Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 84 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, riêng trong tháng 9 có 52 trường hợp. Nhiều ca bệnh xuất hiện với biểu hiện chưa rõ ràng làm nhiều người nhầm lẫn với các bệnh khác, từ đó mất cảnh giác trong phòng và điều trị bệnh.
Phun hóa chất diệt bọ gậy, muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết tại thành phố Nam Định. |
Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, vì vậy, ngành Y tế đã tích cực chủ động, xây dựng kịch bản và kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết. Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế trên toàn tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết với các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức và huy động cán bộ, nhân dân tích cực tham gia phòng chống cùng với đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Phát động chiến dịch huy động người dân làm vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi tại khu dân cư, các khu vực có đông người như bệnh viện, trường học, chợ và trụ sở các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, khu vực các khu công nghiệp, cụm công nghiệp... Khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời, không tự điều trị tại nhà. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, kiểm soát các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và phát hiện sớm trường hợp mới phát sinh; tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng; tổ chức tốt các biện pháp dự phòng, tư vấn, thu dung, cấp cứu, phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất, thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Bên cạnh đó, đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết; tập huấn về hướng dẫn giám sát và các biện pháp phòng chống dịch cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, thành phố và mạng lưới cán bộ y tế xã, phường và cộng tác viên y tế cơ sở.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong số 84 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, tập trung chủ yếu ở thành phố Nam Định với 55 người mắc, còn lại rải rác ở các huyện: Nam Trực 9 người, Ý Yên 6 người, Vụ Bản 5 người… Tại những nơi có ổ dịch, ca mắc sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, thành phố phối hợp cùng với chính quyền địa phương, đoàn thể vào cuộc điều tra, lấy mẫu và khẩn trương khoanh vùng để tránh dịch bệnh lây lan diện rộng. Tính riêng trong tuần qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 19 trường hợp mắc, nghi mắc sốt xuất huyết mới, trong đó: tại thành phố Nam Định 14 trường hợp, Vụ Bản 3 trường hợp, Ý Yên 1 trường hợp, Nam Trực 1 trường hợp và đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện và thành phố giám sát, điều tra lấy mẫu làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm 11 mẫu dương tính test nhanh, 1 mẫu âm tính, 7 mẫu chưa có kết quả xét nghiệm; ghi nhận 1 ổ dịch tại xã Yên Khánh (Ý Yên), 3 ca mắc. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Ý Yên cùng Trạm Y tế xã Yên Khánh đã tổ chức làm chiến dịch vệ sinh môi trường tại ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi tại 151 hộ gia đình. Hiện nay, xã Yên Khánh tiếp tục theo dõi, giám sát và báo cáo hàng ngày về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, không ghi nhận bệnh nhân mới. Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt; đã có 50 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị khỏi, xuất viện; 15 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, không có bệnh nhân phải chuyển viện, không có trường hợp tử vong.
Bác sĩ Lại Tuấn Anh, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm bởi có mức độ lây lan rất nhanh chóng và có thể xảy ra quanh năm, nhất là thời điểm chuyển mùa rất thuận lợi cho muỗi phát triển. Bệnh thường gặp ở những nơi tập trung đông dân cư, vệ sinh môi trường kém. Bệnh có thể khởi phát ở cả người lớn và trẻ em; tuy nhiên, trẻ em là đối tượng cần được đặc biệt quan tâm vì thân nhiệt trẻ thường cao hơn người lớn, hay ra nhiều mồ hôi, khiến muỗi dễ phát hiện và đốt, ngoài ra trẻ chưa có ý thức phòng muỗi đốt, sức đề kháng của trẻ cũng yếu hơn nên dễ bị mắc bệnh hơn. Bệnh sốt xuất huyết có các biểu hiện: Sốt cao đột ngột, sốt liên tục kéo dài từ 2-7 ngày. Dấu hiệu xuất huyết nhẹ nhất là chảy máu cam, bệnh tiến triển nặng biểu hiện ở xuất huyết dưới da có thể lan rộng toàn thân, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen, gan to… kèm theo một số triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau sau hốc mắt, buồn nôn, đau bụng. Khi có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết cần đưa người bệnh đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Bệnh sốt xuất huyết nếu không kịp thời phòng, chống, phát hiện sớm, xử lý triệt để, ổ dịch sẽ lây lan ra diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Vì vậy người dân cần chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh như diệt bọ gậy, muỗi, phòng muỗi đốt; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch./.
Bài và ảnh: Minh Tân