàn bộ thuốc phun cho 1 cụm dân cư, tặng miễn phí 1.500 khẩu trang, găng tay y tế, 2 triệu đồng tiền mặt cho người dân.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Đông y huyện Vụ Bản tiếp tục củng cố mạng lưới tổ chức hội từ huyện đến cơ sở, xây dựng kế hoạch hoạt động lồng ghép giữa Hội Đông y và trạm y tế xã để kết hợp chặt chẽ giữa đông y và tây y chăm sóc sức khỏe nhân dân; kết nạp những người hành nghề đông y có tâm huyết, duy trì chế độ sinh hoạt, nâng cao y đức, y thuật kết hợp với xây dựng hội vững mạnh về tổ chức; lấy tiêu chí “niềm tin” của bệnh nhân làm thước đo, tôn chỉ hoạt động nhằm xây dựng nền đông y huyện ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa